Đảm bảo tất cả trẻ em Việt Nam có thể phát triển một cách tối ưu
16/10/2019 04:34 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 16/10 tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với UNICEP tổ chức Hội nghị công bố báo cáo tình trạng trẻ em toàn cầu năm 2019, khung hành động cải thiện dinh dưỡng bà mẹ và thực hành cho trẻ ăn bổ sung ở Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đại diện UNICEF ký cam kết ủng hộ cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em Việt Nam.
25% trẻ em Việt Nam bị thấp còi do suy dinh dưỡng
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, công tác đảm bảo dinh dưỡng đối với bà mẹ, trẻ em được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm. Việt Nam đã tham gia nhiều cam kết quốc tế, cũng như ban hành và thực hiện hiệu quả nhiều chính sách, chương trình, đề án về công tác này. Tuy nhiên, trong thực tế việc bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ em vẫn còn nhiều vấn đề cần được cải thiện (cả về mặt nhận thức của người dân, xây dựng chính sách,…) trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng dẫn chứng về thói quen ăn uống bất hợp lý của người Việt: Hiện có tới 57% người Việt Nam ăn thiếu rau, thừa muối, thừa bia rượu… chưa kể là thiếu vi chất (vitamin, I ốt,…). Rất nhiều người mắc bệnh do ăn uống không hợp lý và điều này hoàn toàn không phải là do thiếu thốn về tài chính.
Đối với trẻ em Việt Nam, tình trạng thấp còi, suy dinh dưỡng đang cao hơn trung bình nhiều nước trên thế giới cũng như trong khu vực: 25% trẻ em Việt Nam bị thấp còi do suy dinh dưỡng, thậm chí con số này ở vùng miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên lên tới 30% , trong khi đó ở khu vực châu Á, Thái Bình Dương chỉ là 8%. Mấy chục năm qua, chiều cao của người Việt mới chỉ cải thiện được vài cm…
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu là phải giảm bằng được các chỉ số yếu kém về dinh dưỡng trên xuống mà trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về dinh dưỡng. Việc tuyên truyền phải dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học, đồng thời cũng phải có cách làm gần gũi, dễ hiểu để người dân dễ tiếp thu và thay đổi những hành vi bất hợp lý của mình.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan hữu trách cần hợp tác chặt chẽ với chuyên gia nước ngoài, các tổ chức quốc tế để tham khảo, nghiên cứu xây dựng và đề xuất và triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, đề án, chương trình hợp lý về dinh dưỡng;…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị
Nhấn mạnh vấn đề đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em ở miền núi và các vùng khó khăn, Phó Thủ tướng cho biết, tỷ lệ trẻ em miền núi bỏ học có nguy cơ gia tăng nếu như chúng ta không có giải pháp hỗ trợ về dinh dưỡng. Bởi đa số nhà các cháu ở xa trường, nếu buổi trưa phải đi bộ về nhà ăn cơm là buổi chiều các cháu bỏ học. Chúng ta cần phải có giải pháp hỗ trợ để ít nhất các cháu đến trường, ngày học hai buổi được ăn một bữa trưa đủ dinh dưỡng, có như vậy chất lượng giáo dục mới được nâng lên. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan sớm bắt tay nghiên cứu, xây dựng một đề án cụ thể về vấn đề này. Và trước hết có thể tiến hành làm thí điểm ở miền núi, vùng khó khăn.
“Viên đạn thần kỳ” để thúc đẩy sự phát triển bền vững trong tương lai
Phát biểu tại hội nghị, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện của UNICEF tại Việt Nam cho biết, báo cáo năm nay đưa ra góc nhìn mới mẻ về tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em toàn cầu, đồng thời đề xuất các giải pháp tập trung ưu tiên dinh dưỡng cho trẻ để phát triển nguồn vốn con người (cả về thể chất và tinh thần).
Theo đại diện UNICEF, thực tế cho thấy, nếu chúng ta chỉ cần đầu tư 1 USD chi phí dinh dưỡng cho trẻ trong 1000 ngày đầu đời thì tương lai chúng ta sẽ thu lại được 18 USD. Ngược lại, không được đảm bảo dinh dưỡng, thì ngay từ tấm bé, trẻ đã bị ảnh hưởng tiêu cực về sức khỏe, thể chất, học lực,… còn hệ lụy về sau là năng suất lao động kém, dễ mắc bệnh tật, nghỉ hưu sớm, tuổi thọ thấp…. Và dinh dưỡng cho trẻ chính là “viên đạn thần kỳ” để thúc đẩy sự phát triển bền vững trong tương lai.
Theo UNICEF, ở Việt Nam, phụ nữ và trẻ nhỏ đang chịu nhiều gánh nặng về suy dinh dưỡng. Cụ thể là, hiện có tới 10,3% phụ nữ bị nhẹ cân; 23,9% có tầm vóc thấp bé; 25,5% thiếu máu; 9,8% chị em bị thừa cân hoặc béo phì. Trong thời kỳ mang thai và cho con bú, nhu cầu dinh dưỡng của người mẹ tăng lên đáng kể dẫn tới 33% bị thiếu máu, 80% bị thiếu kẽm… Những phụ nữ khi mang thai mà nhẹ cân hoặc thiếu hụt chất dinh dưỡng, các em bé sinh ra có nguy cơ tử vong cao hơn, dễ mắc bệnh, bị thấp còi, suy giảm trí tuệ và sau này dễ mắc các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch,…
Còn đối với trẻ em, tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi tăng cao nhanh chóng khi trẻ đến giai đoạn 6 tháng tuổi. Do lúc này sữa mẹ không thể cung cấp đủ nhu cầu năng lượng, protein, vitamin, khoáng chất. Trong khi đó việc cho trẻ ăn bổ sung lại không được chú ý đầy đủ hoặc thực hiện không hợp lý,… kết quả là có tới 23,85 trẻ em Việt Nam dưới năm tuổi bị thấp còi; 5,8% gầy còm; 28% thiếu máu; 5,9,% trẻ bị thừa cân…
Từ những số liệu trên, UNICEF khẳng định rằng, việc đảm bảo cho người mẹ được cung cấp dinh dưỡng một cách hợp lý là điều rất quan trọng cho sức khỏe và tinh thần của chính họ và con cái của họ. Đồng thời cần có hành động để cải thiện tình trạng cho trẻ ăn bổ sung để giải quyết tình trạng thấp còi và đảm bảo rằng tất cả trẻ em Việt Nam có thể phát triển một cách tối ưu./.
PV
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Lãnh đạo Ngành BHXH tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh thăm, tặng quà, làm ...
Sóc Trăng phát động Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu chính ...
Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh làm việc tại BHXH tỉnh Long ...
Lương hưu – Nền tảng cho cuộc sống ổn định khi về già của ...
Tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngành BHXH ...
Bình Thuận đạt và vượt chỉ tiêu chi trả các chế độ BHXH, ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?