Tận dụng cơ hội từ trí tuệ nhân tạo
10/09/2024 10:35 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Mặc dù đã đạt được những thành quả ban đầu đáng khích lệ, việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của Việt Nam đối mặt với rất nhiều thách thức, nếu không kịp thời khắc phục thì sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển.
Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam thu hút nhiều người đến trải nghiệm các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo vừa được tổ chức, nhiều sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo được giới thiệu, như xử lý hình ảnh siêu âm, hình ảnh dự đoán về thai nhi; một số chatbot có tính năng chuyên biệt hỗ trợ doanh nghiệp, nhà lập trình; các sản phẩm về thị giác máy tính…
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, thời gian qua, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng và triển khai trong một số bộ, ngành, và địa phương, hỗ trợ tự động hóa các công đoạn quản lý nhà nước; ứng dụng trong quốc phòng-an ninh; trong các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, tài nguyên-môi trường, tài chính-ngân hàng, công nghiệp-thương mại, văn hóa, thể thao và du lịch, phát thanh-truyền hình. Công nghệ trí tuệ nhân tạo đang góp phần nâng cao rõ rệt năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Nhìn vào các sản phẩm trí tuệ nhân tạo được phát triển thời gian qua cho thấy, một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ trong nước đã đầu tư nghiên cứu, phát triển dựa trên nguồn dữ liệu và tri thức đặc thù của Việt Nam để giải quyết các nhu cầu của người dùng trong nước.
Tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam, lần đầu sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh (công nghệ tạo hoặc sản xuất nội dung mới) được ra mắt, dưới dạng các trợ lý ảo giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình kinh doanh. Điều này chứng tỏ các nhà công nghệ trong nước bám sát xu hướng, khai mở tiềm năng to lớn của công nghệ hàng đầu thế giới này.
Theo ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty cổ phần Misa, trí tuệ nhân tạo tạo sinh được kỳ vọng đóng góp 14.000 tỷ đồng cho Việt Nam vào năm 2030. Hiện, mức độ ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh chưa nhiều, chỉ có 36% số doanh nghiệp đang tìm hiểu và 9% số doanh nghiệp đã triển khai trên thực tế.
Mặc dù đã đạt được những thành quả ban đầu, nhưng việc phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam còn đối mặt với rất nhiều thách thức, như thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng hạn chế và khung pháp lý cho lĩnh vực này chưa hoàn chỉnh.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Ngọc Minh, Phó Trưởng khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ, kiêm Chủ nhiệm Chương trình Thạc sĩ Trí tuệ nhân tạo, Đại học RMIT, nhu cầu về các chuyên gia và kỹ sư trí tuệ nhân tạo vượt xa số lượng người có đủ trình độ hiện có, do đó, cần đầu tư vào đào tạo và giáo dục, tăng cường hợp tác giữa các tổ chức giáo dục và doanh nghiệp để phát triển chương trình đào tạo chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo; xây dựng các chương trình đào tạo, thực tập và nghiên cứu chung với doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu nhân lực lĩnh vực này. Số lượng nhân lực làm về trí tuệ nhân tạo không nhiều, lại phân tán và chưa có sự kết nối, chia sẻ với nhau trong những dự án chung tầm quốc gia.
Thời gian qua, hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông chưa hoàn thiện và đồng bộ đã ảnh hưởng đến khả năng triển khai các giải pháp trí tuệ nhân tạo quy mô lớn. Nhiều doanh nghiệp công nghệ chia sẻ, họ mong muốn được sử dụng chung hệ thống máy hiện đại, tính toán nhanh để huấn luyện các mô hình trí tuệ nhân tạo thế hệ mới từ các đơn vị nghiên cứu công lập hay từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Hiện nay, các trường đại học, doanh nghiệp công nghệ phải thuê máy của nước ngoài với chi phí lớn và tiềm ẩn nguy cơ lộ, lọt các thông tin bí mật... Trong bối cảnh hiện nay, để tận dụng nguồn lực về hạ tầng phục vụ cho phát triển chung thì không thể thiếu chính sách thúc đẩy của Nhà nước.
Dù số lượng doanh nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngày càng tăng, nhưng nhìn chung vẫn thấp và hầu như mới chỉ ứng dụng trong một vài công đoạn nhỏ của doanh nghiệp, nguyên nhân là do hạn chế về nhận thức, tài chính và hạ tầng của doanh nghiệp. Để thật sự mang lại giá trị cho doanh nghiệp, trí tuệ nhân tạo cần được tích hợp toàn diện vào hoạt động của doanh nghiệp.
Việc triển khai được trí tuệ nhân tạo vào doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào công nghệ, độ sẵn sàng của doanh nghiệp mà phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác như môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý. Thời gian qua, nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo trong việc phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Một trong những văn bản pháp lý quan trọng nhất là Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/1/2021 về “Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030”. Chiến lược đặt ra các mục tiêu cụ thể nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, biến đây thành một lĩnh vực công nghệ chủ chốt của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng AI cả trong khu vực và toàn cầu.
Nhiều ý kiến cho rằng, Chiến lược cần được cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách, quy định để bảo đảm có hành lang pháp lý đầy đủ cho phát triển, ứng dụng các sản phẩm trí tuệ nhân tạo, như trong việc định giá sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đấu thầu cung cấp sản phẩm công nghệ, phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm…
Khác với các công nghệ truyền thống vốn là lợi thế của các nước phát triển, trí tuệ nhân tạo được cho là một cơ hội cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam nắm bắt để vượt lên phía trước. Các nhà công nghệ của Việt Nam khẳng định sẽ biến những khó khăn thành cơ hội để phát triển trí tuệ nhân tạo cho Việt Nam.
Ông Lê Hồng Quang cho biết, thời gian tới, các sản phẩm, giải pháp của đơn vị sẽ tích hợp trí tuệ nhân tạo với tiêu chí dễ tiếp cận, tiết kiệm chi phí và nhanh đưa lại hiệu quả để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiêp nhỏ và vừa tiếp cận, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường, từ đó đóng góp vào phát triển kinh tế của đất nước.
Tập đoàn FPT cũng đã đầu tư và cung cấp dịch vụ hạ tầng cho tính toán, huấn luyện mô hình trí tuệ nhân tạo, nhất là trong bối cảnh ứng dụng công nghệ nhân tạo tạo sinh đòi hỏi năng lực tính toán lớn.
Giáo sư Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học VinBigdata cho rằng, cần làm chủ các ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh để tận dụng nguồn dữ liệu của người Việt mà các ứng dụng nước ngoài khó “với” tới được.
Tại sự kiện Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy khẳng định, sẽ đẩy mạnh kết nối để tạo nên hệ sinh thái về trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ ở Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng của quốc gia.
Thái Sơn
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH tổ chức kỷ niệm 42 năm ngày ...
BHXH tỉnh Phú Thọ: Tăng cường các giải pháp thực hiện công ...
Tiếp nhận và bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản lý ...
(Video) BHXH Việt Nam chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao năng lực ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?