Đào tạo nguồn nhân lực dựa trên xu hướng, nhu cầu thị trường

31/12/2020 03:46 PM


Những năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng được Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm và đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhờ đó, năng suất lao động của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN.

Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao

Giai đoạn 2016 - 2020 năng suất lao động nước ta đạt 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Điển hình, năm 2019, năng suất lao động của Việt Nam đạt 110,4 triệu đồng/lao động (tương đương 4,791 USD, tăng 272 USD so với năm 2018). Sự bứt phá này đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất trong khu vực. Song song với đó, chất lượng lao động Việt Nam cũng từng bước được nâng cao, lực lượng lao động kỹ thuật đã làm chủ được khoa học - công nghệ, đảm nhận được nhiều vị trí công việc phức tạp trong sản xuất kinh doanh mà trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài…

Mặc dù năng suất Việt Nam đã được cải thiện song còn thấp và có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tính theo Sức mua tương đương (PPP 2011), năng suất lao động của Việt Nam năm 2019 chỉ bằng 7,6% mức năng suất của Singapre; 19,5% của Malyasia; 37,9% của Thái Lan; 45,6% của Indonesia; 56,9% của Philippines và 68,9% của Brunei. Nhóm ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo xây dựng và “logistics là những ngành có năng suất lao động thấp nhất.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Nguồn nhân lực chất lượng có vai trò nâng cao năng suất lao động

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng khiến năng suất lao động Việt Nam còn thấp là do chất lượng nguồn nhân lực hạn chế. Hiện tỷ lệ lao động 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo đang làm việc trong nền kinh tế dù tăng dần qua các năm nhưng còn thấp. Năm 2011 tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 15,4%; năm 2018 đạt 21,9% và đến nay mới chỉ đạt 24,8% (chưa đạt mục tiêu do đại hội IX của Đảng đề ra là 30%). Như vậy, cả nước hiện có tới 75,2% tổng số lao động chưa được đào tạo để đạt trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Việc lao động chưa được đào tạo chuyên môn ảnh hưởng lớn tới năng suất lao động, ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế xã hội. Rào cản này cũng khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong công tác tuyển dụng lao động có chất lượng cao.

Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 69% số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đang vấp phải khó khăn trong tuyển dụng cán bộ kỹ thuật có tay nghề để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trên thực tế, ở nhiều công ty, những vị trí đòi hỏi kỹ thuật cao vẫn còn phần lớn lao động nước ngoài đảm nhận. Cũng theo nghiên cứu của Viện Khoa học Lao động Xã hội cho thấy, hiện năng suất lao động ở Việt Nam và trình độ quản trị doanh nghiệp rất thấp và 2/3 người lao động đang thiếu hụt kỹ năng về lao động và kỹ thuật.

Ngân hàng Thế giới cũng từng đánh giá trình độ ngoại ngữ của nguồn nhân lực Việt Nam chưa cao. Chất lượng nguồn lao động còn hạn chế, người lao động cũng còn thiếu các kiến thức và kỹ năng làm việc theo nhóm, thiếu khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro và ngại phát huy sáng kiến. Bên cạnh đó, việc khai thác, sử dụng lao động đã làm việc và học tập ở nước ngoài trở về nước còn nhiều hạn chế, chưa tận dụng, phát huy được nguồn nhân lực này. Điều này đang gây ra lãng phí lớn nguồn nhân lực chất lượng cao.

Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, Việt Nam xếp thứ 84/137 quốc gia về kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học và xếp thứ 79/134 về năng lực đổi mới sáng tạo. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, công tác đào tạo nguồn nhân lực ở nước ta vẫn còn hạn chế, công tác tư vấn và định hướng nghề nghiệp của học sinh, sinh viên chưa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Phần lớn cơ sở giáo dục chỉ đào tạo những gì nhà trường có, chưa chú trọng đào tạo theo nhu cầu thị trường. Do vậy, người lao động làm việc không phù hợp với ngành nghề được đào tạo, không phù hợp với trình độ chuyên môn và tay nghề được đào tạo. Số liệu cho thấy trên 81% lao động có trình độ cao đẳng, trên 60 % số lao động có trình độ trung cấp, gần 24% số lao động có trình độ đại học trở lên làm các công việc có yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng thấp hơn so với trình độ chuyên môn kỹ thuật được đào tạo (theo bằng cấp/chứng chỉ). Mặt khác, có trên 35 % lao động làm các công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng cao hơn so với bằng cấp của họ. Như vậy, công tác đào tạo nguồn nhân lực của nước ta còn chưa phù hợp với thực tiễn và đang tạo khoảng cách lớn giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường.

Các chuyên gia nhận định: Trong khi các nước phát triển có tỷ lệ lao động trình độ cao ở những ngành nghề, lĩnh vực chủ lực lên tới trên 50% thì ở Việt Nam mới chỉ chiếm 9% đang đặt ra không ít thách thức trước xu thế hội nhập. Bởi lẽ khi các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp quốc tế vào Việt Nam muốn đầu tư vào những công đoạn cao hơn trong các chuỗi giá trị thì đều gặp phải trở ngại là thiếu hụt nguồn lao chất lượng cao.

Cần đặt ra những yêu cầu cao hơn về chất lượng nguồn nhân lực

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: những năm qua, việc bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực được Đảng và Nhà nước cũng như các địa phương, các cấp, các ngành quan tâm, tuy nhiên dù tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 60% nhưng tỷ lệ có chứng chỉ còn thấp.

Ảnh: Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Năm 2025 phấn đấu đạt tỷ lệ 40%-45% lao động qua đào tạo (nguồn: Internet)

Bộ trưởng cho biết, hiện nay trong xu hướng các nước phát triển đều tập trung vào 3 việc: Một là bồi dưỡng và nâng cao kỹ năng cho người lao động. Hai là tạo việc làm thỏa đáng. Ba là quan tâm đến an sinh bền vững. Trên cơ sở đó, tháng 5/2020, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 24 về Đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Trong đó, tập trung tranh thủ thời cơ dân số vàng, đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao nhằm nâng cao kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng nêu rõ, cần đi theo hướng phát triển lực lượng lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ phù hợp với thông lệ quốc tế. Thời gian tới, đưa chỉ tiêu lực lượng lao động qua đào tạo có chứng chỉ là tiêu chí bắt buộc, phấn đấu mỗi năm tăng 4% và đến năm 2025 đạt tỷ lệ 40% đến 45%, tương đương mặt bằng chung các nước phát triển. Trong hoạt động đào tạo nghề cần tăng cường chuyển đổi số, đào tạo trực tuyến, bồi dưỡng thường xuyên, trang bị cho người lao động kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, ngoại ngữ.

Ngành LĐ-TB&XH cũng cần làm tốt công tác dự báo cung-cầu về thị trường lao động, sắp xếp lại quy hoạch hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng và trả lương người lao động có chứng chỉ đào tạo, đào tạo lại những lao động trong doanh nghiệp chưa có chứng chỉ.

Đồng quan điểm với Bộ trưởng Đào Ngọc dung, đại biểu Mai Hồng Hải, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng cho biết: “Bộ trưởng đưa ra chỉ tiêu 5 năm tới nâng tỷ lệ qua đào tạo có chứng chỉ bằng cấp tăng 4%/năm để đến năm 2025 nước ta có thể đạt được tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40-45%. Tôi cho rằng đây là mục tiêu rất cao và với quyết tâm cũng rất cao của Chính phủ và các bộ ngành chức năng trong đó có Bộ LĐ-TB&XH.”

Ảnh: Đại biểu Mai Hồng Hải: Đào tạo nguồn nhân lực phải dựa trên xu hướng, nhu cầu thị trường (nguồn: Internet)

Bởi lẽ chúng ta thấy những năm gần đây, mỗi năm nước ta có tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ năm sau tăng hơn năm trước khoảng trên dưới 1% năm. Cụ thể năm 2011 tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 15,4% và đến nay mới chỉ đạt 24,8%. Như vậy, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đưa ra mục tiêu tăng 4% mỗi năm để đến năm 2025 đạt 40-45% tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ. Đây là mục tiêu rất lớn, do vậy đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phải có đề án hết sức cụ thể, phân định rõ trách nhiệm các Bộ ngành chức năng trong đó vai trò chủ đạo là Bộ LĐ-TB&XH. Đồng thời cũng cần đặc biệt quan tâm đến đề án hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục bởi hiện nay vấn đề này đang còn nhiều bất cập. Nếu không có giải pháp đột phá, sự vào cuộc thực sự cho vấn đề này thì mục tiêu rất khó đạt được như kỳ vọng.

“Ở đây tôi cũng rất chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khi đưa ra mục tiêu này, bởi trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trước xu thế hội nhập thì nhu cầu đỏi hỏi ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng với thức tiễn là hết sức cấp bách. Bởi với những lao động không có kỹ năng, tay nghề không cao sẽ dư thừa và thay thế bằng nguồn nhân lực chất lượng cao của các nước và sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật.” Đại biểu Mai Hồng Hải nhấn mạnh.

Trước những giải pháp Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đưa ra, đại biểu Mai Hồng Hải cũng cho rằng, trước cuộc cách mạng tự do hoá thương mại và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đây vừa là cơ hội để Việt Nam phát triển kinh tế, nhưng đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu cao hơn về chất lượng nguồn nhân lực. Cụ thể, với sự phát triển liên quan đến tự động hóa, số hóa, nhu cầu về kỹ năng thay đổi nhanh chóng, một số nghề sẽ biến mất, một số ngành nghè khác sẽ xuất hiện. Nguồn nhân lực cũng phải được chuẩn bị sớm hơn, cập nhật nhanh hơn và theo cách tiếp cận thực tế hơn, linh hoạt hơn. Nếu không ý thức được điều này, người lao động Viêt Nam sẽ thua ngay trên “sân nhà”.

PV