Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Cần phân biệt giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu

05/07/2019 04:47 PM


Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu nữ lên 60 và nam lên 62 với hai phương án. Những người làm việc ở môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, các công việc đặc thù có thể nghỉ hưu sớm hơn.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu tại buổi họp báo.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa tổ chức họp báo thông tin kết quả thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội 06 tháng đầu năm 2019. Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cung cấp một số thông tin về sửa đổi Bộ luật Lao động.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến tăng tuổi nghỉ hưu nhất là lĩnh vực, ngành nghề nào tăng, ngành nghề nào về hưu trước tuổi, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu nữ lên 60 và nam lên 62 với hai phương án. Cụ thể, theo phương án 1, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Với phương án 2, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định tuổi nghỉ hưu trong một số trường hợp đặc biệt. Đó là người lao động được nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi do bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.  Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đề xuất tại kỳ họp thứ 8 khi Quốc hội thảo luận thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi phải có danh mục nhóm ngành nghề nghỉ hưu sớm.

Về vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH đã xin ý kiến các Bộ, ngành về danh mục các công việc độc hại, nguy hiểm, đồng thời tham vấn các cơ quan đại diện cho người lao động, các tổ chức đại diện người sử dụng lao động vì ngay cả các tổ chức đại diện người lao động cho rằng họ đã nỗ lực cải thiện tình hình lao động, an toàn vệ sinh lao động, các việc nguy hiểm nay được thay thế bằng máy móc.

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, hiện có nhiều ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, diễn viên múa, vận động viên thể thao, Bộ sẽ lắng nghe ý kiến của các đại biểu nhưng không chỉ Việt Nam có lao động đặc thù. Chính vì vậy cần phân biệt giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu. Trong luật pháp các nước quy định tuổi nghỉ hưu là tuổi tối thiểu để được nhận chế độ hưu trí. Ví dụ, quy định 60 tuổi nghỉ hưu với nữ và 62 tuổi nghỉ hưu với nam thì người lao động có thể nghỉ hưu bất cứ ở tuổi nào nhưng để đủ điều kiện nhận chế độ hưu trí thì phải đến 60 hoặc 62.

"Còn về tuổi nghỉ hưu và thời điểm nghỉ hưu sẽ được quy định chi tiết hơn tại Luật BHXH dự kiến sẽ sửa đổi một số điều vào năm 2020 để phù hợp với Luật Lao động sửa đổi" - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết.

Thông tin thêm về kế hoạch từ nay đến tháng 10 khi Quốc hội họp tiếp tục thảo luận và thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi tại kỳ họp thứ 8, ông Nguyễn Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, ngay sau khi Quốc hội kết thúc kỳ họp, Bộ LĐ-TB&XH và Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có buổi họp để thống nhất nội dung một số định hướng lớn để tiếp thu, giải trình đối với các ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu trong kỳ họp vừa qua. Bên cạnh đó cũng thống nhất nội dung phối hợp giữa Bộ LĐ-TB&XH và Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội về các công việc cụ thể từ nay đến khi Quốc hội họp tại kỳ họp thứ 8. Một trong những công việc ưu tiên là tăng cường công tác thông tin, lấy ý kiến thông qua cách thức khác nhau như tổ chức hội thảo chuyên gia, chuyên sâu và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Về những nội dung sửa đổi của Bộ Luật lao động liên quan đến Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ông Nguyễn Văn Bình cho biết, về cơ bản các nội dung cam kết trong hai hiệp định này tương đối giống nhau, tuy nhiên có một số điểm khác nhau về phạm vi, cách tiếp cận. Nhìn chung có 5 nhóm sẽ liên quan đến Bộ luật Lao động sửa đổi là: Những cam kết đảm bảo xóa bỏ lao động cưỡng bức; Nhóm tiêu chuẩn về Xóa bỏ lao động trẻ em; Nguyên tắc bình đẳng không phân biệt đối xử trong lao động dựa trên mọi khía cạnh; Đảm bảo quyền tự do liên kết về thương lượng tập thể của người lao động trong quan hệ lao động; Những điều kiện lao động có thể chấp nhận được về thời gian làm việc, nghỉ ngơi, tiền lương, an toàn vệ sinh lao động dựa vào luật pháp quốc gia.

Liên quan đến việc đề xuất thêm 1 ngày nghỉ 27/7, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, trong tờ trình Thủ tướng Chính phủ có đề xuất 1 ngày nghỉ, trong bối cảnh từ 1/5 đến 2/9 không có ngày nghỉ nào, đồng thời số ngày nghỉ của Việt Nam còn thấp so với các nước khác. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 7, các đại biểu Quốc hội cho rằng, nên bổ sung ngày nghỉ lễ vào dự luật nhưng không nên chọn ngày 27/7; có thể chọn Ngày Quốc tế thiếu nhi (01/6), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6)… Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và được Chính phủ đồng ý rút đề xuất ngày nghỉ 27/7./. 

PV