Chính sách bảo hiểm thất nghiệp – điểm tựa cho người lao động

26/08/2024 09:56 AM


Thời gian qua, việc thực hiện chính sách BHTN đã giúp người lao động (NLĐ) duy trì được cuộc sống khi bị mất việc làm; giúp người sử dụng lao động (NSDLĐ) không bị áp lực về tài chính vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm cho NLĐ, và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Theo Bộ LĐ-TB&XH, bình quân mỗi năm, cả nước chi trợ cấp thất nghiệp khoảng 10.000 tỷ đồng.

Chính sách BHTN – điểm tựa cho người lao động

Chính sách ưu việt

Đến nay, số người tham gia BHTN tăng qua các năm, bình quân hằng năm tăng 6,08%. Tỷ lệ số người tham gia BHTN so với lực lượng lao động trong độ tuổi tăng theo từng năm, đến năm 2023 tỷ lệ này là 31,6%, vượt so với mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW (đến năm 2021, khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN).

Cũng trong giai đoạn này, bình quân mỗi năm có 826.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp, cao nhất là năm 2020, có trên 1,087 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp (chiếm khoảng 6 - 8% số lao động tham gia BHTN).

Bình quân mỗi năm chi trợ cấp thất nghiệp khoảng 10.000 tỷ đồng. Xu hướng số tiền chi cho trợ cấp thất nghiệp năm sau sẽ cao hơn năm trước, vì số người tham gia tăng, mức đóng - hưởng tăng.

Tuy nhiên, theo Bộ LĐ-TB&XH, số chi trợ cấp thất nghiệp cao phần nào có nguyên nhân chính sách BHTN chưa thực sự gắn với thị trường lao động, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thoả đáng đến các giải pháp phòng ngừa thất nghiệp.

Trong khi đó, có 4 chế độ hỗ trợ NLĐ, là trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề và BHYT. Song, phần lớn NLĐ chọn nhận trợ cấp thất nghiệp.

Tính đến hết tháng 3/2024, có trên 14,6 triệu lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, chưa có quy định về việc sử dụng kinh phí từ Quỹ BHTN cho hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, mặc dù đây là chế độ của NLĐ, nên ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác tư vấn, giới thiệu việc làm.

Cũng tính đến hết tháng 3, cả nước có trên 261.600 người được hỗ trợ học nghề, số người được hỗ trợ học nghề theo xu hướng cùng với số người hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Chế độ hỗ trợ học nghề chủ yếu giải quyết nhu cầu học nghề cho người thất nghiệp, mà chưa có hỗ trợ cho NLĐ tham gia đào tạo, phát triển kỹ năng nghề, hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Hơn nữa, hỗ trợ chỉ là học phí học nghề, chưa có các hỗ trợ khác trong thời gian học nghề, dẫn đến khó khăn trong việc tham gia học nghề, nhất là với những người không hưởng trợ cấp thất nghiệp mà có nhu cầu.

Ngoài ra, chính sách BHTN cũng có chế độ hỗ trợ NSDLĐ, đó là hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ. Tuy nhiên, quy định tại Luật Việc làm hiện hành và các văn bản hướng dẫn về điều kiện hưởng quá chặt chẽ. Do đó, NSDLĐ khó khăn trong việc tiếp cận được với chế độ này. 

Công cụ quản trị thị trường lao động

Với lần sửa Luật Việc làm sắp tới, Bộ LĐ-TB&XH cho biết sẽ bổ sung chính sách BHTN, theo hướng hỗ trợ NSDLĐ và NLĐ duy trì việc làm, phát huy đầy đủ các chức năng của chính sách này, bảo đảm thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động.

Luật dự kiến bổ sung thêm biện pháp để hỗ trợ NSDLĐ từ Quỹ BHTN, trong vấn đề tuyển và sử dụng lao động, đặc biệt là đối với nhóm lao động đặc thù.

Theo đó, luật sẽ sửa đổi quy định về điều kiện hỗ trợ NSDLĐ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ, đảm bảo tính khả thi trong thực tế. Đặc biệt, bổ sung chế độ hỗ trợ NSDLĐ khi sử dụng NLĐ là người khuyết tật.

Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cũng sẽ được tăng cường hơn nữa, nhằm khắc phục tình trạng NLĐ chỉ nhận trợ cấp thất nghiệp. Đơn cử như: Bổ sung quy định về kinh phí thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm được lấy từ Quỹ BHTN theo giá tư vấn, giới thiệu việc làm.

Bổ sung quy định phạm vi hỗ trợ học nghề, bao gồm các khoá đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề; bổ sung quy định hỗ trợ tiền ăn đối với NLĐ trong thời gian tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề mà không hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp/hỗ trợ học nghề (bổ sung trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp/hỗ trợ học nghề)…

Chia sẻ về định hướng sửa đổi chính sách BHTN khi sửa Luật Việc làm lần này, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, mục tiêu của Quỹ BHTN là hỗ trợ NLĐ quay trở lại thị trường lao động nhanh nhất. Quỹ này sẽ như một “giá đỡ” quản trị cho thị trường lao động. Đây là nguyên tắc hàng đầu.

“Nếu hoạt động của Quỹ BHTN mà không giúp NLĐ quay trở lại thị trường mà cứ ngồi nhà chờ lĩnh trợ cấp thì coi như quỹ thất bại. Mục tiêu của quỹ là cung cầu được kết nối”, ông Bình nhấn mạnh.

Trong thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam luôn hướng tới mở rộng người tham gia BHTN

Chính vì thế, lần sửa đổi này, quỹ tiếp tục kế thừa quy định hiện hành, song thiết kế linh hoạt các chế độ hơn. Có chế độ để giúp NLĐ đảm bảo đời sống, an sinh xã hội trong thời gian thất nghiệp. Cùng với đó, về chế độ đào tạo, luật dự kiến mở rộng phạm vi hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và NLĐ với nhiều chiến lược bài bản hơn.

*** Chính sách BHTN được hình thành và bắt đầu từ năm 2006 khi Quốc hội khóa XI ban hành Luật Bảo hiểm xã hội. Trong khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam là nước thứ hai sau Thái Lan thực hiện chính sách BHTN.

Cùng với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH và các Bộ, ngành khác đã ban hành và liên tịch ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, đầy đủ cho chính sách BHTN đi vào vận hành trong thực tiễn.

Chính sách BHTN được hoàn thiện thêm một lần nữa vào năm 2013, khi Quốc hội ban hành Luật Việc làm , theo đó, các quy định liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp trong Luật BHXH 2006 được sửa đổi, bổ sung để khắc phục hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thi hành và được đưa sang Luật Việc làm…

Quá trình xây dựng và ban hành văn bản liên quan đến chính sách BHTN đã đảm bảo tính kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất giúp chính sách BHTN đi vào cuộc sống. Nhờ vậy, việc triển khai thực hiện BHTN đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu trong thời gian tới vẫn còn nhiều việc phải làm

Ngày 31/12/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2269/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp”. Theo đó, Đề án đặt mục tiêu cụ thể: Đến 2025, phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động tham gia BHTN; 100% người thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí khi có nhu cầu; 15% người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ đào tạo; hoàn tất việc kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu về BHTN giữa cơ quan lao động và cơ quan BHXH; 100% nhân sự thực hiện BHTN tại Trung tâm dịch vụ việc làm được đào tạo, có cấp chứng chỉ nghiệp vụ, bồi dưỡng chuyên sâu; Chỉ số đánh gía mức độ hài lòng của người tham gia BHTN đạt mức 85%… Giai đoạn đến năm 2030: Phấn đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; 20% người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ đào tạo; hoàn tất việc kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính, thuế, lao động để nâng cao hiệu quả quản lý và thực thi chính sách BHTN; 100% Trung tâm dịch vụ việc làm đạt tiêu chuẩn và được hiện đại hóa; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHTN đạt mức 90%.

Giai đoạn đến 2045: Phấn đấu đạt khoảng 55% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; 30% người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ đào tạo; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHTN đạt mức 95%.

Đồng thời, Đề án cũng đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp quan trọng, cụ thể cần triển khai thực hiện gồm: hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp; hoàn thiện hệ thống tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo tinh gọn, hiệu quả; hoàn thiện quy trình nghiệp vụ thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; đổi mới cơ chế tài chính về bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường cơ sở vật chất trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong tuyên truyền về bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp. Mục tiêu của Đề án là nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trong đó tập trung về tổ chức bộ máy và nhân sự, cơ chế tài chính của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả để chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực sự trở thành công cụ cụ thể quản trị thị trường lao động.

Minh An