Tổ chức Di cư Quốc tế đánh giá cao cam kết của Việt Nam nhằm bảo vệ quyền của NLĐ di cư

21/04/2023 02:02 PM


Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đánh giá cao những cam kết quan trọng của Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhằm bảo vệ quyền của người lao động di cư.

Bà Park Mihyung, Trưởng đại diện của IOM tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện

Bà Park Mihyung, Trưởng đại diện của IOM tại Việt Nam nhấn mạnh điều này tại Hội thảo tham vấn về Chương trình và hoạt động hợp tác trong lĩnh vực di cư lao động cho giai đoạn 2024-2028. 

Hội thảo do IOM tại Việt Nam và Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) phối hợp tổ chức, với sự tham dự của đại diện sở LĐTB&XH 9 tỉnh, thành phố có số người lao động làm việc ở nước ngoài cao.

Hội thảo tham vấn cấp cao mang đến cơ hội để các bên đánh giá hiệu quả về các hoạt động hợp tác hiện tại giữa IOM và Cục Quản lý lao động ngoài nước, đồng thời thảo luận các ưu tiên cho hoạt động hợp tác sắp tới trong lĩnh vực di cư lao động cho giai đoạn 2024-2028.

Khai mạc hội thảo, ông Đặng Sĩ Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước đánh giá cao các chương trình và hoạt động hợp tác đã triển khai với IOM tại Việt Nam, bao gồm hỗ trợ kỹ thuật, tài chính trong các hoạt động xây dựng và phổ biến luật, nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức của người dân về di cư lao động an toàn và bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Bà Park Mihyung nhấn mạnh cam kết của IOM trong việc hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển kỹ năng cho người lao động di cư, không chỉ tập trung mang đến cơ hội việc làm tốt hơn, mà còn nâng cao trải nghiệm di cư của họ.

Trưởng đại diện của IOM đánh giá cao Việt Nam trong việc tạo ra môi trường thuận lợi thúc đẩy di cư lao động an toàn nhằm mang lại lợi ích cho chính người dân, cộng đồng và sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam

"IOM đã hợp tác cùng Bộ LĐTB&XH trong nhiều lĩnh vực, bao gồm các dự án về di cư lao động, phòng chống mua bán người, sức khỏe di cư và phát triển kỹ năng cho người di cư, trong đó tập trung vào việc xây dựng năng lực, hỗ trợ củng cố chính sách và pháp luật dựa trên bằng chứng. Trong lĩnh vực di cư lao động, chúng tôi cũng chú trọng giải quyết những khó khăn mà người lao động di cư nữ thường phải đối mặt, đảm bảo bình đẳng giới và đề cao tiếng nói của họ trong mọi giai đoạn của hành trình di cư lao động", bà Park chia sẻ.

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã thảo luận về các ưu tiên cho hợp tác trong tương lai trong lĩnh vực di cư lao động tại Việt Nam, tập trung vào các hoat động nhằm nâng cao năng lực, củng cố pháp luật, tăng cường đối thoại với các quốc gia đến, hỗ trợ cải thiện định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin và tư vấn trước khi xuất cảnh, và hỗ trợ tái hòa nhập khi trở về cho người lao động di cư.

Các đại biểu cũng thống nhất các mục tiêu chung cho hợp tác trong tương lai nhằm đẩy mạnh di cư an toàn và hợp thức của người lao động di cư được trao quyền và nâng cao tay nghề.

Theo VGP