UBTVQH cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

20/09/2019 09:31 PM


Sáng ngày 20/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc.

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh quochoi.vn

Không tán thành tăng giờ làm thêm

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức các Hội nghị lấy ý kiến tại các địa phương, tham vấn chuyên gia, rà soát, tiếp thu, chỉnh lý một bước dự án Bộ luật và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nội dung lớn của dự án Bộ luật tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 8/2019). Thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban đã tiếp tục tham vấn các chuyên gia trong nước, chuyên gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tích cực phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì soạn thảo, Ủy ban Pháp luật, các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành, tổ chức hữu quan để nghiên cứu tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật.

Tiếp theo Báo cáo tại Phiên họp thứ 36, Ủy ban về các vấn đề Xã hội báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp 37 về một số vấn đề lớn đã tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Bộ luật. Cụ thể:

Về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa (Điều 107), tại Kỳ họp thứ 7, Chính phủ đã trình Quốc hội mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành), quá trình thảo luận, lấy ý kiến có hai loại ý kiến khác nhau về vấn đề này. Việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm, khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động. Quá trình thẩm tra sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động trước đây, đa số ý kiến thành viên Ủy ban luôn nhất quán quan điểm không tán thành tăng thời giờ làm thêm dù thực tế người sử dụng lao động và người lao động có nhu cầu. Ủy ban về các vấn đề Xã hội báo cáo và kính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo.

Trình hai phương án về tuổi nghỉ hưu

Về tuổi nghỉ hưu (Điều 169), Chính phủ trình quy định về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tức là đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60. Bên cạnh các ý kiến đồng tình, một số ý kiến đại biểu còn băn khoăn về quy định tuổi nghỉ hưu, về việc áp dụng cùng một lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu chung cho các đối tượng lao động khác nhau.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho ý kiến tại Phiên họp. Ảnh quochoi.vn

Ủy ban về các vấn đề Xã hội nêu rõ, về nguyên tắc, Ủy ban tán thành với chủ trương điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chung đối với người lao động nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW với mục tiêu lâu dài để chủ động ứng phó với xu hướng già hóa dân số diễn ra nhanh của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, cùng với ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, qua quá trình lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật cho thấy, trong số các ý kiến đồng tình với quy định về tuổi nghỉ hưu, vẫn còn có hai quan điểm khác nhau về vấn đề này. Quan điểm thứ nhất cho rằng, chỉ nên quy định về nguyên tắc để giao Chính phủ quy định, hướng dẫn cho phù hợp căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số... và không nhất thiết phải có lộ trình như nhau đối với các nhóm lao động khác nhau. Quan điểm thứ hai cho rằng, cần quy định rõ lộ trình thực hiện trong dự thảo Bộ luật như phương án Chính phủ trình tại kỳ họp Quốc hội. Do còn có ý kiến khác nhau và đây là vấn đề có tác động lớn đối với người lao động và thị trường lao động, Ủy ban về các vấn đề Xã hội báo cáo và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hai phương án quy định tại khoản 2 Điều 169 về Tuổi nghỉ hưu để xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.

Khẳng định vị trí chính trị của Công đoàn Việt Nam

Về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (từ Điều 170 đến Điều 178), qua tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị bổ sung quy định làm rõ hơn vai trò của tổ chức công đoàn nhằm khẳng định vị trí chính trị của Công đoàn Việt Nam đã được Hiến pháp và Luật Công đoàn ghi nhận, đồng thời tránh nhầm lẫn giữa tổ chức công đoàn với tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp nằm ngoài hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã chỉnh lý tên gọi của tổ chức đại diện người lao động sẽ dự kiến được thành lập mới (không thuộc hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam) theo đúng tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW  là: “Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” và quy định cụ thể “Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm: Công đoàn cơ sở (thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam) và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”, bổ sung 01 điều quy định về công đoàn cơ sở thuộc Công đoàn Việt Nam tại Điều 171. Đồng thời, một số quy định tại Chương XIII về Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đã được chỉnh lý, bổ sung nhằm bảo đảm tính tương thích với các Công ước của ILO , đảm bảo phân biệt rõ được công đoàn cơ sở với tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và các quy định áp dụng chung cho cả hai loại tổ chức này nhưng mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết (Chương XIII gồm 09 Điều, từ Điều 170 đến Điều 178).

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo tại phiên họp. Ảnh quochoi.vn

Ủy ban về các vấn đề xã hội thấy rằng, quy định tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp là vấn đề mới và khó, chưa có thực tiễn nên mức độ quy định như dự thảo là phù hợp. Một số nội dung Ủy ban đề nghị Chính phủ quan tâm, thận trọng và làm rõ trong văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành như: nguyên tắc về quản lý tài chính; thu phí thành viên; xử lý mối quan hệ về kinh phí công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn; việc người lao động được quyền tham gia một hay nhiều tổ chức đại diện cho mình; xác định mức độ đại diện của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp; giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa các tổ chức của người lao động liên quan đến quyền thương lượng tập thể; cơ chế thực hiện các quy định về tham vấn, lấy ý kiến các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở nếu ở đó có hơn một tổ chức của người lao động khi ban hành nội quy, mức lao động, thang lương, bảng lương,.... Ủy ban đề nghị Chính phủ khẩn trương bổ sung dự thảo Nghị định trình kèm theo Hồ sơ dự án Bộ luật.

Tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao Ủy ban Về các vấn đề xã hội, dưới sự chủ trì, chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để gom lại còn có 3 vấn đề lớn tập trung thảo luận tại Phiên họp này. Về khung giờ làm thêm, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, đa số không muốn tăng thời giờ làm thêm. Tuy nhiên, phương án của Chính phủ lại là tăng giờ làm. Do đó, đề nghị đưa ra Quốc hội 2 phương án: Phương án 1 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi thảo luận; Phương án 2 là của Chính phủ.

Về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, Chủ tịch Quốc hội đánh giá Chính phủ có cách tiếp cận mới, mở hơn, còn lộ trình sẽ giao Chính phủ; phương án của Chính phủ trình cụ thể hơn, việc làm thế nào để xác định 3 tháng, 4 tháng thì có báo cáo đánh giá. Phương án này rõ ràng, người cán bộ biết được với cách như thế thì năm nào nghỉ hưu, phục vụ cho việc chuẩn bị công tác cán bộ, quy hoạch cán bộ... Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phương án của Chính phủ đưa lên Phương án 1. Còn ý kiến Ủy ban về các vấn đề Xã hội đề xuất thì đưa vào Phương án 2. Sau đó tiếp tục đưa ra Quốc hội thảo luận để lắng nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý về ý kiến: bên cạnh Bộ luật Lao động thì chúng ta còn một số luật chuyên ngành có quy định tuổi nghỉ hưu cao hơn. Ví dụ như khoản 3 Điều 187 giao Chính phủ quy định những trường hợp nào được làm việc kéo dài thêm; Luật Tổ chức toà án, kiểm sát đã luật hóa một số trường hợp có thể làm việc thêm nhưng không giữ chức vụ, đang là Giáo sư, Phó giáo sư thì thôi chức Viện trưởng, thôi chức Hiệu trưởng... nhưng vẫn được tiếp tục làm giảng dạy và nghiên cứu. Do đó, vấn đề nào mà đã được chứng minh trong thực tiễn đúng đắn thì kỳ họp này cần Luật hóa để giảm bớt các điều, khoản mà Chính phủ phải hướng dẫn.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Ủy ban về các vấn đề Xã hội cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành hữu quan tiếp thu tối đa, nghiêm túc các ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình ra Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới đây./.

PV