Nhận diện rõ khó khăn, thách thức để có các giải pháp phù hợp thúc đẩy nền kinh tế - xã hội
23/05/2025 04:30 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thảo luận ở Tổ về tình hình kinh tế - xã hội, sáng ngày 23/5, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, kinh tế - xã hội nước ta đang có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực, song còn tiềm ẩn nhiều thách thức về tăng trưởng, ổn định vĩ mô... Vì vậy, cần nhận diện rõ khó khăn, thách thức để có các giải pháp phù hợp nhằm đạt được mục tiêu.
Cho ý kiến về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, các đại biểu cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính về nội dung này, trong đó nhất trí với những kết quả đạt được, khó khăn, thách thức cũng như những nhiệm vụ, giải pháp được đề ra để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên và tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo.
Nhiều tín hiệu tích cực
Phát biểu tại Phiên thảo luận của Tổ 9, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, diễn biến phức tạp, Hoa Kỳ áp thuế đối ứng với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã tác động lớn đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nước ta. Tuy nhiên, kết quả đạt được trong năm 2024 đạt 7,09% là mức cao so với bối cảnh tình hình chung và Quý I/2025 cũng tăng trưởng 6,93%. Điều này cho thấy những tín hiệu phục hồi rất tích cực về tăng trưởng kinh tế ở nước ta.
Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại Phiên thảo luận ở Tổ 9. Ảnh: Quochoi
Quan tâm và đánh giá cao số thu ngân sách năm 2024 vượt hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng hơn 15% so với dự toán thu, song Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần xem xét cơ cấu thu ngân sách từ hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm bao nhiêu và thu từ cấp quyền sử dụng đất như thế nào.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, chỉ số xuất nhập khẩu năm 2024 và những tháng đầu năm nay vẫn tích cực. “Năm 2024 thặng dư tới gần 25 tỷ USD, xuất khẩu tăng, nhập khẩu cũng tăng, chỉ số sản xuất công nghiệp phục hồi, đạt 8,4%. Đây là những chỉ số rất quan trọng và tích cực trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội của nước ta năm 2024. Và trong những tháng đầu năm 2025, nhiều chỉ số mà Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp này đã tốt hơn”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đánh giá cao chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2025 tăng 3,63% so với cùng kỳ năm 2024 là rất tích cực. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh lưu ý, qua tiếp xúc cử tri, cảm nhận của xã hội đối với giá cả các mặt hàng thiết yếu không hoàn toàn giống với những điều chúng ta phản ánh, chỉ số CPI còn tiềm ẩn nguy cơ, có thể làm suy giảm niềm tin vào hiệu quả của các chính sách vĩ mô. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần làm rõ để phản ánh dư luận xã hội về vấn đề này.
Liên quan tới nhiều ý kiến của đại biểu về vấn đề hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị các cấp chính quyền cần tăng cường kiểm soát hàng giả, hàng lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng để chỉ số CPI đi vào cuộc sống, bảo đảm đời sống của người dân.
Nhận diện rõ khó khăn, thách thức để có giải pháp phù hợp
Nhấn mạnh tăng trưởng Quý I/2025 cao nhất trong những năm gần đây và nhiều địa phương tăng trưởng 2 con số, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho biết, điều này cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, thích ứng linh hoạt, nhạy bén của Chính phủ và chính quyền các cấp, đã đề ra nhiều chính sách tăng trưởng đột phá.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cũng chỉ rõ sự tăng trưởng này nhìn chung không đồng đều ở nhiều lĩnh vực, ngành, xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức. Đơn cử như dù tăng trưởng cao nhưng tỉ lệ giải ngân so với cùng kỳ năm 2024 vẫn còn thấp hơn; tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn qua số lượng doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng tham gia thị trường rất cao. Nhiều dự án có vốn lớn, tác động lan tỏa nhưng tiến độ thực hiện còn chậm, huy động nguồn lực còn nhiều khó khăn. Cùng với đó, qua biến động của thị trường toàn cầu, Hoa Kỳ áp thuế đối ứng rất cao đối với nhiều quốc gia, trong đó có nước ta… Đại biểu cho rằng, đây là những khó khăn không chỉ riêng trong Quý này, mà còn là những khó khăn kéo dài qua nhiều năm.
Các đại biểu đề ra nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2025
Từ những thách thức nêu trên, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đề nghị Quốc hội, Chính phủ đề xuất các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, tập trung tháo gỡ để thúc đẩy phát triển kinh tế. Theo đó, đối với các Nghị quyết của Quốc hội, áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù cho các địa phương, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho áp dụng nguyên trạng các chính sách đặc thù đối với các địa phương đã có chính sách. Đối với các địa phương chưa có chính sách, đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho các địa phương cũng được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt mà 10 tỉnh, thành đã áp dụng trong thời gian qua, nhằm phục vụ mục tiêu tăng trưởng 2 con số, qua đó tạo nền tảng tăng trưởng năm 2025 đạt từ 8% trở lên. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, việc sửa đổi các luật như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công và các luật đang được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 này sẽ tạo điều kiện để tháo gỡ thể chế, góp phần thúc đẩy đầu tư, phát triển kinh tế.
Trong quá trình sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập hay doanh nghiệp Nhà nước có tác động lớn đến ngân sách địa phương, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, cần phải thực hiện hết sức thận trọng, làm chắc chắn, không vội vã để chúng ta ổn định tình hình trong giai đoạn ít nhất 5 năm, bộ máy và nhân lực thông suốt. Đồng thời đề nghị Chính phủ lắng nghe, sắp xếp nhưng không ảnh hưởng đến nguồn thu của địa phương.
Đặc biệt, đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung cao nhất để đàm phán thành công thỏa thuận về thuế đối ứng với Hoa Kỳ, bởi đây là thị trường xuất khẩu rất lớn không chỉ của Việt Nam mà còn của các tỉnh thành, trong đó có tỉnh Bến Tre. “Do đó, cần tập trung cao độ cho việc đàm phán để có mức thuế hợp lý, góp phần tạo sự tin tưởng và đầu tư lâu dài cho cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời điều này cũng tạo điều kiện để giải quyết việc làm và thu ngân sách ở địa phương”, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn kiến nghị.
Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cụ thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Góp ý về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, các ý kiến cho rằng, cần có giải pháp hữu hiệu để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong triển khai các dự án đầu tư công và các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG); bảo đảm chất lượng, tiến độ thực hiện các dự án theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm lãng phí trong công tác đấu thầu, triển khai các dự án đầu tư công, CTMTQG, mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, vật tư.
Nhận định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là công tác quan trọng, đại biểu Phạm Đức Ấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng, việc đánh giá, thống kê xem tiết kiệm những gì, theo tiêu chí nào lại rất khó. Do vậy, cần xem xét xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cụ thể vấn đề này để thống nhất cho các đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
“Mặc dù vẫn phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng nhiều việc cần chi mà tiết kiệm thì sẽ lựa chọn sản phẩm thấp, thời gian sử dụng kém hiệu quả, không phát huy được hiệu quả công năng thành ra gây lãng phí. Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực rất lớn trong việc giảm thiểu trình tự, thủ tục hành chính trong công tác đầu tư, phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp. Đây cũng là cách chống lãng phí”, đại biểu nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, các ý kiến thảo luận tại Tổ 9 cũng đề nghị tập trung ngân sách Nhà nước cho các mục tiêu chiến lược, các dự án quan trọng quốc gia; ưu tiên đầu tư phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và các lĩnh vực thiết yếu như y tế, giáo dục. Cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết hoặc không có hiệu quả./.
Thắng Trần
Chi tiết >>
Trợ cấp thai sản cho người tham gia BHXH tự ...
Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và điều kiện ...
Những điểm mới nổi bật của Luật BHXH 2024
Thẻ BHYT điện tử - thuận tiện, nhiều lợi ích cho người tham ...
Chương trình Giao lưu trực tuyến chủ đề “Bảo hiểm xã hội - ...
Trao tặng sổ BHXH, thẻ BHYT: Lan tỏa giá trị nhân văn của ...
Thúc đẩy hợp tác lĩnh vực an sinh xã hội giữa Việt Nam và ...
Hiệu quả tuyên truyền phát triển người tham gia BHXH, BHYT: ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?