Quốc hội thảo luận về Luật dân quân tự vệ (sửa đổi)

28/10/2019 12:08 PM


Bước vào tuần làm việc thứ 2 của chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, sáng 28/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Trong đó, độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ (DQTV) trong thời bình; điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp... là các nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Ảnh nguồn quochoi.vn

Đối tượng được tạm hoãn DQTV

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật DQTV (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, đa số ý kiến cơ bản tán thành với dự thảo, song có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ DQTV trong các trường hợp: Khi có một người trong gia đình đang tham gia lực lượng dân quân tự vệ; người đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; hộ cận nghèo; quân nhân phục viên, xuất ngũ chuyển ngành. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể thời gian tạm hoãn…

Về vấn đề này, theo Chủ nhiệm Võ Trọng Việt, trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật DQTV hiện hành, dự thảo Luật đã mở rộng diện đối tượng được tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV để tương thích với một số đối tượng được tạm hoãn, miễn tại Luật Nghĩa vụ quân sự, nhằm cụ thể hóa chính sách ưu đãi đối với gia đình người có công với cách mạng, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn... tạo điều kiện cho công dân học tập, phát triển kinh tế gia đình, ổn định đời sống. Đồng thời không ảnh hưởng đến việc tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV, vì nhu cầu tổ chức DQTV chỉ chiếm khoảng 3,5% so với tổng số công dân trong độ tuổi.

Với “trường hợp trong gia đình có nhiều người trong độ tuổi, người trong hộ cận nghèo; quân nhân phục viên, xuất ngũ chuyển ngành chưa xếp vào đơn vị dự bị động viên không thuộc diện chính sách ưu tiên nếu tạm hoãn, miễn cho họ sẽ không bảo đảm công bằng về quyền và nghĩa vụ của công dân”, ông Việt nói.

Về đề nghị quy định cụ thể thời gian tạm hoãn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự thảo Luật chỉ quy định tiêu chí, điều kiện tạm hoãn cho từng đối tượng nên khi không còn tiêu chí, điều kiện này thì công dân vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV.

Nâng độ tuổi và thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV

Một số ý kiến đề nghị nâng độ tuổi và thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV cho phù hợp với dự kiến nâng độ tuổi nghỉ hưu; một số ý kiến đề nghị giảm độ tuổi và thời hạn tham gia DQTV.

Giải trình về nội dung này, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt nêu rõ: Quy định độ tuổi tham gia DQTV cơ bản kế thừa Luật DQTV hiện hành, đã thực hiện ổn định và thực tế, không phải tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong độ tuổi đều được tuyển chọn tham gia DQTV. Việc dự thảo Luật quy định kéo dài độ tuổi và thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV nhằm khắc phục một số nơi thiếu người để tổ chức đơn vị DQTV và thu hút công dân có kinh nghiệm, khả năng vào phục vụ trong DQTV. Mặt khác, nhu cầu tuyển chọn công dân vào DQTV không lớn. Nếu tăng độ tuổi lên 5 năm và kéo dài thời hạn đến hết độ tuổi lao động sẽ không phù hợp với hoạt động quốc phòng, quân sự, phát sinh chi phí quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV.

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) kiến nghị cần quy định rõ độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV đối với các lực lượng tự vệ từ các cơ quan, đơn vị có tính ổn định về nhân sự theo quy định của Bộ luật Lao động. Mặt khác, đại biểu cũng đề nghị, ban soạn thảo cần đánh giá tác động toàn diện về độ tuổi, đối chiếu với Bộ luật Lao động đang được sửa đổi để quy định cho phù hợp nhằm tận dụng trình độ chuyên môn kỹ thuật cao đối với lực lượng DQTV, nhất là đối với một số lĩnh vực như: Phòng không không quân, pháo binh, hóa binh, công binh và y tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) thì cho rằng, theo quy định tại dự thảo Luật, độ tuổi thực hiện nghĩa vụ DQTV với nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45; nữ từ đủ 18 đến hết 40 tuổi, nếu tình nguyện có thể kéo dài đến hết 50 với nam và 45 với nữ. Đại biểu đồng tình với quy định điều chỉnh độ tuổi cao hơn để phù hợp với sự phát triển của xã hội. 

Bày tỏ sự đồng tình với ý kiến, đại biểu Trần Văn Mão (Đoàn Nghệ An) kiến nghị cần mở rộng hơn thời gian tự nguyện tham gia lực lượng này. “Sau khi hoàn thành nghĩa vụ DQTV, công dân thực hiện tốt, có nhu cầu, tâm huyết được phục vụ thêm thì nên tạo điền kiện để bổ sung lực lượng. Thực tế nhiều địa phương thiếu hụt nguồn lực nên việc khuyến khích kéo dài tuổi tham gia với lực lượng này là hết sức quan trọng”, đại biểu phân tích.

Toàn cảnh kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khoá XIV sáng ngày 28/10. Ảnh nguồn quochoi.vn

Bổ sung trách nhiệm, nghĩa vụ thành lập DQTV trong doanh nghiệp

Cũng trong báo cáo, ông Võ Trọng Việt cho biết, việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp đã có tại Điều 19 Luật Dân quân tự vệ và các Nghị định của Chính phủ, quá trình thực hiện đã đạt được kết quả nhất định.

Bày tỏ băn khoăn với việc thành lập tổ chức tự vệ tại doanh nghiệp, theo đại biểu Lý Tiết Hạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, trong những năm qua việc thành lập đơn vị tự vệ trong các doanh nghiệp nhất là tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng việc thành lập đơn vị tự vệ là trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh cũng cho hay, hiện nay nhiều thanh niên thoát ly, đi làm ăn xa rất đông nên tình trạng lực lượng thanh niên tại địa phương không nhiều, còn doanh nghiệp ngoài nhà nước thì lại thu hút được lượng lớn thanh niên trẻ khỏe có trình độ. Do đó, để phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược Bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới, đại biểu Lý Tiết Hạnh đề nghị, việc tổ chức, duy trì lực lượng DQTV tại các doanh nghiệp là cần thiết để bảo đảm bình đẳng về trách nhiệm, nghĩa vụ giữa các loại hình doanh nghiệp với công tác bảo đảm an ninh quốc phòng tại địa phương. Theo đó, dự thảo Luật cần bổ sung trách nhiệm, nghĩa vụ phải thành lập đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp; trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong chấp hành phân công, điều động khi có yêu cầu; đồng thời cân nhắc quy định về kinh phí bảo đảm.

Bày tỏ tán thành với ý kiến của đại biểu Lý Tiết Hạnh về thành lập lực lượng tự vệ tại doanh nghiệp, đại biểu Bùi Xuân Thống – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho biết thêm, từ thực tiễn tại Đồng Nai cho thấy, việc thành lập lực lượng tự vệ tại doanh nghiệp sẽ góp phần đảm bảo an ninh trật tự tốt hơn. Đây cũng là lực lượng tại chỗ góp phần thực hiện nhiệm vụ phòng chống cháy nổ.

Theo Chương trình, cuối phiên họp sáng, Quốc hội sẽ họp riêng nghe Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo về công tác đối ngoại của nhà nước năm 2019. Trong phiên làm việc chiều, các đại biểu Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và thảo luận về dự án luật này./.

PV (t/h)