Đánh giá các giải pháp công nghệ ADN, giọng nói, mống mắt phục vụ triển khai Luật Căn cước

07/02/2024 08:05 AM


Chiều 6/2, Bộ Công an tổ chức Hội thảo quốc gia lần thứ nhất đánh giá các giải pháp khoa học công nghệ sinh trắc học ADN, giọng nói, mống mắt phục vụ triển khai Luật Căn cước.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Hội thảo được tổ chức để các chuyên gia, cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến pháp lý, giải pháp hạ tầng kỹ thuật về nội dung sinh trắc học ADN, giọng nói, mống mắt.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) cho biết, từ ngày 1/7/2024, Luật Căn cước có hiệu lực với nhiều điểm mới so với trước đây và được bổ sung thêm thông tin sinh trắc học ADN, giọng nói, mống mắt. "Về lý thuyết, nếu người dân có yêu cầu, sẽ được tích hợp ADN trong thẻ căn cước mới", Đại tá Vũ Văn Tấn cho biết. Qua tìm hiểu từ các nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Trung Quốc, đều áp dụng ADN trong căn cước, dữ liệu về ADN. Hiện, trên thế giới cũng cho phép chia sẻ dữ liệu về sinh trắc (Hiệp ước châu Âu) trên tinh thần tự nguyện và phục vụ công tác tìm kiếm nạn nhân, phòng, chống tội phạm. 

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Tại hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an nhận định, việc triển khai các tiện ích công nghệ cho người dân đã được thực hiện đồng bộ, xuyên suốt với các ứng dụng, xác thực về sinh trắc, các tiện ích về chip trên thẻ căn cước, về định danh điện tử. Điều này đã thành công trong việc giảm và rút gọn các thủ tục hành chính, thân thiện với người dân.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc dẫn chứng thêm, hiện nay trên thế giới, nhiều nước đã xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về ADN, mống mắt, giọng nói phục vụ quản lý dân cư và phòng, chống tội phạm, thiên tai, thảm họa, tìm kiếm tung tích nạn nhân. Việt Nam đã từng bước tiếp cận, tuy nhiên còn nhiều khó khăn về tính pháp lý, hạ tầng công nghệ thông tin.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng khẳng định, là cơ quan được giao, Bộ Công an rất cầu thị, lắng nghe, tiếp thu đầy đủ những ý kiến của các đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế để bổ sung, đồng thời báo cáo Chính phủ lựa chọn phương án tối ưu, hiệu quả, chống lãng phí phục vụ phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. 

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu khẳng định sự cần thiết, ý nghĩa, vai trò to lớn của ADN, giọng nói, mống mắt trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời tập trung thảo luận, đánh giá sâu về các giải pháp khoa học công nghệ sinh trắc học ADN, giọng nói, mống mắt phục vụ triển khai Luật Căn cước.

Tại Việt Nam, 3 hệ thống gồm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống sản xuất, cấp căn cước công dân và xác thực định danh điện tử đã được triển khai đúng và trúng với thực tiễn của đất nước cũng như xu hướng quốc tế. Việc thực hiện những tiện ích công nghệ cho người dân trên thẻ căn cước công dân, định danh xác thực điện tử đã được đồng bộ, xuyên suốt, góp phần thành công trong cắt giảm những thủ tục hành chính; tạo văn minh xã hội; phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạch định, điều hành chính sách, quản lý của lãnh đạo, các cơ quan chức năng...

Bộ Công an khẳng định, khi đưa ra những quy định áp dụng sinh trắc học, cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, Luật Căn cước đã được thông qua và hiện nay cần bàn thảo để thực hiện hiệu quả. Trong quá trình xây dựng các quy định liên quan đến các giải pháp khoa học, công nghệ sinh trắc học tích hợp thẻ căn cước công dân, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội được giao thực hiện và sẽ tiếp tục cầu thị, lắng nghe các ý kiến góp ý với mục tiêu phục vụ nhân dân, phục vụ nhu cầu phát triển xã hội tốt nhất và hiệu quả nhất.

Theo TTXVN