Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong cải cách thủ tục hành chính

15/05/2019 05:29 PM


Sáng nay 15/5, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tới dự và chủ trì hội nghị.

Năm 2018, kinh tế - xã hội của nước ta có những chuyển biến tích cực, toàn diện; tăng trưởng GDP đạt 7,08%, vượt kế hoạch đề ra. Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả trọng tâm trong chỉ đạo điều hành như: Ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp.

Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC đã phát huy tốt vai trò “cầu nối” giữa Chính phủ với người dân, doanh nghiệp, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trên 03 lĩnh vực trọng tâm là: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cơ chế, chính sách, TTHC; nghiên cứu, đề xuất sáng kiến cải cách cơ chế, chính sách, TTHC; đánh giá việc thực hiện cải cách TTHC tại các bộ, ngành, địa phương nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và chủ trì hội nghị

4 tháng đầu năm 2019, với vai trò cơ quan thường trực Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ đã chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất giải pháp cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh trong Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới; đôn đốc các bộ, cơ quan liên quan cập nhật, cung cấp kết quả cải cách về chính sách, quy định, TTHC của Việt Nam gửi Ngân hàng Thế giới, phục vụ xây dựng Báo cáo Doing Bussiness 2020…

Về việc triển khai xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết đã đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử và ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025; tạo lập cơ sở pháp lý cho triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Ngày 12/3 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ tiên tiến của thế giới.

Trong năm 2019, tiếp tục hoàn thành và đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; Trung tâm chỉ đạo, điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… Các chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong bảng xếp hạng quốc tế ngày càng được cải thiện.

Về nhiệm vụ năm nay và những năm tiếp theo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị, cần tiếp tục tập trung xử lý, tham vấn, kiến nghị những giải pháp phù hợp để cải cách TTHC, giảm bớt những điều kiện kinh doanh không cần thiết để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, năm 2019, Chính phủ xác định là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hội đồng cần tập trung vào những vấn đề thể chế còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Các thành viên Hội đồng tích cực tham gia ý kiến đối với cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, phản hồi về tính khả thi, tính hợp lý cũng như chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của các thủ tục hành chính đã ban hành. Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là đề cao tính minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo đối với văn bản còn khiếm khuyết, không phù hợp, thiếu tính khả thi.../.

PV