Phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2019
26/05/2019 09:57 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 25/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em đã dự lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 với thông điệp "Chung tay vì trẻ em nghèo, phòng chống đuối nước trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em”, tổ chức tại TP. Thanh Hoá.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao tặng áo phao cho các em học sinh.
Tham dự lễ phát động còn có Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) Đào Ngoc Dung; Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến; Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam Rana Flowrs; đại diện các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố; các sở, ban, ngành tỉnh Thanh Hóa; đại diện các tổ chức quốc tế cùng 1.300 em học sinh Trường THCS Trần Mai Ninh.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam hoan nghênh Bộ LĐ-TBXH phối hợp Ủy ban quốc gia về trẻ em cùng Thành phố Thanh Hóa tổ chức Lễ phát động với 3 chủ đề phù hợp. Theo Phó Thủ tướng, Tháng hành động là tháng để nhắc nhở chúng ta cần chú ý vấn đề này, công việc cần thực hiện trong cả 12 tháng với 365 ngày trong năm.
Phó Thủ tướng cho biết thêm: Năm 2019 là năm thứ 30 chúng ta ký Công ước về quyền trẻ em, năm thứ 25 chúng ta tổ chức Tháng hành động vì trẻ em. Theo Luật trẻ em quy định, trẻ em có 25 quyền, các cháu cần được phổ biến đầy đủ. Bên cạnh các phong trào phát động, cần chú ý thực hiện thật tốt quyền của trẻ em, trách nhiệm của gia đình, các cấp, các ngành, xã hội. Cần làm cho mọi người trong xã hội, nhất là trẻ em biết được quyền của mình. Khi đó, các tổ chức, cá nhân cần phải được ràng buộc trách nhiệm thực hiện về công tác đảng, chính quyền, tổ chức, các hành vi vi phạm phải bị xử lý nghiêm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam in dấu tay lên quả cầu phát động Tháng Hành động vì trẻ em.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Tháng hành động vì trẻ em Quốc gia được tổ chức vào tháng 6 hàng năm nhằm thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; Tuyên truyền phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân tổ chức thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em.
Bộ trưởng cho biết thêm: “Cả nước ta hiện nay vẫn còn khoảng 5,6 triệu trẻ em nghèo theo phương thức tính thiếu hụt các quyền của trẻ em (chiếm khoảng 21% tổng số trẻ em của cả nước), trong đó vùng Trung du - miền núi phía Bắc có tỷ lệ trẻ em nghèo cao nhất (chiếm 41,5% số trẻ em nghèo).
Việc triển khai thực hiện các quyền trẻ em tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn gặp nhiều thách thức (khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách về cơ hội phát triển và đặc biệt là tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nước sạch và các dịch vụ phúc lợi xã hội của trẻ em giữa các vùng kinh tế và dân tộc vẫn còn khác nhau); mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước và trên 1.500 trẻ em là nạn nhân của của các vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em...
Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers phát biểu tại buổi lễ.
Do đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn các bộ, ngành cơ quan, tổ chức hãy thực hiện hiệu quả hơn nữa các chính sách, chương trình vì trẻ em theo trách nhiệm của mình. Cộng đồng xã hội hãy góp sức một cách thiết thực nhất để giảm khoảng cách về cơ hội phát triển của trẻ em giữa các vùng miền, đặc biệt là nhóm trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số. Hãy để các em được sử dụng đầy đủ hơn các dịch vụ phúc lợi xã hội và được bảo vệ trước tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục. Đảm bảo xử lý các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em với 3 cái nhất: Xử lý kịp thời nhất, xử lý nghiêm minh nhất, hỗ trợ tốt nhất cho trẻ em.
Bà Rana Flowrs, Trưởng Đại diện Unicef tại Việt Nam Rana Flowrs cho biết: Việt Nam là quốc gia luôn nỗ lực để đảm bảo tốt quyền trẻ em. Các nhà kinh tế học chỉ ra cho Chính phủ các quốc gia cần đầu tư để hiểu rõ rằng chỉ có thể xóa nghèo khi tập trung vào trẻ em, nghèo trẻ em, giải quyết những thiệt thòi, thiếu thốn mà trẻ em phải chịu đựng bằng cách đầu tư vào các dịch vụ xã hội. Đầu tư phát triển trẻ thơ – y tế, dinh dưỡng, tương tác giáo dục sớm và bảo vệ khỏi xâm hại. Tất cả những yếu tố trong một tổng thể giúp não bộ phát triển, giúp phát triển thể chất và giúp tăng trưởng kinh tế trong tương lai – 1USD đầu tư cho phát triển trẻ thơ đem lại 9 USD cho phát triển kinh tế.
Trưởng Đại diện Unicef tại Việt Nam khuyến nghị, trước hết Việt Nam cần phân bổ ngân sách cho dịch vụ xã hội có chất lượng và bảo trợ xã hội cho trẻ em, giáo dục mầm non và chăm sóc trẻ em có chất lượng; Các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội rõ ràng được phân bổ ngân sách sẽ đảm bảo được việc giúp phát hiện trẻ em có nguy cơ, can thiệp, phòng ngừa xâm hại và bị bóc lột, giải quyết những nguy cơ khác đối với trẻ em, như đuối nước…
Nhân dịp này, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã tặng 300 bộ áo phao, 500 mũ bảo hiểm, 100 suất quà và 70 suất học bổng cho trẻ em Thanh Hóa./.
PV
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
BHXH Việt Nam đề nghị các ngân hàng hỗ trợ người hưởng ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?