Khai mạc Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

10/01/2020 05:21 AM


Chiều 09/01, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã khai mạc Phiên họp thứ 41- phiên họp khởi đầu của năm 2020. Theo dự kiến, phiên họp này sẽ diễn ra trong hai ngày 09-10/01.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban TVQH cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của 3 dự án Luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Đồng thời, xem xét, quyết định việc sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Riêng đối với Đề án xác định biên chế tối thiểu của Văn phòng Quốc hội, sắp xếp cơ cấu tổ chức Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu Lập pháp còn một số nội dung cần tiếp tục được nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh thêm; do đó Ủy ban TVQH chưa xem xét tại phiên họp này.

Ngay sau Lễ khai mạc, Ủy ban TVQH đã thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.

Trình bày báo cáo về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị giữ quy định về lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh như hiện nay. Một số ý kiến đề nghị đổi mới công tác lập Chương trình theo từng kỳ họp Quốc hội. Cũng có ý kiến đề nghị quy định trách nhiệm của Quốc hội trong việc quyết định chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh để các cơ quan trình làm căn cứ cho việc soạn thảo dự án.

Về vấn đề này, trong quá trình thảo luận còn có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã có sự đổi mới căn bản về quy trình lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo hướng tách bạch quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo dự án. Những tồn tại, hạn chế trong công tác lập Chương trình thời gian qua như ý kiến của các ĐBQH nêu một phần là do quy trình lập có nhiều điểm còn khá mới, các cơ quan chưa theo kịp; nhưng phần lớn là do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt. Do đó, không nên thay đổi quy trình, mà trong thời gian tới, Ủy ban TVQH và Chính phủ cần tập trung chỉ đạo, chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện.

Loại ý kiến thứ hai tán thành với đánh giá về những hạn chế trong lập và triển khai chương trình phần lớn là do khâu tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu tiếp thu một phần ý kiến của ĐBQH, làm rõ hơn trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc cho ý kiến, thông qua chính sách trong các dự án được đề nghị đưa vào Chương trình, để làm cơ sở cho cơ quan trình tiến hành việc soạn thảo.

Quang cảnh phiên họp

Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, quy trình lập Chương trình như hiện nay mới được sửa đổi và thực hiện trong thời gian ngắn. Việc quy định Quốc hội xem xét, quyết định về từng chính sách trong tất cả các dự án được đề nghị đưa vào Chương trình tuy thống nhất với quy trình hai bước trong lập Chương trình, nhưng để thực hiện được, đòi hỏi Quốc hội phải bố trí lượng thời gian lớn hơn nhiều cho việc xem xét, cho ý kiến đối với các chính sách này khi thông qua Chương trình. Như vậy, sẽ không phù hợp với quỹ thời gian của kỳ họp Quốc hội.

Tuy nhiên, có thể tiếp thu ý kiến ĐBQH nhằm đổi mới một bước công tác thẩm tra, cho ý kiến về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng lập dự kiến Chương trình trình Quốc hội. Theo đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban TVQH cho giữ quy trình xem xét, thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh tại kỳ họp Quốc hội cơ bản như hiện nay, nhưng có sửa đổi, bổ sung một số quy định về trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình lập dự kiến Chương trình.

Phát biểu ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, quy định về lập Chương trình xây dựng pháp luật nên giữ như hiện nay, tuy nhiên nên đi vào chiều sâu. Tất cả những sáng kiến, đề xuất chính sách, pháp luật muốn được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì cần phải có đề cương, trong đó phải giải quyết được những bất cập trong thực tiễn cuộc sống, những vấn đề trong thời buổi hội nhập và thể hiện được tư duy phát triển.

Liên quan đến việc bổ sung trách nhiệm của các cơ quan ban hành các văn bản hướng dẫn luật, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, dự thảo luật cần có quy định chặt chẽ về việc các cơ quan hữu quan phải có trách nhiệm đến cùng trong quá trình làm luật và ban hành văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn thực hiện luật. "Từ trước đến nay, chúng ta đều thấy luật có hiệu lực mà văn bản hướng dẫn chưa ban hành, khiến luật chậm đi vào cuộc sống. Đây là trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ và cần được làm rõ"- ông Hà Ngọc Chiến nói.

Kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Ủy ban TVQH hoan nghênh Ủy ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan để nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH để bước đầu giải trình, chỉnh lý dự thảo luật và báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban TVQH. Ủy ban Pháp luật cần phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến để chuẩn bị thật tốt dự án luật này để báo cáo Ủy ban TVQH tại phiên họp tiếp theo./.

TN