Phát triển thị trường lao động, bảo đảm việc làm bền vững, mở rộng người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp
04/11/2024 08:46 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 3/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp (Ảnh quochoi.vn)
Trình bày Tờ trình về dự án Luật Việc làm, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, mục đích xây dựng luật là nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã thể chế hóa mục tiêu giải quyết việc làm bền vững, chất lượng, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển thị trường lao động của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 42-NQ/TW; các nội dung cải cách về chính sách bảo hiểm thất nghiệp của Nghị quyết số 28-NQ/TW; Bám sát 4 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15; Tổng hợp những kiến nghị của các Đại biểu Quốc hội, cử tri về lĩnh vực việc làm; Rà soát hạn chế, vướng mắc, bất cập phát sinh trong tổng kết thi hành Luật Việc làm năm 2013, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan; Rà soát các điều ước, cam kết quốc tế liên quan đến lĩnh vực việc làm.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng bổ sung các quy định hỗ trợ giải quyết việc làm cho người cao tuổi; chính sách hỗ trợ việc làm trong bối cảnh khủng hoảng, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh. Bổ sung các quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực việc làm: quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ việc làm theo phương thức thương mại điện tử; quy định về xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia nhằm phát triển dịch vụ việc làm. Sửa đổi quy định về hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm công theo hướng thu gọn đầu mối và chuyên nghiệp hóa. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp nhằm hạn chế gian lận, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo phù hợp với chủ trương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương và Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội cơ bản tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật và quan điểm xây dựng Luật. Tuy nhiên, để việc sửa đổi Luật tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc xây dựng, phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, việc sửa đổi Luật phải kế thừa, phát triển những quy định hiện hành, chỉ quy định trong Luật những nội dung đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, khắc phục cho được những khó khăn, vướng mắc do quy định của Luật Việc làm hiện hành, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị tiếp tục làm rõ những vấn đề phát sinh trong tổ chức thực hiện, nghiên cứu để quy định phù hợp với sự phát triển của quan hệ lao động, thị trường lao động ở nước ta; nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện các quy định, làm rõ chính sách hỗ trợ phát triển các thị trường lao động đặc thù, nhất là phát triển thị trường lao động khu vực nông thôn, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động nữ, người cao tuổi, thị trường lao động trình độ cao. Bảo đảm ngân sách cho các chính sách, chế độ có sử dụng ngân sách nhà nước; khả năng cân đối Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Thêm vào đó, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xây dựng cơ sở dữ liệu, kết nối thông tin, dự báo, định hướng cho việc phát triển thị trường lao động phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghiên cứu bổ sung các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển việc làm bền vững, việc làm có giá trị cao để phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước. Thúc đẩy vai trò, trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội nghề nghiệp trong phát triển, quản lý thành viên; kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin giữa người lao động làm việc cùng lĩnh vực và kết nối thông tin với cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tổ chức thực hiện chính sách sách, pháp luật việc làm nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi, hỗ trợ thúc đẩy kết nối tìm kiếm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao trình độ kỹ năng nghề… cho người lao động là thành viên của mình và những người lao động khác nói chung.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến tại phiên họp (Ảnh quochoi.vn)
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, việc trình dự án Luật Việc làm (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8 được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế tiếp tục nghiên cứu, cho ý kiến thêm về các nội dung liên quan đến các quy định về sử dụng ngân sách nhà nước, việc sử dụng vốn vay để giải quyết việc làm. Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm ở Điều 7, trong đó có việc chuyển nguồn quỹ quốc gia về việc làm thành nguồn ngân sách Trung ương cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội; đảm bảo nguồn lực cho vay đối với nguồn ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội ở các địa phương.
Cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể, phù hợp, đảm bảo tính khả thi của các quy định về chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động ở khu vực nông thôn, chính sách việc làm công, chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên, người cao tuổi.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần có giải pháp mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; đảm bảo tính khả thi trong quy định về đăng ký lao động; nghiên cứu bổ sung các chính sách hỗ trợ mở rộng cho các tổ chức dịch vụ việc làm tư nhân, tính khả thi của quy định về tư vấn viên dịch vụ việc làm, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong ban hành Bộ tiêu chuẩn quốc gia về dịch vụ việc làm.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, dự thảo Luật lần này đã tiếp thu nghiêm túc ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra; cơ quan soạn thảo đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tư duy đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Ủy ban Xã hội đã khẩn trương phối hợp với cơ quan soạn thảo, tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra dự án Luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đánh giá hồ sơ dự án Luật Việc làm (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Ủy ban Xã hội cần khẩn trương hoàn thiện báo cáo thẩm tra về dự án Luật để trình Quốc hội theo quy định. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu cơ sở ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Xã hội, cùng các cơ quan tham gia thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ gửi đại biểu Quốc hội để phục vụ phiên thảo luận tại tổ và tại Hội trường tại Kỳ họp thứ 8.
Phạm Chính
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tặng quà người có công, gia ...
Báo chí có đóng góp rất quan trọng vào kết quả nổi bật của ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?