Sẽ sớm có các giải pháp xử lý triệt để vấn đề lợi dụng không gian mạng để gây hại

06/06/2019 08:37 PM


Chiều ngày 06/6, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 7 QUốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã tham gia giải trình, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) liên quan đến vấn đề quản lý không gian mạng.

Toàn cảnh phiên chất vấn. Ảnh quochoi.vn

Tại phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho hay, cùng với sự phát triển mạng xã hội thì tội phạm xâm hại trẻ em qua môi trường mạng ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp và xuất hiện cả tội phạm có yếu tố nước ngoài. Thông qua mạng xã hội, trẻ em bị dụ dỗ, lôi kéo phạm tội, xâm hại tình dục, bị vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm dẫn đến hành vi tiêu cực như bỏ học, tự tử...

Theo ĐB Nguyễn Mạnh Cường, đây là vấn đề liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ ngành: Công an, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các tổ chức chính trị xã hội. “Chính phủ đã quan tâm đúng mức chưa và đã có nỗ lực gì để phối hợp các bộ, ngành đề ra các giải pháp chủ động, đối phó, ngăn chặn, xử lý đối với loại tội phạm lợi dụng mạng xã hội để xâm hại trẻ em?” - Đại biểu Cường đặt vấn đề.

Trả lời chất vấn của ĐBQH về vấn đề lợi dụng không gian mạng để gây hại, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vấn đề này đang ngày một gia tăng. Trong thế giới thực cũng có gì thì cũng có những điều như vậy trên không gian mạng. Thế giới chúng ta đang có sự chuyển dịch vĩ đại là chuyển toàn bộ thế giới thực vào thế giới ảo. Trong thế giới thực có hệ thống pháp luật, chính quyền trung ương, địa phương, có lực lượng để duy trì lành mạnh của xã hội. Nhưng không gian mạng không có được như vậy, song cuộc sống đi vào không gian mạng, gây những tác động xấu có thực.

Để quản lý hiệu quả không gian mạng, theo Bộ trưởng, là hệ thống pháp luật, chính quyền phải nhanh chóng đi vào không gian mạng để duy trì sự lành mạnh. Giải pháp lâu dài là đưa giáo dục kỹ năng sống trong không gian mạng vào giáo dục phổ thông.

Bộ trưởng cũng nêu rõ, đời thực thở bằng không khí, không gian mạng thở bằng tin tức, nội dung. Đời thực có hàng nghìn tấn rác, nếu không dọn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong không gian mạng cũng có rác, nếu không dọn sẽ ảnh hưởng đến não người. Do vậy, vấn đề xuất phát là từ thực hiện việc quét rác. Từng người khi sử dụng không gian mạng phải chú ý không xả rác, dọn rác của chính mình.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, nguyên tắc ứng xử trên không gian mạng đang được Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo, sẽ ban hành trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tham gia trả lời tại phiên chất vấn.

Cùng với đó, các nhà mạng phải có bộ lọc để "dọn rác". Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có yêu cầu cụ thể về vấn đề này. Các cơ quan bộ, ngành phải thực hiện "dọn rác" thông qua định nghĩa "rác", giám sát, phát hiện và tuyên bố về "rác" - điều này phải sử dụng công nghệ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông có trung tâm giám sát an toàn mạng quốc gia, cơ bản có thể phân tích, đánh giá, lọc bỏ. Sau khi các bộ, ngành xác định là "rác" sẽ thông báo đến Bộ Thông tin và Truyền thông, vì Bộ quản lý các nhà mạng, sẽ yêu cầu gỡ bỏ, kể cả với nhà mạng xã hội nước ngoài. Các mạng xã hội nước ngoài khi hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải tuân thủ pháp luật trong nước, vì Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền. Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã mạnh tay hơn với mạng xã hội nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, chúng ta đã nhìn thấy vấn đề thì có thể giải quyết vấn đề. Khi nhà mạng có công cụ chọn lọc, chính quyền mạnh tay hơn, tiếp tục hoàn thiện pháp luật, chúng tôi tin, thời gian tới, không gian mạng sẽ ngày càng lành mạnh hơn./.

PV