Tập trung nguồn lực tài chính cho cải cách tiền lương
15/03/2019 05:32 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo, triển khai cải cách chính sách tiền lương diễn ra ngày 14/03, tại Trụ sở Chính phủ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, triển khai Nghị quyết 27-NQ/CP về cải cách chính sách tiền lương, Thường trực Ban Bí thư đã giao Ban Tổ chức Trung ương chủ trì phối hợp với các cơ quan xây dựng khung danh mục vị trí việc làm, mô tả vị trí việc làm cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp xã để trình Bộ Chính trị. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 107/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 27-NQ/CP.
Việc cải cách chính sách tiền lương trong năm 2019 tập trung vào một số mục trọng tâm như: Trình Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang từ 01/7 theo Nghị quyết của Quốc hội từ 1,39 lên 1,49 triệu đồng/người/tháng; điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động trong khu vực doanh nghiệp từ 01/01/2020. Cùng với đó, rà soát các chức danh, chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, xây dựng bảng phân loại chức vụ tương đương trong hệ thống chính trị. Xây dựng chế độ tiền lương mới. Từ 01/01/2019 – 09/2019, các bộ, cơ quan được phân công nhiệm vụ xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và bảng phụ cấp theo nghề nếu có.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh đến việc nâng cao chất lượng công chức, trả lương đúng vị trí, đảm bảo tinh giản biên chế. Phân công, phân cấp phải gắn với quản lý và phải kiểm soát chặt chẽ, học cách xác định tiêu chí việc làm của thế giới nhưng phải gắn với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Về nguồn lực để cải cách tiền lương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính thảo luận, tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo nghe trước khi báo cáo Chính phủ. Bộ Tài chính đánh giá tổng thể nguồn còn dư hiện nay để cải cách tiền lương nằm ở các bộ, ngành, địa phương, việc sử dụng nguồn dư đó theo quy định pháp luật và Nghị quyết 27 cùng với nguồn tăng thu của năm 2018 (40% tăng thu của ngân sách trung ương được tích lũy lại để cải cách tiền lương). Phó Thủ tướng cho rằng phải việc sử dụng nguồn tăng thu phải có nguyên tắc, không thể mỗi nơi xử lý khác nhau, không cho bất cứ địa phương nào sử dụng khoản này nếu không đảm bảo nguồn để cải cách tiền lương từ nay đến năm 2020 và cải cách căn bản vào năm 2021.
Phó Thủ tướng đánh giá cao một số bộ, ngành trong xây dựng biên chế, lấy ví dụ Ngành công an họp về biên chế, tính tới từng người một, ba năm từ 2015 tới nay không tăng người nào, sắp tới toàn bộ cán bộ công an xã là chính quy nhưng cũng không tăng thêm biên chế mà phải cơ cấu lại trong số quân hiện có. Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã thực hiện sắp xếp rất tốt. Hay như Quảng Ninh đã tự rà soát, sắp xếp mà không cần thêm người. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những biện pháp để cải cách tiền lương.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã báo cáo một số nội dung về kế hoạch triển khai, sửa đổi thể chế pháp luật, nguồn lực để cải cách tiền lương./.
Quyết Thắng (T/h)
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?