Hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019 – 2023
15/05/2024 03:18 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 15/5/2024, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019 – 2023 với thành phần tham dự là đại diện các bộ, cơ quan ở Trung ương và đại diện Sở Tư pháp của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Quang cảnh Hội thảo
Công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) kỳ 2019 – 2023 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Tại Nghị quyết, Chính phủ đã xác định một trong những nhiệm vụ và giải pháp tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương là “Tổ chức triển khai thực hiện đúng quy định, có chất lượng công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thống nhất trong cả nước kỳ 2019 – 2023”; đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực, bố trí kinh phí và các điều kiện bảo đảm khác để triển khai công tác hệ thống hóa văn bản QPPL.
Đối tượng hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2019 -2023 bao gồm: các văn bản trong Tập hệ thống hóa của kỳ hệ thống hóa 2014 – 2018 và các văn bản được ban hành trong kỳ hệ thống hóa 2019 – 2023 (gồm cả văn bản được ban hành trong kỳ hệ thống hóa 2019 – 2023 nhưng chưa có hiệu lực) thuộc trách nhiệm hệ thống hóa văn bản QPPL của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác ở trung ương, UBND các cấp.
Phạm vi hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2019 – 2023 là tất cả các văn bản QPPL được ban hành đến hết ngày 31/12/2023 (trừ Hiến pháp) thuộc trách nhiệm rà soát, hệ thống hóa của các cơ quan, địa phương theo quy định của Luật ban hành văn bản QPPL và các văn bản hướng dẫn.
Tại dự thảo Báo cáo, Bộ Tư pháp đã tổng hợp thống kê tổng số văn bản QPPL còn hiệu lực; hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ; hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần và tổng số văn bản QPPL cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới.
Qua thông tin, báo cáo đánh giá của các bộ, ngành, địa phương về hệ thống văn bản QPPL cho thấy, các văn bản được ban hành cơ bản đã tuân thủ về trình tự, thủ tục, thể thức ban hành văn bản; nội dung của các văn bản khi xây dựng được chú trọng để bảo đảm không trái với các quy định trong văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp trên và phù hợp với điều kiện thực tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, dự thảo Báo cáo cũng đề cập đến một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện hệ thống hóa văn bản QPPL như việc xác định và tập hợp đầy đủ các văn bản QPPL phục vụ hệ thống hóa QPPL còn gặp nhiều khó khăn do dữ liệu lưu trữ chưa bảo đảm; việc đầu tư, bố trí các điều kiện bảo đảm cho công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL chưa đáp ứng được với yêu cầu như: chưa bố trí kinh phí thỏa đáng cho công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; một số cơ quan chưa thực sự quan tâm đến công tác pháp chế, việc áp dụng công nghệ thông tin vào thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL còn hạn chế.
Một trong những nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc là do nhận thức về trách nhiệm, tầm quan trọng của công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL của một số cơ quan chưa đầy đủ; có nơi vẫn còn coi đây chỉ là nhiệm vụ của cơ quan tư pháp và tổ chức pháp chế nên chưa chủ động, tích cực thực hiện nhiệm vụ, thiếu sự phối hợp giữa cơ quan chuyên môn với tổ chức pháp chế, cơ quan tư pháp làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng rà soát, hệ thống hóa văn bản.
Báo cáo kết quả hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2019 – 2023 dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 năm 2024. Trên cơ sở kết quả hệ thống hóa, Bộ Tư pháp đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản hoặc kiến nghị các cơ quan, người có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản để bảo đảm sự phù hợp thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đồng thời, cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường ý thức trách nhiệm trong công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, tiếp tục quan tâm chỉ đạo củng cố tổ chức, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm kinh phí phục vụ công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; đăng tải văn bản QPPL lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật đầy đủ, kịp thời và tăng cường truyền thông về kết quả hệ thống hóa kỳ 2019 – 2023./.
Vụ PC
Chi tiết >>
Lãnh đạo Ngành BHXH tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh thăm, tặng quà, làm ...
BHXH Việt Nam quyên góp hỗ trợ đồng bào bị thiệt ...
Bổ sung quy định mức chi thù lao tổ chức dịch vụ thu đối ...
Nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng ngành ...
BHXH tỉnh Lâm Đồng: Tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng ...
Tập trung các nguồn lực cho công tác thu, giảm số chậm ...
BHXH tỉnh Đắk Nông: Đoàn kết, đồng thuận, quyết tâm về đích ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?