COVID-19

Chính sách an sinh xã hội của Việt Nam: Kịp thời, thiết thực

09/08/2021 03:09 PM


Đây là khẳng định của bà Caitlin Wiesen- Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.

Theo bà Caitlin Wiesen, UNDP đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng triển khai các chương trình bảo trợ xã hội hỗ trợ người nghèo, NLĐ và DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. “Đặc biệt là gói hỗ trợ thứ hai trị giá 26.000 tỷ đồng vừa được ban hành tháng 7, rất kịp thời và thiết thực. Có rất nhiều nhóm đối tượng, trước không khó khăn nhưng hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng dịch lần này. Gói hỗ trợ thứ hai của Chính phủ đã kịp thời xác định hỗ trợ cho những đối tượng này”- bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.

Theo Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam, bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, UNDP còn nhận thấy các địa phương trên cả nước, nhất là các địa phương có dịch, cũng rất sáng tạo và chủ động khi thực hiện nhiều chương trình khác nhau, kịp thời hỗ trợ, giúp người dân ổn định cuộc sống trong thời gian giãn cách.

Ngoài ra, với kinh nghiệm từ những nước đã trải qua những đợt bùng phát dịch mạnh mẽ, bà Caitlin Wiesen khuyến nghị Việt Nam cần đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ người dân từ khâu xác định đối tượng cần hỗ trợ, lên danh sách, tiếp cận và trao hỗ trợ tới từng người dân. Đặc biệt, Việt Nam có thể đẩy nhanh quá trình này bằng số hóa.

Hình minh hoạ (nguồn: Internet)

"Chính phủ điện tử và số hóa các dịch vụ công là cực kỳ quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để đáp ứng các nhu cầu hàng ngày của công dân, cả các nhu cầu không liên quan đến Covid-19. Số hóa bảo trợ xã hội để có thể nhanh chóng triển khai, xác định và đáp ứng nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất. Đặc biệt là những người mới trở thành người nghèo do tác động của Covid-19"- bà Caitlin Wiesen nhận định.

TS.Kidong Park- Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cũng đánh giá cao công tác chống dịch của Việt Nam là đang đi đúng hướng; đồng thời đưa ra các khuyến nghị, giải pháp giúp các DN thực hiện duy trì hệ thống sản xuất an toàn trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy định của chính quyền Trung ương, Bộ Y tế và các địa phương.

Chia sẻ về tình hình phòng chống dịch và thời điểm kiểm soát được dịch, ông Hoàng Văn Ngọc- đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho biết, trước diễn biến dịch bệnh có xu hướng phức tạp, lan rộng, Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh để phòng chống dịch như: Giãn cách xã hội diện rộng tại 19 tỉnh khu vực phía Nam, Hà Nội và một số đơn vị hành chính của một số địa phương khác để giảm sự lây lan của dịch. Trên cơ sở đó, các biện pháp y tế đang được triển khai nhanh, rộng khắp như truy vết xác định nguồn lây để khoanh vùng cách ly, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng. Từ 29/4 đến 2/8 đã thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR cho 18.303.458 lượt người, chưa tính việc sàng lọc bằng test nhanh.

Việc xây dựng các BV dã chiến cũng liên tục được mở rộng, cùng với các trung tâm điều trị chuyên sâu nhằm giảm tử vong và quá tải cho hệ thống y tế. Việt Nam tiếp tục các chiến dịch lớn chưa từng có để tiêm vắc-xin cho người dân; từ 29/4 đến 2/8, Việt Nam đã tiêm được 6.959.197 liều, trong đó ưu tiên các đối tượng đang chống dịch ở tuyến đầu và ở vùng có dịch, với phương châm "tiêm đến đâu an toàn đến đó".