Nhân viên y tế Việt Nam đối mặt với nhiều áp lực và rủi ro

29/10/2019 04:46 PM


Theo thống kê sơ bộ của Công đoàn Y tế Việt Nam ở một số tỉnh và đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, cả nước có gần 2.000 đoàn viên là cán bộ y tế bị ung thư và mắc bệnh hiểm nghèo. Ngoài nguy cơ bệnh nghề nghiệp, các nhân viên y tế ngày nay còn phải đối mặt với nguy cơ bị bạo hành rất cao.

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo "An toàn vệ sinh lao động - phòng, chống bạo hành tại các cơ sở y tế" nằm trong chuỗi chương trình "Bảo vệ blouse trắng" do Công đoàn Y tế Việt Nam, Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức ngày 29/10, tại Hà Nội.

Nhiều nguy cơ nhiễm bệnh và bị bạo hành

TS.Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, môi trường làm việc của cán bộ y tế ở nước ta thuộc diện áp lực nhất vì quá tải, thiếu thốn về cơ sở vật chất và trang thiết bị… Họ đối mặt với nhiều rủi ro của những tác hại lây nhiễm và không lây nhiễm như: Hóa chất, nóng, tiếng ồn, bức xạ ion hóa, sóng siêu âm, các tác động đến da, căng thẳng về tâm lý, stress… Trong đó, các bức xạ ion hóa gây biến đổi gen, nhiễm sắc thể, can thiệp vào quá trình chuyển hóa làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư máu, da, xương và tuyến giáp.

Làm rõ hơn các nguy cơ, PGS.TS Doãn Ngọc Hải – Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường chia sẻ thêm, các nhân viên y tế luôn đối mặt với nhiều bệnh trong quá trình làm việc như HIV/ADIS nghề nghiệp, Sharp, lao, viêm gan B, viêm gan C, bệnh đường hô hấp, bệnh cơ xương khớp, tai nạn chấn thương nghề nghiệp do vật sắc nhọn, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân…

Nhân viên y tế Việt Nam đối mặt với nhiều áp lực và rủi ro. Ảnh minh hoạ, nguồn internet

Đặc biệt, ngoài nguy cơ bệnh nghề nghiệp, cán nhân viên y tế ngày nay cũng đang phải đối mặt với nguy cơ bị bạo hành rất cao, đang có xu hướng ngày càng gia tăng và nghiêm trọng về mức độ. Theo ThS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), chỉ từ năm 2010 đến tháng 5/2017, cả nước có ít nhất 26 vụ việc về mất an ninh, trật tự bệnh viện, trong đó năm 2014 có 7 vụ. Đã có hai trường hợp đoàn viên ngành y tế tử vong do bạo hành của người nhà bệnh nhân là bác sĩ Trần Văn Giàu, Bệnh viện đa khoa Vũ Thư - Thái Bình năm 2012, mới đây nhất là một đoàn viên là nhân viên bảo vệ tại Trung tâm Y tế Quế Sơn - Quảng Nam do ngăn cản vụ cãi nhau giữa người bệnh và người nhà.

TS. Phạm Thanh Bình nhận định, trong số các vụ bạo hành y tế, 70% nạn nhân là bác sỹ, 15% là điều dưỡng. 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sỹ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân, 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà. Những vụ bạo hành gây tâm lý bất an, thậm chí hoang mang, đối với cán bộ, nhân viên y tế.

Hãy cùng nhau hành động “bảo vệ Blouse trắng”

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam nhấn mạnh, ngành y tế hiện nay do thiếu nhân lực cục bộ nên nhiều nhân viên y tế phải làm việc với một điều kiện căng thẳng, nhiều người phải đứng mổ hàng chục giờ, xuyên đêm. Có nhiều nhân viên y tế có những giấc ngủ không ngon. Sự hy sinh thầm lặng của họ cần được trân trọng, chia sẻ và cần được cả xã hội bảo vệ.

Đặt câu hỏi "Ai sẽ bảo vệ và chăm lo cho nhân viên y tế?”, ông Hiểu kêu gọi: “Hãy cùng nhau hành động “bảo vệ Blouse trắng” để cán bộ, nhân viên y tế yên tâm làm tốt công việc của mình, bảo vệ sức khỏe của người dân được tốt hơn”. Ông Hiểu mong muốn, qua triển khai chương trình “Bảo vệ blouse trắng năm 2019”, mỗi một nhân viên y tế được chăm lo, sẽ có thêm nhiều người dân được bảo vệ sức khỏe.

Tới đây, Công đoàn Y tế Việt Nam sẽ tiếp tục kiểm gia, giám sát và đưa ra phương án phòng bạo hành cho cán bộ y tế vào tiêu chí chấm điểm công đoàn cơ sở vững mạnh. Công đoàn cũng sẽ trao đổi thông tin hai chiều với Bộ Y tế, Tổng hội Y học Việt Nam nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của đoàn viên công đoàn trong ngành y tế để kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền./.

PV