Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Đánh giá đầy đủ, toàn diện, kỹ lưỡng tác động của các chính sách mới
29/05/2019 12:35 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng ngày 29/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh quochoi.vn
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban thẩm tra tán thành quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Bộ luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các quan điểm chỉ đạo của Đảng, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 được nêu trong Tờ trình. Đồng thời, Ủy ban đề nghị quán triệt sâu sắc đường lối “phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội”,“tạo môi trường và điều kiện để mọi người lao động có việc làm và thu nhập tốt hơn” được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; chú trọng thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và một số chủ trương lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình xem xét, điều chỉnh các chính sách cụ thể để bảo đảm việc làm bền vững, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định, phát triển các tiêu chuẩn lao động trong bối cảnh Việt Nam tham gia và thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Dự án Bộ luật sửa đổi 162 điều, bổ sung 29 điều, bãi bỏ 49 điều ở tất cả các chương, đồng thời sửa đổi 02 Điều của Luật BHXH song Tờ trình của Chính phủ mới tập trung thể hiện quan điểm về 06 nội dung cụ thể, còn nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng khác, một số nội dung được thể hiện theo hai phương án nhưng chưa được phân tích đầy đủ và thể hiện quan điểm của Chính phủ. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung Bộ luật các nội dung: giảm thời giờ làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần xuống còn không quá 44 giờ/tuần; quy định về thời giờ làm việc đối với một số công việc đặc thù như lái xe, bảo vệ...; quy định về tổ chức đại diện của người sử dụng lao động.
Để phù hợp với mục tiêu sửa đổi toàn diện, Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo Quốc hội, làm rõ ba vấn đề sau: Phạm vi và cơ sở của những nội dung sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ; Sự đồng bộ giữa việc nhận diện đầy đủ những vấn đề mới, những hạn chế, bất cập với việc đề xuất các giải pháp điều chỉnh pháp luật; Các xu hướng ý kiến khác nhau và quan điểm của Chính phủ đối với các nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ.
Về hồ sơ, quy trình, thủ tục, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chỉ ra rằng, hồ sơ dự án Bộ luật được chuẩn bị đầy đủ, đã bổ sung, cập nhật một số thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra sơ bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, song cần được tiếp tục hoàn thiện thêm để bảo đảm Quốc hội có đầy đủ thông tin xem xét, cho ý kiến về nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến người lao động. Ủy ban thấy rằng, Bộ luật Lao động có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, việc sửa đổi Bộ luật lần này tiến hành một cách toàn diện, với nhiều nội dung mới, phức tạp, có những vấn đề chưa có tiền lệ ở Việt Nam, liên quan đến nhiều luật, bộ luật khác nên cần nhiều thời gian thảo luận thấu đáo, tham vấn rộng rãi, bảo đảm đồng thuận xã hội. Do vậy, Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tập trung hoàn thiện hồ sơ dự án Bộ luật trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội; tổ chức lấy ý kiến nhân dân; đồng thời, đánh giá đầy đủ, toàn diện, kỹ lưỡng tác động của các chính sách mới trên cơ sở tham vấn ý kiến đối tượng chịu sự tác động và phản biện xã hội.
Đối với nội dung mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, Ủy ban thẩm tra cho rằng, đề xuất chính sách này cần được xem xét thấu đáo, thận trọng trên cơ sở kế thừa, phát triển quan điểm lập pháp qua các thời kỳ, xem xét toàn diện mối quan hệ giữa kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa trên các yếu tố tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, năng suất lao động, thất nghiệp, an toàn lao động, tác động xã hội, năng lực giám sát và xử lý vi phạm, bảo đảm việc làm bền vững và hài hòa lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động, hướng tới việc chấm dứt “nhân công giá rẻ”, “lương không đủ sống” ở các ngành nghề thâm dụng lao động. Ủy ban đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ các khía cạnh tác động, lấy ý kiến người lao động, cân nhắc kỹ lưỡng đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về trả lương lũy tiến khi làm thêm giờ, bổ sung danh mục về những “trường hợp đặc biệt” thuộc diện có thể làm thêm giờ đến mức 400 giờ/năm; đồng thời, đánh giá tác động của việc bỏ quy định về giới hạn giờ làm thêm tối đa trong tháng, tác động của việc mở rộng thời gian làm thêm 100 giờ đối với khu vực công và nguồn lực ngân sách để chi trả.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh quochoi.vn
Đối với quy định về tuổi nghỉ hưu, Chính phủ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ nhưng chưa làm rõ tính hợp lý về khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ từ quan điểm bảo đảm bình đẳng giới thực chất, các biện pháp đặc biệt tạm thời theo tinh thần Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), trong khi khoảng cách tuổi nghỉ hưu cần được xem xét tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, tính chất lao động, điều kiện lao động của những nhóm lao động khác nhau và liên quan mật thiết đến nhiều chính sách khác.
Để có đủ thông tin trình Quốc hội xem xét, thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Chính phủ: Phân tích rõ hơn sự phù hợp của việc đề xuất mức tuổi nghỉ hưu 62 với nam, 60 với nữ trên các yếu tố: Tuổi nghỉ hưu so với tuổi thọ trung bình và tuổi thọ mạnh khỏe; mối quan hệ giữa việc tăng tuổi nghỉ hưu và BHXH; các yếu tố ảnh hưởng khác; Đánh giá toàn diện các tác động tích cực và tiêu cực khi ghi nhận “có quyền nghỉ hưu” thay cho việc “có thể nghỉ hưu”; Đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật, sự tương thích với điều ước quốc tế có liên quan; Lấy ý kiến rộng rãi, nhất là của đối tượng chịu sự tác động để lựa chọn được phương án tối ưu, có phương án truyền thông chính sách căn cơ, nhất quán; Rà soát, thống kê những công việc, ngành nghề có sự khác biệt lớn giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu, bổ sung dự thảo Danh mục các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn hoặc cao hơn 5 năm.
Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Dự thảo Bộ luật có 37 điều, khoản ủy quyền cho các cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, bên cạnh đó, còn một số điều, khoản mà nếu không quy định rõ hoặc không ủy quyền quy định chi tiết thi hành thì sẽ không thực hiện được. Ủy ban đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định mới phù hợp với thực tiễn và cụ thể hóa các điều, khoản trong dự thảo Bộ luật để đảm bảo tính khả thi và điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để thực hiện Bộ luật./.
PV
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
BHXH Việt Nam đề nghị các ngân hàng hỗ trợ người hưởng ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?