Hà Nội ra Chỉ thị về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố
03/09/2021 11:15 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 3/9, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố.
Hà Nội ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND, tăng cường chống dịch tại 30 quận huyện, nguồn ảnh: Báo Tin tức
Chỉ thị nêu rõ, qua 3 đợt giãn cách xã hội trên phạm vi toàn Thành phố, công tác phòng, chống dịch của Thành phố tiếp tục được kiểm soát tình hình, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao, Nhân dân tin tưởng, đồng tình với các giải pháp của Trung ương, Thành phố. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, tại một số địa phương khu vực có mật độ dân cư cao, nhiều ngõ, ngánh nhỏ, nhiều nhà chung cư cũ, các chợ dân sinh, các khu vực phong tỏa có nơi còn biểu hiện chủ quan, lơ là trong công tác tổ chức chưa thực sự quyết tâm, chặt chẽ trong việc thực hiện giãn cách xã hội, có nơi còn hiện tượng “chặt ngoài, lỏng trong”; các ca bệnh mới vẫn phát sinh trong cộng đồng, khu phong tỏa, tại các khu chợ dân sinh, siêu thị không rõ nguồn lây nhiễm bệnh; một số cá nhân lợi dụng việc xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu được cấp luồng xanh, xe cứu thương đã vận chuyển những người dân từ vùng có dịch bệnh về Thành phố.
Để đảm bảo công tác vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tiếp theo, Chủ tịch UBND Thành phố yêu các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã và đề nghị các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức, người dân trên địa bàn Thành phố thực hiện nghiêm một số nội dung sau:
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021, số 1108/CĐ-TTg ngày 31/8/2021, Thông báo số 230/TB-VPCP ngày 01/9/2021 tại cuộc họp trực tuyến với cấp xã, phường tại thành phố Hà Nội về phòng, chống dịch Covid-19; Chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy tại Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 01/9/2021 và Thông báo số 480-TB/TU ngày 01/9/2021 về việc tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh ở những nơi đang diễn biến phức tạp, nguy cơ cao với phương châm phòng bệnh là giải pháp cơ bản, chiến lược, lâu dài; bảo vệ an toàn cho Thủ đô, bảo vệ vững chắc “vùng xanh”, ngăn chặn tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan ra vùng nông thôn, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết.
Toàn hệ thống chính trị và chính quyền các cấp xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là cấp bách hàng đầu; quán triệt thực hiện nghiêm, hiệu quả theo nguyên tắc “người dân là trung tâm, là chủ thể” để phục vụ; vận động, hướng dẫn, đề nghị người dân tham gia chống dịch tại các chốt kiểm soát ở địa bàn dân cư; lấy xã, phường là “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ” để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng, xác định “chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân”.
Từ 6 giờ ngày 6/9 đến 6 giờ ngày 21/9/2021, Thành phố quyết định triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại 3 vùng cụ thể như sau:
Vùng 1: Khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ được xác định là vùng đỏ, tập trung nhiều khu vực, nhiều đối tượng nguy cơ rất cao.
Phạm vi bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận, huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì, và một phần địa giới hành chính của 5 quận, huyện là Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín bao quanh bởi sông Nhuệ, kênh Cầu Ngà, sông Đáy, kênh Khê Tang, sông Tô Lịch, kênh Hồng Vân và sông Hồng về nội đô.
Tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn.
Vùng 2 (phía Bắc, Đông Sông Hồng) được phân cách bởi hệ thống Sông Hồng, Sông Đuống với Vùng 1. Phòng chống nguy cơ xâm nhập phía Bắc, Đông Bắc. Trong Tam giác công nghiệp phía Bắc, có tính “độc lập” cao.
Phạm vi toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận, huyện gồm Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.
Thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn để đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn theo phương án đã được phê duyệt.
Vùng 3 (phía Tây, phía Nam Thành phố) là vùng sản xuất nông nghiệp và các khu, cụm công nghiệp, có mật độ và sinh hoạt dân cư đặc trưng nông nghiệp, có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp.
Phạm vi toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận, huyện, thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và một phần của 05 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín chủ yếu được chia bởi Sông Nhuệ, Sông Đáy.
Thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo nguyên tắc mỗi xã, phường, khu dân cư, khu sản xuất là một pháo đài chống dịch, kết hợp tuân thủ 5K và cách ly các khu dân cư khi có dịch.
Từ 6 giờ ngày 6/9, Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội và áp dụng một số biện pháp cao hơn ở khu vực nội đô, nguồn Internet
Nguyên tắc thực hiện các biện pháp trên, đó là phải thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch theo các vùng, kiểm soát chặt chẽ người dân và các hoạt động xã hội, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh giữa các vùng; Phân vùng là để phòng, chống dịch, không phải là phân vùng để quản lý hành chính.
Các địa phương thực hiện phân cấp, ủy quyền cho các quận, huyện, thị xã quyết định các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tổ chức hoạt động sản xuất phù hợp với tình hình dịch bệnh cụ thể theo từng địa bàn tại vùng 2, vùng 3.
Tại vùng 1 (Vùng nội đô), để kiểm soát chặt nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, các đơn vị cần khoanh vùng xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan giữa các khu vực, làm sạch dần tiến đến “xanh hóa” toàn bộ các khu vực; tăng cường giãn cách xã hội phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ các yêu cầu người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, “ai ở đâu, ở đó”, không để “chặt ngoài, lỏng trong”.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các địa phương cần hướng dẫn cụ thể và cấp giấy đi đường cho các đối tượng, phương tiện được phép di chuyển trên địa bàn (trong đó bao gồm hoạt động chính trị, ngoại giao, công vụ, dịch vụ công ích thiết yếu, phòng chống dịch; khám chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng của người dân…).
Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu ngành y tế rút ngắn chu kỳ xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, triển khai kế hoạch xét nghiệm diện rộng, huy động mọi nguồn lực triển khai, đảm bảo chỉ định xét nghiệm đúng, trúng khu vực nguy cơ và nhóm đối tượng nguy cơ, đảm bảo công tác lấy mẫu, xét nghiệm thống nhất, hiệp đồng linh hoạt giữa các đơn vị, tránh để mẫu tồn quá 24 giờ; Tổ chức tiêm vaccine khẩn trương, an toàn, nhập dữ liệu lên hệ thống phần mềm tiêm chủng quốc gia; từng bước làm sạch, chuyển từ “vùng đỏ” thành “vùng da cam”, chuyển “vùng da cam” thành “vùng xanh” đưa Thành phố về trạng thái bình thường mới.
Lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan rà soát tăng công suất chuẩn bị đầy đủ 20.000 giường và sẵn sàng lên 30.000 giường cho các cơ sở thu dung, điều trị chăm sóc theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế; đảm bảo đủ ô xy, trang thiết bị, vật tư, thuốc điều trị và nhân lực y tế cho các cơ sở y tế tại các tầng điều trị.
Công an TP Hà Nội được giao nhiệm vụ quản lý chặt chẽ hoạt động của người dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố; hướng dẫn cụ thể và sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin cấp giấy đi đường, tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, đơn vị và phương tiện được phép di chuyển trên địa bàn Thành phố (trong đó bao gồm hoạt động chính trị, ngoại giao, công vụ, dịch vụ công ích thiết yếu phòng, chống dịch; khám chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng của người dân…) hoàn thành trong ngày 5/9/2021.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị khẩn trương lắp đặt hệ thống camera giám sát 24/24 giờ và truyền tín hiệu, thông tin, hình ảnh về Sở Chỉ huy Thành phố, đảm bảo giám sát quản lý theo nguyên tắc chỉ các cá nhân, phương tiện “được phép mới ra đường”, “ai ở đâu thì ở đó”, “người ở vùng nào thì ở vùng đó”, đảm bảo an ninh trật tự, không để ùn tắc, tập trung đông người tại các chốt kiểm soát.
Bộ Tư lệnh Thủ đô được giao nhiêm vụ phối hợp với Công an Thành phố đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm trên địa bàn Thành phố không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống theo các phương án phòng chống dịch của Thành phố ở mức cao; tổ chức diễn tập các phương án và tuyên truyền để người dân yên tâm và chấp hành ủng hộ.
Lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu Sở Công Thương đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu cho mọi người dân giữa các vùng, đặc biệt các khu vực cách ly, phong tỏa, phục vụ nhu cầu của nhân dân; Phối hợp với các địa phương hướng dẫn và quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đảm bảo quy định an toàn phòng chống dịch bệnh và điều kiện cụ thể theo từng vùng và từng địa bàn.
Sở Giao thông vận tải được lãnh đạo TP Hà Nội giao nhiệm vụ phối hợp với Sở Công Thương, Sở Y tế, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Công an Thành phố xây dựng phương án bố trí “luồng xanh” cho xe vận chuyển hàng thiết yếu, vận chuyển công nhân, chuyên gia được lưu thông thông suốt.
Chốt kiểm tra, xử lý vi phạm công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động, nhanh chóng đảm bảo an sinh xã hội đối với đối tượng chính sách, người nghèo, người lao động mất việc làm không có bảo hiểm thất nghiệp theo các quy định của Trung ương và Thành phố; cố gắng cao nhất với phương châm “không có ai trên địa bàn Thành phố khó khăn do dịch bệnh COVID-19 mà không được hỗ trợ”.
Sở Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo hướng dẫn các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch COVID-19; tuyên truyền ủng hộ chủ trương bảo vệ sức khỏe nhân dân; xử lý nghiêm các trường hợp đăng tin sai sự thật, rút tít gây hoang mang dư luận ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn Thành phố.
Căn cứ diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu Sở Chỉ huy chống COVID-19 các cấp bố trí ứng trực 24/24 giờ để tiếp nhận và xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, đơn vị, cá nhân và vướng mắc khó khăn trong quá trình triển khai công tác phòng chống dịch và việc triển khai Chỉ thị này. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo Sở Chỉ huy các cấp theo quy định.
PV
Chi tiết >>
Lãnh đạo Ngành BHXH tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh thăm, tặng quà, làm ...
BHXH Việt Nam quyên góp hỗ trợ đồng bào bị thiệt ...
Công bố và trao quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc BHXH tỉnh ...
Bổ sung quy định mức chi thù lao tổ chức dịch vụ thu đối ...
Nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng ngành ...
BHXH tỉnh Lâm Đồng: Tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng ...
Tập trung các nguồn lực cho công tác thu, giảm số chậm ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?