Bám làng, bám bản để đưa chính sách an sinh xã hội đến với đồng bào dân tộc thiểu số

17/11/2021 04:51 PM


BHXH tự nguyện là chính sách ưu việt và đầy tính nhân văn cho lao động tự do làm việc ở khu vực phi chính thức được tham gia và hưởng chế độ lương hưu khi hết tuổi lao động. Tuy nhiên, đối với các bà con vùng dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa tại một số nơi vẫn chưa có điều kiện được tiếp cận với chính sách an sinh xã hội này. Theo đó, BHXH huyện Đà Bắc đã vận dụng linh hoạt hình thức tuyên truyền nhằm giúp người dân thêm hiểu, tin tưởng và tham gia vào chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Đà Bắc là một huyện miền núi, trên 90% dân số là người Tày, Mường, Dao, Thái, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nghề nông nên cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, phần lớn chưa hiểu rõ về chính sách BHXH tự nguyện. Thế nhưng, tại đây, chính quyền địa phương cùng các tổ chức đoàn thể chính trị đều rất đồng lòng trong công tác tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Chính nhờ vậy, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tại huyện Đà Bắc luôn là một điểm sáng tại tỉnh Hòa Bình.

Tính đến 15/11/2021, toàn huyện có 1.194 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng mạnh nhất là từ năm 2020 đến nay, tăng gấp 5 lần so 12 năm trước cộng lại, tính từ ngày chính sách BHXH tự nguyện ra đời (01/01/2008); đến nay đạt 81% kế hoạch BHXH tỉnh giao, đồng thời là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh trong khối Huyện về phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện.

Đồng chí Xa Văn Vân, Giám đốc BHXH huyện Đà Bắc cho biết: Với đặc thù là huyện miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, vì vậy, việc khai thác, phát triển BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện Đà Bắc đã gặp rất nhiều khó khăn thách thức. Do đó, BHXH huyện Đà Bắc đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp, bám làng, bám bản để đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng nhằm đưa chính sách an sinh của Đảng đến với đồng bảo dân tộc thiểu số.

Tuyên truyền viên BHXH huyện Đà Bắc, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Một số giải pháp hữu hiệu có thể kể đến đó là, BHXH huyện tham mưu UBND huyện thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT (BCĐ) cấp huyện, chỉ đạo UBND xã thành lập BCĐ cấp xã và ban hành quy chế hoạt động từng cấp. Theo đó, với tư cách cơ quan Thường trực BCĐ của huyện, BHXH huyện chủ động phối hợp các đơn vị thành viên, đặc biệt là UBND xã, thị trấn, tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, lồng ghép tuyên truyền BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Các hội nghị được tổ chức tại những địa điểm, thời gian linh hoạt, phù hợp với từng bản địa dân cư và được tuyên truyền bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, cùng với đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên của BHXH, các trưởng thôn, trưởng bản đã phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Đây là cách làm hiệu quả, phù hợp với tập quán sinh hoạt mang tính chất cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều. Với cách làm trên, những khoảng cách về địa lý, ngôn ngữ đã được xóa bỏ. Tiêu biểu như vừa qua, trong tháng 10, và nừa đầu tháng11/2021, BHXH huyện đã tổ chức 02 đợt Hội nghị tuyên truyền tại 02 xã Đồng Ruộng và Cao Sơn, đây là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Tày, Mường và Dao, trình độ nhận thức, hiểu biết về BHXH còn hạn chế. Để tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH hiệu quả, BHXH huyện xã đã lựa chọn những cán bộ tuyên truyền có khả năng truyền đạt bằng tiếng dân tộc, hiểu được phong tục, tập quán của các dân tộc trong xã để tham gia tuyên truyền, vận động. Thông qua trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ giải thích cho người dân, con, cháu hiểu rõ lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. Trong 2 đợt Hội nghị này đã có 38 người đăng ký tham gia BHXH tự nguyện.

Hội nghị tuyên truyền chính sách Pháp Luật về  BHXH, BHYT tại  xóm Rằm, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc

Bên cạnh đó, BHXH huyện luôn coi trọng công tác đào tạo đại lý thu BHXH, BHYT; tổ chức ký kết chương trình phối hợp về tuyên truyền phát triển BHXH tự nguyện với các tổ chức hội, đoàn thể. Theo đó, đào tạo mỗi hội viên sẽ là những tuyên truyền viên tích cực vận động người tham gia. Bằng cách làm này, nhiều xã, bản vươn lên trở thành tiêu biểu trong phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, như các xã: Đồng Ruộng và Giáp Đắt.

Cùng với kênh tuyên truyền trực tiếp, BHXH huyện đẩy mạnh đa dạng hóa các hình thức khác, như: ký kết quy chế/kế hoạch/chương trình phối hợp với nhiều đơn vị liên quan; mở rộng, phát triển hệ thống mạng lưới đại lý thu BHXH, BHYT; phát thanh lưu động bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số; làm phóng sự, phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh không dây của các xã, thị trấn; tuyên truyền trực quan bằng pano, áp phích, băng rôn, phát hành tờ gấp; tổ chức quầy tư vấn tại các buổi chợ phiên.

Với những kết quả đã đạt được, BHXH huyện Đà Bắc tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp của ngành đưa ra, tập trung đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tích cực vận động người dân tham gia BHXH, BHYT để được hưởng các chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân và góp phần đảm bảo an sinh xã hội.