Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 12/2018
27/12/2018 10:57 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 27/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2018.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh VGP
GDP năm 2018 đạt 7,08%
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận các nội dung: Tình hình thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ-TW ngày 1/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư BCHTW Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 8/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Tình hình thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị BCHTW Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị BCHTW Đảng lần thứ 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đồng thời, Chính phủ cũng nghe báo cáo và thảo luận về các đề nghị: Xây dựng dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (sửa đổi); dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; dự án Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi); dự thảo Nghị định quy định về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo tin vui là tăng trưởng GDP năm 2018 của nước ta đạt 7,08%. Bên cạnh đó, thu ngân sách Nhà nước, nhất là ngân sách Trung ương đạt kết quả đáng mừng. Đồng thời, Thủ tướng cũng cho biết, chưa bao giờ chúng ta xuất siêu trên 7 tỷ USD. Không chỉ vậy, chất lượng, mô hình tăng trưởng có chuyển biến tích cực; tăng trưởng kinh tế đạt được ở mức cao khi mà tăng trưởng tín dụng ở mức thấp và sản lượng dầu thô khai thác giảm; số lượng doanh nghiệp thành lập mới năm nay cũng cao hơn so với các năm;…
“Bức tranh toàn cảnh, đầy đủ hơn sẽ được đưa ra tại Hội nghị mở rộng Chính phủ và địa phương được tổ chức vào ngày mai”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Sẽ kiểm tra việc phát triển kinh tế tư nhân
Sau khi nghe, thảo luận về một số báo cáo tình hình thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện 3 Nghị quyết của Trung ương, Thủ tướng nhấn mạnh, cần thực hiện quyết liệt hơn nữa chương trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, đi liền với đó là kiểm, đôn đốc.
Về thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW, theo Thủ tướng, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một khái niệm đặc trưng của Việt Nam đã được nghiên cứu, hình thành, phát triển tốt thời gian qua nhưng các loại thị trường chưa phát triển đồng bộ.
Do đó, Thủ tướng nêu rõ, hình thành, phát triển mạnh mẽ các loại thị trường rất quan trọng mà trong điều hành thì quán triệt tinh thần kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quy luật giá trị. Thủ tướng nhắc lại công tác kiểm tra, đôn đốc rất quan trọng.
Về thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW, Thủ tướng lưu ý, một số địa phương chưa có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này, đặc biệt là thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thiện văn bản quy phạm pháp luật, khung pháp lý để phát triển kinh tế tư nhân. Các cấp, các ngành, các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi như về vốn, đất đai… để kinh tế tư nhân phát triển.
Thủ tướng cho biết đã trao đổi với lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương về việc phối hợp kiểm tra một số ngành, địa phương về phát triển kinh tế tư nhân, nhất là các địa phương trọng điểm, để thúc đẩy vấn đề này.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh VGP
Thủ tướng nhấn mạnh, 3 Nghị quyết nêu trên rất quan trọng, tạo nền tảng cho chúng ta thành công thời gian tới.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW về Chương trình hành động triển khai Nghị quyết 05-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết 24-NQ/TW của Quốc hội về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.Theo đánh giá sơ bộ, kết quả thực hiện 64 chỉ tiêu định tính và định lượng được đặt ra tại Nghị quyết số 27 và các văn bản liên quan, đến nay có 28,13% mục tiêu dự kiến hoành thành; 40,63% mục tiêu có khả năng hoàn thành và 31,25% mục tiêu cần có giải pháp thúc đẩy hoàn thành.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân, nguồn lực cho khu vực này dần được khơi thông. Dư nợ tín dụng của khu vực kinh tế tư nhân liên tục tăng qua các năm và chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Đến tháng 9/2018, là 87,35%. Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển lĩnh vực này, trong đó có xử lý kiến nghị của doanh nghiệp. Đơn cử, từ tháng 10/2017 - 7/2018, hệ thống trang điện tử của Văn phòng Chính phủ đã chuyển 1.395 phản ánh, kiến nghị tới các bộ, ngành xử lý theo thẩm quyền và có hơn 85% đã được trả lời.
Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân
Sau khi nghe các thành viên Chính phủ thảo luận, kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành cần tập trung và quyết liệt hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, đầu tư công… Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, Thủ tướng yêu cầu cần đặc biệt chú ý đến công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, xử lý và đề xuất xử lý những tồn tại, vướng mắc trong thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Nhấn mạnh vị trí và tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần tiếp tục quan tâm bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm xây dựng chương trình hành động, tạo điều kiện về đất đai, vốn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân như mục tiêu trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được đề ra.
Đối với việc thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, công tác này đã được chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả trong thời gian qua, tuy nhiên chất lượng thị trường vẫn chưa đồng bộ. Thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao chất lượng thị trường cũng như quan tâm đẩy mạnh sự phát triển của các loại hình thị trường.
Đối với dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (sửa đổi), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ nguyên tắc chung trong sửa đổi luật là phải tạo điều kiện thuận lợi nhất về chính sách để người lao động được đi làm việc tại nước ngoài theo mong muốn và nguyện vọng. Giao cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật.
Về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ thống nhất về nguyên tắc cũng như sự cần thiết xây dựng dự án luật. Giao Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật.
Thống nhất về nguyên tắc và đồng ý với đề xuất xây dựng dự án Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Pháp lệnh này là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung mở rộng phạm vi, đối tượng người có công để tiếp tục tôn vinh một số đối tượng mới, với tư cách người có công với nước trong thời bình cho phù hợp với tình hình hiện nay. Giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ dự án Pháp lệnh.
Về dự thảo Nghị định quy định về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ thống nhất với đề nghị xây dựng dự thảo Nghị định này. Giao Bộ Tư pháp tiếp thu các ý kiến, chủ trủ trì soạn thảo và trình Chính phủ dự thảo Nghị định trong tháng 6/2019./.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Khối Thi đua số V: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?