"Trong tình hình dịch bệnh cần phải có những phản ứng nhanh nhạy, kịp thời đảm bảo tốt nhất quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT"

27/07/2021 11:03 AM


Là một trong những chỉ đạo của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh sáng 27/7/2021 tại cuộc họp bàn các giải pháp để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng và khám chữa bệnh BHYT liên quan đến dịch Covid-19; hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn TP.Hà Nội. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc liên quan và lãnh đạo BHXH TP.Hà Nội.

Toàn cảnh cuộc họp

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc BHXH TP.Hà Nội Nguyễn Đức Hoà cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.Hà Nội đang diễn biến rất phức tạp. Ngày 23/7/2021, UBND Thành phố đã ban hành Chỉ thị về về giãn cách xã hội trên địa bàn. BHXH Thành phố đã và đang thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19; đồng thời, thực hiện tốt các chính sách BHXH, BHYT; thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.

Tính đến hết ngày 16/7/2021, BHXH Thành phố đã hoàn thành thủ tục và thông báo đến các đơn vị, doanh nghiệp số tiền tạm tính hỗ trợ giảm mức đóng quỹ Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 12 tháng (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) đối với 87.472 đơn vị, tương ứng 1.439.694 lao động, tổng số tiền hơn 643 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 26/7/2021, BHXH Thành phố đã ban hành quyết định dừng đóng vào quỹ Hưu trí và tử tuất với 4 đơn vị với 17 lao động với số tiền hơn 290 triệu đồng. BHXH Thành phố đã xác nhận danh sách cho 4.854 lao động tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không lương; lao động ngừng việc tính đến ngày 26/7/2021.

Dự kiến đến hết năm 2021, toàn Thành phố sẽ có khoảng 7.677 đơn vị với 55.758 lao động đủ điều kiện giảm quỹ hưu trí, tử tuất với số tiền ước giảm 83 tỷ đồng; Chi hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động ước có 45.358 đơn vị với gần 1,2 triệu lao động.

Về công tác khám chữa bệnh (KCB) BHYT liên quan đến dịch Covid-19, BHXH Thành phố đã ban hành đầy đủ, kịp thời triển khai các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của BHXH Việt Nam và Bộ Y tế về thanh toán chi phí KCB, xét nghiệm Covid-19; phối hợp với Sở Y tế giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh, đảm bảo quyền lợi người bệnh… BHXH Thành phố cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT để giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, nhất là khi thực hiện giãn cách xã hội có khoảng 80% cán bộ, viên chức làm việc tại nhà; đã cài đặt ứng dụng VssID- BHXH số được 3.522.913 người, tạo thuận cho người tham BHYT đi KCB.

Bên cạnh kết quả đạt được, Giám đốc BHXH Thành phố cũng cho biết, hiện tỷ lệ người nhận lương hưu và các chế độ BHXH qua thẻ ATM chuyển từ Công an, Quân đội và từ các tỉnh khác về Hà Nội thấp, chỉ đạt 36,69 % trong khi tỷ lệ người nhận lương hưu và các chế độ BHXH do BHXH Thành phố ban hành Quyết định là 93%. Về thanh toán chi phí KCB BHYT liên quan đến dịch Covid-19, theo văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, đối với bệnh nhân Covid-19 có thẻ BHYT, chi phí điều trị Covid-19 do ngân sách nhà nước chi trả, chi phí các bệnh khác kèm theo do quỹ BHYT chi trả. Tuy nhiên, việc phân định rõ chi phí nào điều trị Covid-19 và chi phí nào điều trị bệnh khác rất khó khăn như tiền giường, tiền xét nghiệm cận lâm sàng mà không phải xét nghiệm Covid-19 như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu...

Về đề xuất kiến nghị, BHXH TP.Hà Nội mong muốn BHXH Việt Nam đề xuất với Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể hơn nữa việc thanh toán chi phí KCB BHYT ngoài các chi phí ngân sách chi trả. Hướng dẫn việc KCB và thanh toán BHYT đối với các trường hợp người có thẻ BHYT bị các bệnh mạn tính hàng tháng vẫn đang khám cấp thuốc tại cơ sở KCB nhưng bị cách ly y tế do liên quan đến Covid-19. Hướng dẫn việc ký hợp đồng và thanh toán chi phí KCB BHYT đối với bệnh viện dã chiến và các cơ sở KCB được bổ sung nhiệm vụ, thành lập khoa, trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19...

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị: Ban thực hiện chính sách BHXH; Ban Thực hiện chính sách BHYT; Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ; Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến; Vụ Tài chính - Kế toán, đã có những đánh giá về tình hình thực hiện các nhiệm vụ liên quan trên địa bàn TP.Hà Nội, đồng thời hướng dẫn về một số nghiệp vụ.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, ngành BHXH Việt Nam luôn đồng hành với các Bộ, Ngành, địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm. Ngành đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt trong công tác thực hiện hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ như: Thành lập Ban chỉ đạo, ban hành các văn bản liên quan; thành lập đoàn kiểm tra, đôn đốc thực hiện tại 19 tỉnh phía Nam. Công tác phối hợp KCB BHYT được thực hiện tốt, nhất là trong tình hình dịch bệnh.

Tổng Giám đốc ghi nhận, đánh giá các các kết quả của BHXH TP.Hà Nội đã đạt được trong 7 tháng năm 2021, trong công tác hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do Covid-19. Về những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của BHXH TP.Hà Nội, Tổng Giám đốc chỉ đạo các đơn vị trực thuộc liên quan nghiên cứu, tháo gỡ ngay. Tổng Giám đốc lưu ý: Trong tình hình dịch bệnh cần phải có những phản ứng nhanh nhạy, kịp thời giải quyết những vấn đề mới, phát sinh nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT.

Cụ thể, BHXH TP.Hà Nội cần có những phương án linh hoạt trong chi trả các chế độ BHXH, đặc biệt trong những vùng giãn cách, phong toả có thể qua tài khoản ngân hàng hay qua các “Tổ Covid-19” như mô hình của một số địa phương. Khẩn trương phối hợp, tạo điều kiện để có phương án thành lập các bệnh viện dã chiến, phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn. Với người bệnh trong khu vực cách ly, giãn cách thì khi người dân có nhu cầu KCB phải được đi KCB ở bất cứ cơ sở KCB nào, không phân biệt nơi đăng ký KCB ban đầu, miễn người dân thấy thuận tiện nhất. BHXH Thành phố cũng cần phải quan tâm, đảm bảo nguồn kinh phí để cơ sở KCB mua thuốc, vật tư y tế để đảm bảo việc KCB cho bệnh nhân…

PV