Tăng cường quản lý các bệnh không lây nhiễm ở cơ sở

28/10/2019 10:42 AM


Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn đưa ra tại Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ VIII năm 2019 do Bộ Y tế phối hợp Tổng hội Y học Việt Nam vừa tổ chức với chủ đề “Quản lý các bệnh không lây nhiễm tại y tế cơ sở ở các nước Đông Nam Á”.

Các bệnh không lây nhiễm gây ra 73% các trường hợp tử vong hằng năm

Theo thống kê, bệnh không lây nhiễm (BKLN) đang trở thành nhóm bệnh có số lượng tử vong cao nhất trên thế giới với khoảng 40 triệu người tử vong hằng năm, chiếm 70-75% số lượng tử vong trên toàn cầu và vẫn đang tiếp tục tăng lên. Các BKLN chính gây ra các tử vong này là: Bệnh tim mạch (chiếm 44% trong tổng số tử vong do BKLN và 31% tử vong toàn cầu); ung thư (chiếm 22% tổng số tử vong do BKLN, 16% tử vong toàn cầu); bệnh phổi mạn tính (chiếm 9% tổng số tử vong do BKLN, 7% tử vong toàn cầu) và đái tháo đường (chiếm 4% tử vong do BKLN và 3% tử vong toàn cầu).

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, tại Việt Nam, BKLN cũng là nhóm bệnh tật có tỷ lệ tử vong cao nhất, cứ 10 người tử vong thì có 7 người mắc và tập trung ở các bệnh như tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi mạn tính. Ước tính, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 12,5 triệu người bị tăng huyết áp; 3,5 triệu người bị bệnh đái tháo đường; 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mạn tính và gần 126 nghìn ca mắc mới ung thư… Các BKLN gây ra 73% các trường hợp tử vong hằng năm, trong số đó có đến 40% tử vong trước 70 tuổi.

Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều người dân chưa có ý thức phòng ngừa bệnh, vẫn còn 45% dân số nam giới hút thuốc lá, 77% dân số uống rượu, chế độ dinh dưỡng không phù hợp, số người thừa cân béo phì không ngừng tăng. Bên cạnh đó, người dân Việt Nam sử dụng muối cao gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (9,4gram/ngày). Tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, nguy cơ tim mạch, ung thư, tâm thần được phát hiện sớm và quản lý điều trị còn thấp, chỉ dưới 50%...”.

Tại Hội nghị, PGS.TS.Nguyễn Thị Xuyên, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Y học Đông Nam Á, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam nhấn mạnh, các BKLN gây tàn phế nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị, theo dõi, chăm sóc lâu dài theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Để ứng phó với căn bệnh này, Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ các Nghị Quyết, Chương trình hành động, Đề án về tăng cường y tế cơ sở để đáp ứng với bệnh không lây nhiễm. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2013-2020; trong Chương trình Sức khỏe Việt Nam được công bố vào tháng 02/2019 thì phòng, chống bệnh không lây nhiễm là một ưu tiên chính. Đến nay, Việt Nam đạt được 9/19 chỉ số đánh giá tiến độ và năng lực đáp ứng quốc gia về phòng chống BKLN./.

PV