10 dấu ấn và sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2022

04/01/2023 09:40 AM


Trong năm 2022, Việt Nam đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ, vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.

1.Tăng trưởng GDP cao kỷ lục, kinh tế-xã hội phục hồi và phát triển mạnh mẽ

Năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực; kiên định, kiên trì thực hiện các chương trình, kế hoạch, mục tiêu đề ra; vừa nỗ lực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, vừa tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài và ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh, bám sát, nắm chắc tình hình, diễn biến, phản ứng chính sách kịp thời.

Trong năm 2022, kinh tế - xã hội phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực

Nhờ chúng ta chuyển đổi nhanh, kịp thời sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19, trong năm 2022, kinh tế - xã hội phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực (có 13/15 chỉ tiêu kế hoạch đạt và vượt, 1 chỉ tiêu xấp xỉ đạt). Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam.

Đặc biệt, tăng trưởng GDP ước đạt 8,02%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022 và cao hơn so với mục tiêu đề ra là 6-6,5%. Quy mô nền kinh tế lần đầu tiên vượt mốc 400 tỷ USD, đạt 409 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2022 tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Các ngành, lĩnh vực kinh tế đều tăng trưởng tốt. Sự phục hồi kinh tế diễn ra khá đồng đều giữa các địa phương, trong đó nhiều địa phương đạt tốc độ tăng trưởng cao.

Ước tính tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt gần 3,22 triệu tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước, cao nhất trong 5 năm qua. Phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc với 208.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 30,3% so với năm trước.

2. Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát

Trước bối cảnh công tác chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô ngày càng gặp nhiều khó khăn, Chính phủ xác định tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, cũng không hoang mang, dao động, ngược lại phải luôn bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành.

Tình hình kinh tế - xã hội Quý IV và năm 2022

Chính phủ kiên định mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa tập trung, mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; không chuyển trạng thái đột ngột (điều hành giật cục); nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án thích ứng hiệu quả. Tập trung nghiên cứu, điều hành cân bằng, hợp lý giữa tỉ giá với lãi suất; giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sát thực tiễn tình hình. Bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, an toàn hệ thống ngân hàng và an ninh tiền tệ.

Nhờ đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, tỉ giá tương đối ổn định; tỉ giá, lãi suất được điều chỉnh phù hợp; tính đến ngày 21/12/2022, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 12,87% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 12,53%).

Thu ngân sách nhà nước ước cả năm bằng 126,4% dự toán năm và tăng 13,8% so với năm trước. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia được kiểm soát an toàn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa chính thức đạt kỷ lục mới với 732,5 tỷ USD, xuất siêu 11,2 tỷ USD. Năng lượng đáp ứng đủ cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng với giá cả phải chăng. Lương thực, thực phẩm được bảo đảm; xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 53,2 tỷ USD. Thị trường lao động phục hồi nhanh, cơ bản đáp ứng nhu cầu lao động. 

3. Dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, chắc chắn trên phạm vi toàn quốc, không để "dịch chồng dịch"

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục chỉ đạo tăng cường thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch COVID-19; yêu cầu các ngành, các cấp, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, đặc biệt tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19; chỉ đạo từng bước khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị và nhân lực y tế.

Dịch bệnh được kiểm soát tốt trên phạm vi toàn quốc

Nhờ đó, dịch bệnh được kiểm soát tốt trên phạm vi toàn quốc, tỉ lệ chuyển nặng, tử vong thấp so với trung bình chung của thế giới (tỉ lệ tử vong do COVID-19 của Việt Nam là khoảng dưới 0,4%, thấp hơn trung bình của thế giới là 1,1%). Tỉ lệ bao phủ vaccine của Việt Nam đã ở mức rất cao và là một trong những biện pháp hiệu quả nhất, có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh.

Đồng thời, chủ động phòng, chống hiệu quả các dịch bệnh khác, không để "dịch chồng dịch" và bảo đảm nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân. Nhờ đó, Việt Nam đã mở cửa lại từ giữa tháng 3, tạo điều kiện thuận lợi phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

4. Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh, có bước phát triển mới, đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ hơn giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã ban hành gần 30 nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực được Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện ngày càng quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá mới, góp phần củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp. Ban Chỉ đạo Trung ương đã tập trung chỉ đạo xử lý 108 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Nhất là đã khởi tố mới, điều tra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội rất quan tâm xảy ra trong những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, xảy ra cả trong khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước. Khẩn trương đưa ra xét xử nhiều vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

Xử lý nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, theo đúng quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai"; đồng thời kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp theo phương châm: "Có vào, có ra, có lên, có xuống"; được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

5. Tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài, đạt hiệu quả bước đầu và giải quyết, ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh

Bên cạnh những thuận lợi, năm 2022, nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, đến từ cả những yếu tố bên ngoài lẫn nội tại bên trong của nền kinh tế, đặc biệt trong những tháng gần đây, khi áp lực lạm phát tăng cao; khó khăn về thanh khoản của nền kinh tế; tình trạng thiếu hụt cục bộ xăng dầu; giá xăng dầu, nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực. Nhiều vấn đề tồn đọng, tích tụ lâu dài, cần  tập trung  xử lý, tháo gỡ.

Chính phủ cùng các cơ quan liên quan đã tập trung chỉ đạo cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu và nhiều dự án thua lỗ kéo dài. Trong đó, đã có chủ trương, giải pháp để xử lý 04 ngân hàng thương mại yếu kém, chuyển giao bắt buộc và kiểm soát đặc biệt 1 ngân hàng. Đã có phương án xử lý đối với 5/12 dự án và đang rất tích cực xây dựng phương án  khả thi, tốt nhất có thể đối với 7/12 dự án còn lại và các dự án phát sinh khác. Bên cạnh đó, đã xử lý xong, đưa vào hoạt động các nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các vấn đề liên quan thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; từng bước giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, nhân lực y tế, giáo dục; ổn định mặt bằng giá cả, bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là các mặt hàng thiết yếu (điều chỉnh phù hợp chi phí, xử lý tình trạng thiếu hụt cục bộ nguồn cung xăng dầu).

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 6 Tổ công tác đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Ban Chỉ đạo liên ngành về ổn định hoạt động ngân hàng, các tổ chức tín dụng, Tổ công tác về ổn định thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực để phát triển lành mạnh, bền vững các loại thị trường, minh bạch nền hành chính, nền kinh tế và bảo vệ các nhà đầu tư, các định chế tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp chân chính hoạt động an toàn, bền vững, đúng pháp luật; tuyệt đối không để mất an toàn hệ thống, mất an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và các chủ thể liên quan theo đúng quy định pháp luật trong bất cứ hoàn cảnh nào.

6. Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế - khâu đột phá chiến lược

Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo; tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển; tạo môi trường thuận lợi, công khai, minh bạch, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp, người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu dự và thực hiện nghi thức khai trương Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Nhà nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tính đến cuối tháng 12/2022, Chính phủ đã tổ chức 9 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, thông qua 39 dự án, đề nghị xây dựng luật. Chính phủ đã trình Quốc hội 19 dự án luật, cơ bản bảo đảm tiến độ và chất lượng, 12 dự án luật đã được Quốc hội thông qua và 7 dự án luật đang được Quốc hội cho ý kiến.  Chính phủ đã ban hành gần 110 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 28 Quyết định quy phạm pháp luật.

Công tác xây dựng quy hoạch được chú trọng thúc đẩy; đã lập, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, một số quy hoạch quốc gia, vùng, địa phương. 

Việc rà soát, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế được triển khai tích cực, hiệu quả, dự kiến giảm 17 tổng cục, 8 cục, 145 vụ/ban, 22 đơn vị sự nghiệp công lập; ở địa phương, giảm 7 cơ quan chuyên môn và 6 tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh, 2.159 tổ chức bên trong cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập.

7. Công tác an sinh xã hội được triển khai thiết thực, kịp thời, hiệu quả

Đến nay, cả nước đã hỗ trợ khoảng 87.000 tỷ đồng cho khoảng 56 triệu lượt người dân, người lao động và hơn 730.000 lượt người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ được tổ chức chu đáo, trang trọng, ý nghĩa. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, BHXH, BHYT, BHTN.

Đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 4,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,5% so với năm 2021. Tỉ lệ nghèo tiếp cận đa chiều ước khoảng 3,6%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với năm 2021.

Những kết quả nói trên đạt được trong bối cảnh phải thực hiện nhiều giải pháp chính sách về miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế phí, lệ phí và tiền thuê đất cho người dân và doanh nghiệp (đến ngày 15/12 đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn đạt hơn 193.000 tỷ đồng).

8. Dấu ấn ngoại giao Việt Nam

Trong bối cảnh thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, tăng cường, góp phần củng cố, nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của nước ta và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thu hút nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước. Việt Nam được bầu là Phó Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc và thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (lần thứ hai).

Các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò ngày càng quan trọng của đất nước trên trường quốc tế, khẳng định Việt Nam tự tin phục hồi nhanh, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững, tiếp tục xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, cho thấy Việt Nam đang chuyển trạng thái trong quan hệ hợp tác với các nước, các đối tác, từ giai đoạn các đối tác chủ yếu là hỗ trợ Việt Nam vượt qua khó khăn, xóa đói, giảm nghèo, sang giai đoạn hợp tác bình đẳng, hai bên cùng có lợi.

Các hoạt động đối ngoại trong năm 2022 góp phần thực hiện thành công đường lối đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đóng góp vào xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, xu thế mở cửa và phục hồi sau đại dịch, xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong khu vực và trên thế giới.

9. Thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông vận tải chiến lược

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm, chỉ đạo kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo được chuyển biến tích cực trong triển khai xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia, nhất là hạ tầng giao thông vận tải. Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải đã chủ trì họp hằng tháng để chỉ đạo triển khai các dự án, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, cải thiện rõ rệt tiến độ các dự án.

Trong năm 2022, cơ bản hoàn thành 565 km đường bộ cao tốc, trong đó đã đưa vào khai thác 365 km và thông tuyến 200 km; khởi công xây dựng dự án Nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất. Phấn đấu đầu năm 2023, khởi công xây dựng 12/12 dự án thành phần với chiều dài 729 km của dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 và dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Trong năm 2023, phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng một số đoạn cao tốc, một số dự án đường sắt đô thị; nâng cấp mở rộng, khai thác lưỡng dụng một số sân bay, nghiên cứu nâng cấp, mở rộng theo phương thức PPP để khai thác lưỡng dụng đối với một số sân bay khác.

10. Tăng tốc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo

Hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cùng xu hướng chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được hình thành và bước đầu phát triển. Thực hiện cam kết giảm phát thải về 0 vào năm 2050, trong năm 2021-2022, Chính phủ đã ban hành "Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050" và  "Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030".

Trong các sự kiện đối ngoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn kêu gọi các đối tác quốc tế, các nhà đầu tư hỗ trợ mạnh mẽ để quá trình chuyển đổi năng lượng, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, thích ứng biến đổi khí hậu tại Việt Nam bảo đảm công bằng công lý, phù hợp với điều kiện một nước đang phát triển, trải qua nhiều năm chiến tranh, nền kinh tế đang chuyển đổi. Việt Nam cùng các nước G7 và các đối tác quốc tế khác thông qua tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác Chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP).

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực. Các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, liên thông với 47 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước; cấp hơn 76 triệu thẻ căn cước gắn chíp điện tử; đồng bộ trên 234 triệu thông tin tiêm chủng; kích hoạt gần 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử; xác định thông tin chính xác của gần 50 triệu thuê bao di động...; từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số. Dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng sâu rộng, hiệu quả.

Kinh tế số, xã hội số có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Có 99% số doanh nghiệp nộp thuế điện tử; 100% số doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng hoá đơn điện tử. Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Theo công bố tại Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2022 Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua (tăng 20 bậc), xếp vị trí 48/132 quốc gia và xếp vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á.

*** 10 dấu ấn và sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2022 do Báo điện tử Chính phủ bình chọn.

Theo VGP