Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Bảo đảm quyền lợi cho người lao động

05/05/2025 01:39 PM


Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) - dự kiến trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 9 đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quan trọng từ Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam. Trong đó, nhiều ý kiến từ tổ chức Công đoàn cho rằng, Luật Việc làm (sửa đổi) cần quy định linh hoạt điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) và siết chặt trách nhiệm của doanh nghiệp để bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Người lao động tìm hiểu về chính sách bảo hiểm thất nghiệp và tìm kiếm việc làm mới

Đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHTN

Bà Bùi Thị Thỏa, đại diện Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), điều 43 quy định các điều kiện để NLĐ đang đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được hưởng trợ cấp. Trong đó, đáng chú ý là điều kiện đã nộp đủ hồ sơ hưởng TCTN trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc.

Theo bà Thỏa, 3 tháng không phải là thời gian ngắn nhưng thực tế, nhiều NLĐ đã không đáp ứng được điều kiện này, nhất là khi người sử dụng lao động có khúc mắc với NLĐ nên cố tình không chốt hoặc chậm chốt sổ BHXH. Trường hợp chủ sử dụng lao động bỏ trốn, thủ tục xác định việc này cũng mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, bà Thoả kiến nghị, không nên quy định cứng 3 tháng cho tất cả trường hợp, mà cần tính đến các trường hợp khác mang tính đặc thù hoặc do lỗi của người sử dụng lao động, tránh tình trạng NLĐ dù tham gia BHTN nhưng khi thất nghiệp không được hưởng quyền lợi.

Cũng liên quan điều kiện hưởng TCTN, ông Nguyễn Trung Ngạn, Trưởng Ban Nghiệp vụ LĐLĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết khoản 1, điều 43 dự thảo luật đề cập các trường hợp NLĐ chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật. Song theo ông, nội dung "chấm dứt làm việc" chưa được thể hiện rõ. Ông Ngạn dẫn chứng thời gian qua, có trường hợp NLĐ khởi kiện DN ra tòa do đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật. NLĐ dù thắng kiện, được chốt sổ BHXH song quá trình thi hành án gần 3 tháng mới xong. Khi NLĐ nộp hồ sơ hưởng BHTN thì được yêu cầu phải nộp văn bản chấm dứt HĐLĐ của công ty, chứ không căn cứ vào bản án của tòa án. Thực tế, về mặt pháp lý, bản án của tòa án có giá trị pháp lý cao hơn quyết định của công ty. Do đó, ông Ngạn đề xuất sửa khoản 1 điều 43 theo hướng: Chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc, chấm dứt làm việc theo bản án có hiệu lực của tòa án hoặc theo quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng có hiệu lực theo quy định của pháp luật.

Tăng chế tài đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng BHTN

Để bảo vệ quyền lợi NLĐ, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã bổ sung một số biện pháp chế tài đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng BHTN.

Cụ thể, khoản 7 điều 38 dự thảo luật nêu rõ việc xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHTN được thực hiện theo quy định của Luật BHXH. Trường hợp người sử dụng lao động không đóng đủ BHTN cho NLĐ thì phải trả khoản tiền tương ứng với các chế độ BHTN mà họ được hưởng theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trong thực tế, không ít DN dù tham gia đầy đủ BHTN song NLĐ vẫn khó hưởng TCTN. Ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật - LĐLĐ tỉnh Đồng Nai thông tin, nhiều DN khi chấm dứt HĐLĐ với NLĐ vẫn nhưng chưa chốt sổ BHXH. Có DN khi chốt sổ BHXH thì gặp vướng mắc nên gần hết hoặc hết thời hạn 3 tháng, NLĐ vẫn chưa được chốt sổ để làm thủ tục đăng ký thất nghiệp, dẫn đến không được hưởng TCTN.

Theo ông Hà, Trung tâm Tư vấn pháp luật đã phải có văn bản cảnh báo một số DN nếu không chốt sổ BHXH kịp thời cho NLĐ thì sẽ bị kiện ra tòa, phải bồi thường một khoản tiền tương đương mức TCTN mà họ được hưởng. Tuy nhiên, cách này chưa bao quát hết các trường hợp. Do đó, dự thảo cần bổ sung rõ quy định trách nhiệm bồi thường của DN nếu không làm đầy đủ, kịp thời các giấy tờ, thủ tục để NLĐ đăng ký và hưởng TCTN.

Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật - LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh Phạm Văn Hiền cho biết, thời gian qua, rất nhiều NLĐ là "nạn nhân" của tình trạng DN nợ BHXH, đặc biệt là trường hợp "vắng chủ", "chủ bỏ trốn". Việc xử lý các trường hợp này rất phức tạp. Nhiều vụ việc, tổ chức Công đoàn phải đeo bám hàng năm trời để hỗ trợ NLĐ khởi kiện DN ra tòa. NLĐ sau đó dù thắng kiện vẫn không được hưởng đầy đủ các quyền lợi. Do đó, ông Hiền cho rằng cần bổ sung quy định theo hướng NLĐ đóng đến thời điểm nào thì được tạo điều kiện hưởng TCTN thời gian đó, đồng thời được tham gia học nghề….

Về chính sách đào tạo nghề cho NLĐ thất nghiệp, LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh cho rằng trong thực tế, nhiều NLĐ rất giỏi nghề nhưng chưa được đánh giá để có chứng chỉ nghề theo quy định. Việc này dẫn đến tình trạng nhiều NLĐ làm việc lâu năm, lành nghề nhưng khi chuyển qua nơi khác thì không chứng minh được tay nghề, vì trong quyết định nghỉ việc không ghi rõ... Do vậy, LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh đề xuất quy định cho phép DN được cấp giấy chứng nhận nghề (nếu có đủ điều kiện theo quy định về đào tạo nghề) để NLĐ dễ trở lại thị trường lao động khi thất nghiệp.

Thuỷ Trần (Theo Báo NLĐ)