Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật

23/05/2023 01:43 PM


Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 23/5, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị việc lập Chương trình năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023 cần bảo đảm thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, cần quán triệt một số quan điểm, định hướng cơ bản.

Theo đó, ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án nhằm kịp thời triển khai thực hiện văn kiện Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết, kết luận chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương...; tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp, thực hiện các cam kết quốc tế, bảo đảm kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập; đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Việc đưa các dự án vào Chương trình phải tính đến đặc thù hoạt động của Quốc hội, quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc thực hiện tại mỗi kỳ họp; đặc biệt coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng...

Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, không bổ sung dự án vào Chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội, trừ trường hợp thực sự cấp thiết do yêu cầu của thực tiễn, để triển khai thực hiện nhiệm vụ lập pháp đã được đề ra trong Đề án Định hướng hoặc yêu cầu trong nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng mới được ban hành. Những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh và có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành luật điều chỉnh để bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật. Những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết, nhưng là vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm trong thực tiễn, chưa đạt sự đồng thuận cao thì tiếp tục nghiên cứu, làm rõ để đề xuất hoặc thực hiện thí điểm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Ảnh: TTXVN

Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo và đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh Chương trình năm 2023: Bổ sung 4 dự án luật, bao gồm: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản vào Chương trình năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và thông qua tại kỳ họp thứ 7; đồng thời, bổ sung dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng vào Chương trình năm 2023.

Đối với 3 dự án luật đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến, bao gồm: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung 3 dự án luật này vào Chương trình năm 2023 và thống nhất với đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo và đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình năm 2024 như sau: Trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 đối với 10 dự án, trong đó có 8 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Lưu trữ (sửa đổi), Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Hai dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Trong đó, đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, trên cơ sở xem xét thứ tự ưu tiên, cân đối số lượng các dự án bổ sung vào Chương trình năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đưa dự án Luật vào Chương trình năm 2024, cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Bên cạnh đó, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 đối với 9 dự án luật, bao gồm: Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật Địa chất và khoáng sản, Luật Phòng không nhân dân, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật như tiến độ do các cơ quan đề xuất.

Đồng thời, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 đối với 2 dự án luật, bao gồm: Luật Chuyển đổi giới tính và Luật Việc làm (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội đánh giá, việc lập chương trình xây dựng pháp luật ngày càng được nâng cao về chất lượng và tiến độ. Các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh được xem xét thận trọng, chặt chẽ hơn, chất lượng hồ sơ ngày càng được nâng cao. Quá trình thẩm tra, tham gia thẩm tra đề nghị xây dựng luật của các cơ quan của Quốc hội được tăng cường. Đặc biệt, hoạt động phản biện xã hội, ý kiến tham gia đóng góp ý của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên ngay từ khi lập đề nghị và trong suốt quá trình soạn thảo đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật./.

PV