Đẩy mạnh công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

04/06/2019 05:02 PM


Ngày 04/6, tại Hà Nội, Trung ương Hội Người cao tuổi tổ chức Hội thảo "Đẩy mạnh công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe người cao tuổi" nhân kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam (06/6/1941 - 06/6/2019).

Người dân làm thủ tục tại BHXH huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La (nguồn internet)

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh, người cao tuổi ngày càng phát huy vai trò, vị trí của mình trong các hoạt động của cộng đồng, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, trong tổng số trên 10 triệu người cao tuổi vẫn còn bộ phận không nhỏ có cuộc sống khó khăn phải tự mưu sinh kiếm sống; một số người cô đơn, không nơi nương tựa… cần được quan tâm, hỗ trợ từ Nhà nước, gia đình và cộng đồng.

Giám đốc Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức Nguyễn Tuấn Ngọc cho biết, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trên thế giới đều dựa vào các dịch vụ tư nhân, để giảm gánh nặng cho nhà nước và xã hội. Tại Việt Nam, người cao tuổi đang sống trong các cơ sở chăm sóc phải tự chi trả kinh phí do không có BHXH là một trong những khó khăn không nhỏ.

Đại diện Tổng cục dân số (Bộ Y tế) cho rằng, hệ thống y tế - lão khoa ở Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu để giải quyết các bệnh mãn tính - bệnh đặc trưng của người cao tuổi. Thêm vào đó là sự khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế và xã hội của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn. Hiện tại, người cao tuổi nghèo sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa ít có khả năng tiếp cận được tới dịch vụ chăm sóc cần thiết. Vì vậy cũng tạo thách thức lớn trong chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Để chăm sóc tốt cho người cao tuổi, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức và gia đình về trách nhiệm kính trọng, giúp đỡ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; sắp xếp lại hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội công lập theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa; ưu tiên đầu tư nguồn lực nhà nước và huy động nguồn lực xã hội phát triển các cơ sở cung cấp các dịch vụ xã hội đối với người cao tuổi. Đồng thời, đẩy nhanh việc hoàn thành tỷ lệ bao phủ BHYT đối với 100% người cao tuổi để người cao tuổi tăng cơ hội được tiếp cận dịch vụ y tế và được chăm sóc sức khỏe tốt hơn./.

PV