BHXH Việt Nam: Tạo thuận lợi cho người dân, cắt giảm các chi phí không cần thiết trong thực hiện thủ tục hành chính.

28/06/2021 03:54 PM


Từ ngày 1/7, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư chính thức được vận hành, ghi dấu mốc quan trọng trong công tác điều hành và phát triển đất nước. Với những kết quả tích cực trong xây dựng CSDLQG về bảo hiểm, BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên được lựa chọn để triển khai dịch vụ kết nối và xác thực dữ liệu từ CSDLQG về dân cư. Nhân dịp này, Cổng TTĐT BHXH Việt Nam đã thực hiện một cuộc phỏng vấn nhanh tới Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh

PV: Thưa ông, xin ông cho biết, việc thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện nay đang được BHXH Việt Nam thực hiện như thế nào? Những kết quả và hiệu quả từ việc kết nối tích hợp, chia sẻ dữ liệu này đạt được ra sao?

Trả lời:

Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, BHXH Việt Nam luôn lấy người dân làm trung tâm phục vụ, do đó việc xây dựng cơ sở dữ liệu người dân tham gia BHXH, BHYT được BHXH Việt Nam ưu tiên triển khai. Đến hết tháng 5/2021, CSDL của BHXH Việt Nam đang quản lý 15,047 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 1,127 triệu người tham gia BHXH tự nguyện; 13,308 triệu người tham gia BHXH thất nghiệp; 87,772 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89,92% dân số; Trung bình hàng năm quản lý khoảng 167 triệu lượt KCB  BHYT; 47 triệu hồ sơ giao dịch điện tử hàng năm. Nhờ đó, BHXH Việt Nam đã vinh dự là đơn vị đầu tiên ngoài ngành Công an được Bộ Công an lựa chọn và triển khai dịch vụ kết nối và xác thực dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thời gian vừa qua, BHXH Việt Nam luôn chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Công an để thực hiện kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý và cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm do BHXH Việt Nam quản lý. Đây là 2 trong số 6 cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng liên quan trực tiếp đến người dân được Chính phủ ưu tiên triển khai để tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử và chuyển đổi số của Quốc gia.

Vì vậy, việc kết nối và chia sẻ dữ liệu thành công sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không những tạo thuận lợi trong việc triển khai nhiệm vụ của hai Ngành mà còn là tiền đề rất quan trọng để triển khai đầy đủ các dịch vụ dữ liệu trên các cơ sở dữ liệu quốc gia, sẵn sàng để kết nối, chia sẻ cho các Bộ, Ngành, tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định góp phần đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số Quốc gia.

Nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa, lợi ích của việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong công tác quản lý và phục vụ Nhân dân, chỉ trong thời gian rất ngắn, hai Ngành đã tích cực, chủ động thúc đẩy nhanh tiến độ hoàn tất việc kết nối, nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, quy định. Qua đó, đã khai thác được dịch vụ xác thực thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Hình minh hoạ

Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm thực hiện xác thực đối với thông tin nhân khẩu thuộc cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT (đối với các trường hợp có dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư), qua đó rà soát, đối chiếu, chuẩn hóa dữ liệu nhân khẩu trong dữ liệu của BHXH Việt Nam. Tính đến nay, BHXH Việt Nam đã thực hiện việc rà soát đối chiếu với 8,1 triệu thông tin cá nhân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Song song đó, ngày 28/5/2021, BHXH Việt Nam đã chính thức triển khai việc xác thực thông tin công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi công dân đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH trên Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam và trên ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số của Ngành.

Cụ thể, khi công dân sử dụng căn cước công dân (CCCD) để đăng ký tài khoản giao dịch điện tử: Hệ thống tự động đối chiếu, xác thực thông tin do công dân kê khai, thông tin trong cơ sở dữ liệu của BHXH Việt Nam đang quản lý (Họ tên, số CCCD, ngày sinh, giới tính) với thông tin được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Qua bước xác thực trên đã làm tăng tính chính xác của thông tin do đối chiếu được với thông tin gốc của người dân. Đồng thời, cá nhân không cần phải cập nhật ảnh CCCD đính kèm, cơ quan BHXH không phải lưu giữ ảnh CCCD, qua đó góp phần giảm nguy cơ lộ lọt thông tin, giấy tờ cá nhân. Theo số liệu thống kê, đến thời điểm này đã có khoảng 400 ngàn lượt đăng ký được xác thực.

Hình minh hoạ

Câu 2: Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ kết nối tích hợp, chia sẻ dữ liệu thêm những dịch vụ nào với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư?

Trả lời:

Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong đó không chỉ dừng ở việc xác thực mà sẽ đề nghị Bộ Công an phối hợp để triển khai việc khai thác dữ liệu gốc từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư “thông tin cơ bản cá nhân” để cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm theo quy định Nghị định số 43/2021/NĐ-CP quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Đây là nhiệm vụ quan trọng, tạo tiền đề để BHXH Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và sẵn sàng chia sẻ cho các tổ chức, cá nhân liên quan, góp phần rất quan trọng trong việc cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, cắt giảm các chi phí không cần thiết trong thực hiện thủ tục hành chính.

BHXH Việt Nam sẽ tập trung triển khai một số các nhiệm vụ sau:

1. Tiếp tục đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hoàn thiện các thông tin gốc trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.

2. Rà soát rút gọn quy trình, cải cách thủ tục hành chính để bỏ các yêu cầu đính kèm giấy tờ tùy thân đối với cá nhân đã được xác thực thông tin.

3. Đề xuất cho phép sử dụng CCCD có gắp chíp thay thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh. Các bệnh viện có thể đọc thông tin từ mã vạch QR code trên CCCD sau đó gửi yêu cầu đến cơ quan BHXH và nhận được các thông tin do cơ quan BHXH Việt Nam quản lý và thực hiện việc khám chữa bệnh theo đúng quy định, giống như việc sử dụng thẻ BHYT giấy hoặc thẻ BHYT trên ứng dụng VssID của BHXH Việt Nam trong khám chữa bệnh hiện nay.

4. Ứng dụng công nghệ sinh trắc xác thực vân tay của người dân trên thẻ CCCD gắn chíp vào việc chống lạm dụng quỹ BHXH, BHYT. Khi ứng dụng được công nghệ này, người dân không thể mượn thẻ của người khác để lạm dụng trục lợi quỹ BHXH, BHYT khi đi khám chữa bệnh hay khi hưởng các chế độ BHXH./. 

 

PV