Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

21/05/2020 05:09 PM


Chiều ngày 21/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo thẩm tra Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Mục đích của việc sửa đổi Luật lần này, theo Tờ trình là hướng đến tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu và phải kịp thời bảo vệ, hỗ trợ lao động Việt Nam khi làm việc ở nước ngoài trong xu thế dịch chuyển lao động quốc tế, lao động di cư và  rủi ro phức tạp khó lường như chiến tranh, suy thoái kinh tế toàn cầu, dịch bệnh, trong đó dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Luật bảo đảm danh dự, nhân phẩm và các quyền tự do cơ bản của người đi lao động ở nước ngoài góp phần xây dựng hình ảnh của người lao động nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế; cung cấp các biện pháp cần thiết bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trước khi đi làm việc, khi làm việc ở nước ngoài và sau khi trở về nước.

Ảnh minh họa

Trình bày Thẩm tra Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (sửa đổi) trước Quốc hội, bà Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cơ bản tán thành về sự cần thiết, mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng Dự án luật và đề nghị Chính phủ, Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, thể chế đầy đủ các quan điểm, định hướng của Đảng về nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đặc biệt là đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; bảo đảm hài hòa trong việc quy định tăng cường quản lý nhà nước với việc thúc đẩy, phát triển hoạt động xuất khẩu lao động trên cơ sở nguyên tắc thị trường.

Cụ thể, theo bà Nguyễn Thúy Anh, để bảo đảm tính khả thi của dự án Luật, Ban Soạn thảo cần bổ sung đánh giá tác động về khả năng nguồn lực, khả năng ngân sách của nhà nước nhất là với các chính sách mới; đồng bộ giữa các nội dung sửa đổi của Dự án Luật với các quy định của các luật khác có liên quan. Ngoài ra, để bảo đảm thuận lợi trong việc triển khai Luật trên thực tế, cần cân nhắc hạn chế tối đa số điều khoản giao quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành hoặc tập trung giao trách nhiệm cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giảm các nội dung giao thẩm quyền cho Bộ trưởng LĐ-TB&XH quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành./.

PV