Đại biểu Quốc hội đánh giá cao những kết quả trong việc thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT

23/10/2021 03:04 PM


Chiều 22/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sau khi làm việc tại Hội trường, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về Tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; Việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13.

 

Toàn cảnh Phiên họp tại Tổ 6 (nguồn: Internet)

Tổ 6 gồm các ĐBQH ở trung ương, ĐBQH chuyên trách thuộc 7 Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hà Giang, Phú Thọ, Thái Bình, Quảng Trị, Đắk Lắk; Đồng Tháp và Hậu Giang. Thảo luận về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020, các đại biểu tập trung cho ý kiến: Về ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện; Về công tác thanh tra, kiểm tra; Công tác phát triển đối tượng và việc thực hiện chính sách, chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; Tình hình kết dư các quỹ; Việc đầu tư các quỹ ;…

Góp ý tại phiên họp, đại biểu Lê Minh Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang kiến nghị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện và quản lý khám chữa bệnh BHYT; có giải pháp để người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế nhanh nhất, gần nhất với chất lượng tốt nhất.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp (nguồn: Internet)

Đồng tình với báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo của cơ quan thẩm tra, đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH đạt 95,71% chỉ tiêu đề ra; dự kiến đạt kế hoạch đề ra theo Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH là kết quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Nguyễn Hải Anh bày tỏ lo ngại về về tình hình thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần. Theo đại biểu, số người hưởng BHXH một lần có tốc độ tăng hơn so với năm trước, nếu con số này tiếp tục gia tăng thì ảnh hưởng đến tính bền vững của Quỹ BHXH. Ngoài ra, số nợ, chậm đóng BHXH có thể tiếp tục gia tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo, cũng đòi hỏi Chính phủ phải có giải pháp kịp thời tháo gỡ.

Cho ý kiến về công tác thanh tra, kiểm tra, đại biểu Ngô Trung Thành, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho rằng, việc chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính cả giai đoạn còn ở mức thấp, mới thu hồi 25,2% của tổng số tiền phải thu hồi; tại một số ít địa phương, vẫn còn tình trạng chưa linh hoạt trong việc áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế việc lạm dụng, trục lợi quỹ. Để khắc phục hạn chế này, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách BHXH, có giải pháp hữu hiệu để hạn chế tối đa tình trạng không chấp hành hoặc chấp hành chưa đầy đủ pháp luật về BHXH, trong đó đặc biệt lưu ý việc thực hiện các kiến nghị của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Phiên thảo luận Tổ 6 (nguồn: Internet)

Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, lần đầu tiên nội dung về thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT,…được đưa vào thảo luận Tổ và hội trường. Điều này thể hiện sự quan tâm của Quốc hội khóa XV đối với lĩnh vực này. “Đảng và Nhà nước ta coi BHXH, BHYT là phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội, có ý nghĩa chính trị xã hội và nhân văn lớn lao và những kết quả đạt được trong những năm qua thể hiện trong báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo của cơ quan thẩm tra rất sâu sắc, cụ thể; nhiều kết quả đạt được rất tiến bộ,…”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về BHYT, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đã đạt kết quả tiến bộ vượt bậc. Đánh giá cao sáng kiến của Chính phủ về hình thức BHYT hộ gia đình, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần tiếp tục phát triển mạnh mẽ hình thức này. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị phải ghi nhận vào Nghị quyết của Quốc hội kỳ này nội dung: Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 68/2013/QH13; Khẩn trương nghiên cứu trình Quốc hội dự án Luật BHYT (sửa đổi) và Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi).

Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu còn cho ý kiến về Kết quả thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội năm 2019 và năm 2020; Kết quả quản lý và sử dụng quỹ BHYT năm 2020. Về nội dung này, các đại biểu tập trung thảo luận 4 vấn đề: (1) Công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT, trong đó có giải pháp về tăng độ bao phủ BHYT đối với nhóm đối tượng theo hộ gia đình; (2)Trách nhiệm của trung ương và địa phương trong việc bảo đảm năng lực y tế tuyến cơ sở; giải pháp để sớm hoàn thành đầu tư nâng cấp trạm y tế xã; (3) Các khó khăn, thách thức đối với các cơ sở y tế công lập khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; (4) Thuận lợi, khó khăn và vướng mắc trong công tác khám bệnh, chữa bệnh BHYT, trong đó có khám chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19; thanh quyết toán BHYT và giám định BHYT.

Một số ý kiến đại biểu kiến nghị, Chính phủ quan tâm phân bổ ngân sách dành cho y tế đầu tư cho y tế cơ sở; đặc biệt là các trạm y tế ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện và quản lý khám chữa bệnh BHYT; Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.…/.

PV