Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

04/06/2019 08:58 PM


Sáng ngày 04/6, Quốc hội tiến hành phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm là Bộ trưởng đầu tiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Tại phiên chất vấn, vấn đề ma túy nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Tội phạm ma túy ngày càng diễn biến phức tạp

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, thời gian qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng ta vẫn giữ vững được tình hình an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường bình yên để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bảo đảm cuộc sống bình yên của người dân. Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá là an ninh trật tự, an toàn trong đó có cố gắng rất lớn của lực lượng công an nhân dân. 

Quang cảnh phiên trả lời chất vấn.

Tuy nhiên, tình hình an ninh trật tự còn diễn biến phức tạp, đối diện với nhiều nguy cơ thách thức lớn. Trong đó có nhiều loại tội phạm gây bức xúc nhân dân, cử tri, nhất là hoạt động ma túy xuyên quốc gia có chiều hướng gia tăng. Nhiều vụ vận chuyển ma túy lớn được bắt giữ. Điều này cho thấy tội phạm đang lợi dụng địa bàn Việt Nam để vận chuyển ma túy sang các nước thứ ba. Trong khi đó, số người nghiện ma túy rất lớn, công tác cai nghiện, quản lý người nghiện còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Theo Bộ trưởng Bộ Công an, ma túy đang là tội phạm của các loại tội phạm khác.

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đặt câu hỏi, tình hình tội phạm ma túy hiện nay diễn biến phức tạp. Theo ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), thời gian gần gây, các tội phạm ma túy, hoạt động tín dụng đen và băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen hoạt động khá lộng hành và gây bức xúc trong người dân, đặc biệt các vụ thảm án liên quan tới sử dụng ma túy.

ĐB Nguyễn Văn Hiến (Lâm Đồng) đặt vấn đề “Tại sao từ năm 2016, chính xác là 2017 đến nay lượng ma túy vào Việt Nam với số lượng cực kỳ lớn. Mỗi vụ chúng ta phát hiện bây giờ thì tính bằng tạ và bằng tấn. Điều này không xảy ra ở trước đây. Thế thì đây là loại tội phạm xuyên quốc gia”. Theo ĐB Nguyễn Văn Hiến, điều này có nguyên nhân tương đối rõ tội phạm ma túy “có vẻ như muốn” chọn Việt Nam là địa bàn trung chuyển lý tưởng và đề nghị Bộ trưởng Tô Lâm làm rõ hơn về điều này.

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cũng đề nghị Bộ trưởng Tô Lâm cho biết Việt Nam có vị trí như thế nào, ở đâu trên bản đồ trung chuyển và tiêu thụ ma túy ở khu vực và thế giới.

Cũng trong phiên chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm sáng nay, đại biểu Võ Thị Như Hoa (TP Đà Nẵng) đặt ra câu hỏi. Việc chỉ xử lý người nghiện theo hướng hành chính mà không xử lý hình sự khiến vấn nạn này càng phức tạp. Hình thức cai nghiện hiện nay cũng không hiệu quả. Có thể thấy rằng, nguyên nhân dẫn đến những vấn đề này là do quy định của pháp luật. “Xin Bộ trưởng cho biết, giải pháp xử lý vấn đề này trong thời gian tới”, đại biểu Hoa hỏi.

Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp luật

Trả lời về vấn đề công tác phòng, chống ma túy, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy và đã dành nhiều nguồn lực cho công tác này. Hiện Bộ Chính trị đã có chỉ thị về công tác này. Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy với những hình phạt hết sức nghiêm khắc. Trong số 13 hình phạt đó thì 9/13 tội danh hình phạt về ma túy có khung hình phạt cao nhất là chung thân và tử hình. Chính phủ cũng đã có kế hoạch triển khai phòng, chống ma túy và các lực lượng liên quan về phòng, chống ma túy của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có sự phối hợp và vào cuộc chặt chẽ với nhau trong công tác đấu tranh, xử lý những vấn đề liên quan đến tội phạm ma túy. Các ngành đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch công tác và quy chế phối hợp trong giải quyết vấn đề ma túy, đặc biệt là công tác hợp tác quốc tế với các nước trong phòng, chống ma túy cũng đạt được những vấn đề rất trọng tâm. Qua đó phải khẳng định rằng, sự chỉ đạo và sự quyết liệt vào cuộc của đảng, của Chính phủ, của Quốc hội, các ngành và nhân dân đối với công tác phòng chống ma túy là rất quyết liệt trong thời gian qua.

“Về kết quả bắt giữ ma túy thời gian qua, chúng tôi đã báo cáo lượng ma túy rất nhiều, tuy nhiên có vấn đề chúng ta có thể yên tâm là lực lượng công an đã dự báo trước tình hình này. Trên cơ sở đó, đã có triển khai và kết quả của công tác đấu tranh phòng, chống ma túy vừa qua cũng là con số nói lên điều này. Trước hết phải khẳng định, tội phạm ma túy là một vấn đề của tội phạm quốc tế, không một quốc gia nào có thể không có sự hợp tác mà giải quyết được tội phạm ma túy. Chúng tôi đã tính đến những nguy cơ tội phạm ma túy ở Việt Nam phát triển, tức là chúng ta rất gần vùng trung tâm thứ 2 sản xuất ma túy là Tam giác vàng” - Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn của các ĐBQH.

Theo Bộ trưởng, từ năm 2018, Bộ Công an đã đánh giá được tình hình phức tạp và đã triển khai những biện pháp tích cực ngăn chặn nguồn ma túy rất lớn và hiện có một số thách thức đặt ra trong đấu tranh phòng, chống ma túy như: Việt Nam đang ở rất gần trong vòng xoáy trung tâm lớn thứ hai về ma túy của thế giới; số người nghiện ma túy tiếp tục gia tăng… Đặc biệt, có những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật đặt ra như việc đơn giản hóa thủ tục đưa người vào các cơ sở cai nghiện, vấn đề giám định hàm lượng chất ma túy, hướng dẫn áp dụng một số vấn đề trong Luật Phòng, chống ma túy và Luật Hình sự.

Về vấn đề người sử dụng ma túy không bị xử lý hình sự, Bộ trưởng cho biết “Chúng tôi đang nghiên cứu vấn đề này để đưa vào sửa đổi một số quy định của luật pháp”.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng đề cập một số vấn đề trọng tâm trong công tác phòng chống ma túy hiện nay như: Khẩn trương ưu tiên tháo gỡ một số khó khăn về mặt pháp luật; thực hiện đồng bộ, song song các giải pháp chặn nguồn cung, giảm nguồn cầu trong nước đối với tội phạm ma túy; tiếp tục tăng cường nguồn lực, sự phối hợp chung giữa các lực lượng về phòng, chống ma túy…

Nói về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, cuộc chiến chống ma túy rất gian khổ, ác liệt không chỉ của một ngành công an mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, từng gia đình.

“Mới chiều hôm qua, đã có một chiến sỹ hy sinh ở Đồn biên phòng Bát Mọt, Thanh Hóa và hai chiến sỹ bị thương nặng cũng trong cuộc chiến chống ma túy. Có thể nói, thời gian vừa qua ngành công an, lực lượng biên phòng ở cửa khẩu đã phối hợp rất tốt để ngăn chặn và phát hiện được nhiều vụ ma túy. Nếu như không phát hiện được lượng ma túy đó thì chúng ta hình dung xem nó sẽ gây tác hại như thế nào đến đời sống của xã hội, đến từng gia đình và thế hệ trẻ của chúng ta” – Chủ tịch Quốc hội nói./.

PV