Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP

12/01/2020 05:38 PM


Sáng 11/01/2020, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về ATTP (ATTP). Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về ATTP cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành phố tại 63 điểm cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Ảnh VGP

Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng công tác bảo đảm ATTP thời gian qua, nhất là 3 năm thực hiện Chỉ thị 13 của Thủ tướng, văn bản được ban hành ngay sau hội nghị toàn quốc đầu tiên về ATTP của Chính phủ khi bắt đầu nhiệm kỳ mới (vào ngày 27/4/2016).

Nhiệm vụ quan trọng

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ  Đức Đam cho biết, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức khoẻ của nhân dân, nòi giống, sức cạnh tranh của nền kinh tế, năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường quốc tế. Đây cũng là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và từng người dân.

Do vậy, trước mắt cũng như lâu dài, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đòi hỏi sự phối hợp rất đồng bộ, chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, các đoàn thể, hiệp hội, đặc biệt là sự huy động nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia.

Từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ, sau khi Quốc hội thực hiện giám sát tối cao về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về quản lý ATTP và ban hành Nghị quyết 43 năm 2017, tình hình tới nay đã có chuyển biến tốt hơn rất nhiều. Không ít doanh nghiệp, hộ cá nhân, các gia đình đã tổ chức thực hiện tốt các quy định của pháp luật tham gia các phong trào vận động đảm bảo vệ sinh ATTP. Đó chính là những tấm lòng, trách nhiệm với cộng đồng ích nước, lợi nhà, vì mình, vì người cần được biểu dương nhân rộng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh VGP

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng cần nỗ lực nhiều hơn và liên tục với tinh thần trách nhiệm rất cao của các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân để mọi người dân Việt Nam được bảo đảm vệ sinh ATTP như các nước phát triển, hàng hóa thực phẩm trong nước có chất lượng như hàng hóa xuất khẩu sang các nước phát triển. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải ý thức đầy đủ trách nhiệm pháp lý và đạo đức của việc chủ động tham gia bảo đảm vệ sinh ATTP, cùng đấu tranh với các hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 13, cơ quan chức năng đã khởi tố 28 vụ với 42 bị can về tội vi phạm các quy định về ATTP và buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm. Đây là một điểm mới trong xử lý vi phạm ATTP so với trước khi có Chỉ thị 13. Từ năm 2017, tiêu chí bảo đảm ATTP đã được đưa vào là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Đã tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề nóng gây bức xúc trong nhân dân như sử dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản. Từ đầu năm 2017 đã không phát hiện các mẫu thịt nhiễm Salbutamol, tỷ lệ thực phẩm vi phạm các chỉ tiêu về kháng sinh giảm mạnh (năm 2018 chỉ còn 0,2%, so với năm 2016 là 1,76%).

Năm 2019, toàn quốc ghi nhận 76 vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 2.000 người mắc, 1.918 người đi viện và 8 trường hợp tử vong. So với năm 2018, số vụ giảm 32 vụ (29,6%), số mắc giảm 1.478 người (42,6%), số  đi viện giảm 1.135 người (37,2%), số tử vong giảm 9 người (52,9%).

Bộ Y tế cho biết, thách thức lớn nhất là sản xuất nhỏ lẻ (với trên 8 triệu hộ) với nhiều nguy cơ về ATTP, nhất là các thói quen, tập quán canh tác, sản xuất, mua bán, tiêu dùng nhỏ lẻ... đòi hỏi phải tiếp tục tuyên truyền vận động và nhất là thúc đẩy việc hợp tác, liên kết sản xuất quy mô lớn, chuyên canh, áp dụng quy trình tiên tiến. Việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong khu dân cư không đảm bảo ATTP vẫn hết sức khó khăn.

Thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, tình trạng thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn còn.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh VGP

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành chỉ thị, kế hoạch, giải pháp rất cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác ATTP đến tận cấp xã, để chuyển biến từ cơ sở, từ người sản xuất. Thủ tướng nêu rõ xử lý nghiêm vi phạm ATTP, hoặc xử lý hành chính hoặc hình sự, chứ không bỏ qua bất cứ vụ việc nào, chứ không chỉ tuyên truyền, giáo dục, vận động mà cả xử lý nghiêm. Theo Thủ tướng, thời gian qua, nhờ xử lý quyết liệt, mạnh tay mà nhiều vấn đề nóng, bức xúc về ATTP như sử dụng hóa chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật… đã hạ nhiệt.

Thủ tướng lưu ý, công tác bảo đảm ATTP còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ với trên 8 triệu hộ nông dân đưa đến nhiều nguy cơ mất ATTP. Tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng còn nhiều. Ý thức của một bộ phận người dân, doanh nghiệp còn kém.

Đưa ra một số định hướng, làm kim chỉ nam cho các hành động bảo vệ ATTP, Thủ tướng nêu rõ, quyền tiếp cận thực phẩm an toàn là quyền cơ bản của con người. Công tác bảo đảm ATTP phải được tăng cường, đây là trách nhiệm của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan chức năng.

Nhấn mạnh việc truyền thông đầy đủ về ATTP, Thủ tướng nêu rõ, không đẩy mạnh tuyên truyền, sao nhãng một bước thì ảnh hưởng lớn, gây chùn bước, thụt lùi không chỉ về ATTP mà cả các vấn đề khác như môi trường. Thủ tướng lấy ví dụ, vào lễ cúng Ông Công, Ông Táo sắp tới, người dân thường thả cá rồi vứt luôn cả túi nilon thì làm sao có môi trường tốt, do đó cần có tuyên truyền giáo dục thích hợp.

Sau Hội nghị này, Thủ tướng đề nghị VPCP tập hợp các ý kiến, hoàn thiện trình Thủ tướng ban hành một chỉ thị về tăng cường quản lý Nhà nước đối với ATTP./.

PV