Sớm đưa pháp luật vào cuộc sống

07/09/2023 08:25 AM


Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 6/9, các đại biểu đã nghe tham luận của các bộ, ngành, địa phương về nội dung này đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN

Nghiên cứu, xây dựng Luật Hoạt động giám sát của nhân dân

Về tình hình tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội được ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết: Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng đề án, tổ chức nghiên cứu và đề xuất xây dựng dự án Luật Điều chỉnh hoạt động từ thiện nhân đạo, dự kiến sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 11/2023; xây dựng kế hoạch nghiên cứu để đề xuất xây dựng dự án Luật Hoạt động giám sát của nhân dân.

Về phối hợp hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nghiên cứu, đóng góp ý kiến đối với gần 60 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đề án về tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

"Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì tổ chức 12 hội nghị, hội thảo với 230 lượt ý kiến góp ý. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh đã tổ chức hơn 51.000 hội nghị, hội thảo với sự tham gia đóng góp ý kiến của trên 1,3 triệu lượt góp ý kiến tâm huyết, sâu sắc. Bên cạnh đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhận được hơn 8,3 triệu ý kiến góp ý cụ thể vào từng điều khoản trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các tổ chức, cá nhân trong nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài", bà Trương Thị Ngọc Ánh cho hay.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã lựa chọn và thực hiện phản biện xã hội đối với các dự án: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật nhà ở (sửa đổi), Luật Thanh tra (sửa đổi). Đây là các dự án luật quan trọng, thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Hiến pháp năm 2013 về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Về một số đề xuất và giải pháp thực hiện trong thời gian tới, bà Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực tiễn để đề xuất lập đề nghị xây dựng Luật Hoạt động giám sát của nhân dân; Luật Điều chỉnh về hoạt động từ thiện nhân đạo; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sửa đổi; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật quan trọng đã có ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận.

Cùng với đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục thực hiện phản biện xã hội đối với các dự án luật theo hướng đảm bảo tăng tính đại diện trong thành phần tham gia phản biện xã hội, để các ý kiến phản biện xã hội phản ánh sâu rộng hơn ý chí, mong muốn của các tầng lớp nhân dân; giám sát việc tiếp thu các kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội sau phản biện...

Triển khai bài bản, kỹ lưỡng

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thành phố luôn quán triệt, thực hiện nghiêm các luật, nghị quyết của Quốc hội. Thành phố Hà Nội nhận được sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương nên đã thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tp. Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, thành phố và Bộ Tư pháp đang thực hiện xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023. Việc xây dựng dự án Luật nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô năm 2012; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn...

Việc xây dựng dự án Luật được thực hiện theo 3 quan điểm: Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho Thủ đô phải bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013; phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, quy định tương ứng trách nhiệm, cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền thành phố.

Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Hà Minh Hải cho biết, việc triển khai được tiến hành từ rất sớm, bài bản, chu đáo, kỹ lưỡng, bảo đảm các điều kiện để vận hành hiệu quả mô hình mới. Bộ máy chính quyền của thành phố được tinh gọn, tổ chức bộ máy chính quyền ở các quận và thị xã hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn... Kết quả ban đầu được dư luận cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô rất quan tâm, đánh giá cao.

Bên cạnh đó, việc thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân hàng đặc thù đối với thành phố Hà Nội quy định tại Nghị quyết số 115/2020/QH14 đã có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Các cơ chế, chính sách này đã giúp thành phố chủ động sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn các nguồn lực có sẵn; góp phần chia sẻ khó khăn và tăng cường sự đoàn kết, hợp tác giữa các quận, huyện, thị xã trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, hiện nay, thành phố đang tập trung triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 56/2022/QH15. Dự án đã khởi công vào ngày 25/6/2023, phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác, sử dụng năm 2027. Thành phố Hà Nội xác định, đây là một bước cụ thể hóa việc tập trung vào một trong 3 khâu đột phá chiến lược (phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, trước mắt ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối).

Kết quả đến nay, về công tác chuẩn bị đầu tư, UBND 3 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh đã phê duyệt 6/7 dự án thành phần giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng đường song hành.

Về công tác giải phóng mặt bằng, thành phố Hà Nội đã thu hồi 694,20/793,80 ha (đạt 87,45%), di chuyển 6.262/10.034 ngôi mộ (62,37%). "Đây là sự nỗ lực cố gắng của thành phố và đặc biệt là sự đồng thuận rất cao của người dân", ông Hà Minh Hải nói.

Phó Chủ tịch UBND thành phố chia sẻ một số bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Trong đó, phát huy vai trò người đứng đầu, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân; tăng cường phân cấp ủy quyền cho cơ sở. Thành phố đã ủy quyền cho các quận, huyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập...

"Thành phố Hà Nội rất mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy khai thác mọi tiềm năng, nguồn lực và tạo động lực mới để xây dựng, phát triển Thủ đô", Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.

Theo TTXVN