Định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

05/09/2019 09:36 AM


Ngày 4/9/2019, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo “Định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đồng chủ trì Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo. Nguồn ảnh: Tạp chí Cộng sản

Hội thảo “Định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được tổ chức với mục đích cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn nhằm tổng kết, đánh giá thực trạng xây dựng hệ thống pháp luật hiện nay và thực tiễn thi hành, từ đó đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết số 48 - NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã đề ra trong gần 15 năm thực hiện, đánh giá những mục tiêu còn nguyên giá trị, cần tiếp tục thực hiện, cũng như những mục tiêu cần có sự điều chỉnh trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, đề xuất các định hướng, giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. 

Hội thảo tập trung thảo luận ba nội dung chính:

Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong đó, chú trọng các vấn đề như: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị: Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát, Mặt trận Tổ quốc, chính quyền địa phương...; hoàn thiện pháp luật về công chức, công vụ trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa…

Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân. Trong đó, chú trọng các vấn đề như: Hoàn thiện pháp luật về quyền dân sự, chính trị; pháp luật về quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực: kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo; pháp luật về quyền giám sát của cơ quan dân cử, của công dân và vấn đề bảo đảm sự tham gia của công dân vào quản lý nhà nước và xã hội… 

Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, chú trọng các vấn đề như: hoàn thiện pháp luật về quyền tự do kinh doanh; pháp luật về quyền sở hữu; pháp luật về doanh nghiệp; pháp luật về việc tạo lập đồng bộ cho các thị trường; pháp luật về hệ thống tài chính và thị trường chứng khoán ở nước ta hiện nay./.

PV