100% dân số được tiếp cận với chương trình chống lao

03/09/2019 12:19 PM


Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Giao ban sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2019 của Chương trình Chống lao Quốc gia vừa được tổ chức tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến dự và phát biểu tại hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị

Theo Báo cáo tại hội nghị, sáu tháng đầu năm 2019, Chương trình Chống lao quốc gia đã phát hiện 50.645 bệnh nhân lao các thể, đạt tỷ lệ phát hiện khoảng 52/100,000 dân và điều trị thành công cho hơn 90% số bệnh nhân lao mới và tái phát phát hiện được. Ước tính cả năm Chương trình sẽ đạt được 100% các chỉ tiêu đã đặt ra với Chính phủ và Bộ Y tế về tỷ lệ phát hiện và điều trị thành công cho bệnh nhân lao, duy trì củng cố mạng lưới chống lao, đảm bảo chất lượng hoạt động Chương trình chống lao trong bối cảnh cơ cấu lại tổ chức tại một số tỉnh, thành phố chưa có bệnh viện chuyên khoa Lao và Bệnh phổi.

Chương trình vẫn duy trì tốt mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%. Mạng lưới chống lao tiếp tục được mở rộng và củng cố. Hiện nay 48 trên 63 tỉnh, thành trên toàn quốc đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Lao và bệnh phổi.

Chương trình chống Lao đã tiếp tục triển khai các hoạt động phát triển mạng lưới phối hợp với các đối tác như: Bộ Công an; Cục phòng chống HIV/AIDS; WHO; KNCV; CDC: URC; CHAI, các bệnh viện đa khoa tuyến Trung ương, tuyến tỉnh và nhiều đối tác khác  như Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Cục Y tế - Bộ Công an; Tổ chức các đối tác Phòng chống lao (VSTP) cùng với CTCLQG đã phát huy vai trò và hiệu quả trong tháng hành động phòng chống lao, công tác huy động xã hội, với nhiều hình thức: mít tinh diễu hành, truyền thông trên nhiều kênh thông tin đại chúng.

Đặc biệt, Quỹ PASTB đã phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB. Sau 2 tháng phát động, chương trình nhắn tin ủng hộ Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao đã cán đích với 425.304.000 đồng, tương ứng với 23.628 tin nhắn. Đây là một kết quả khả quan cho thấy sự quan tâm của cả cộng đồng tới những người bệnh lao đang được lan tỏa từng ngày…

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, Chương trình Chống lao Quốc gia cũng gặp những khó khăn như: Dịch tễ lao ở Việt Nam còn cao, xếp thứ 16 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới và xếp thứ 13 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu; Tầm soát quản lí lao kháng đa thuốc (PMDT) còn một số hạn chế; Tỷ lệ điều trị thành công của lô bệnh nhân đăng ký điều trị trong quý 1 năm 2017 đạt 70%, tương đương kết quả lô bệnh nhân thu dung năm 2016 (68%), thấp hơn so với các năm 2014, 2015 (75%); Tỷ lệ bỏ trị vẫn ở mức khá cao so với chỉ tiêu đặt ra (11% so với 9%); …

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại Hội nghị.

Sáu tháng cuối năm 2019, Chương trình chống lao tiếp tục duy trì triển khai các hoạt động thường quy và các lĩnh vực chuyên môn ưu tiên như phát hiện chủ động, lao kháng thuốc, lao tiềm ẩn, lao trẻ em, lao/HIV, thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp (PAL), phối hợp y tế công – tư (PPM). Ngoài ra Chương trình cũng đẩy mạnh triển khai các can thiệp tích cực, các sáng kiến mới, áp dụng các công nghệ, kỹ thuật mới trong xét nghiệm chẩn đoán bệnh lao, áp dụng y học chính xác trong chẩn đoán và điều trị, quyết tâm phấn đấu đạt các chỉ tiêu cam kết với Chính phủ, Bộ Y tế và các nhà tài trợ.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn  Viết Tiến nhấn mạnh: Bộ Y tế ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu mà Chương trình chống lao Quốc gia đã đạt được. Chương trình đã thành công trên tất cả các mặt trọng yếu của chiến lược chống Lao như: Vận động chính sách trong nước và quốc tế, các quốc sách quan trọng của Liên hiệp quốc, chính sách hỗ trợ trong nước; Khám, phát hiện, điều trị và quản lý bệnh lao, lao kháng thuốc, lao HIV…; Nghiên cứu khoa học, áp dụng các thành tựu kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị, can thiệp y tế công cộng đối với bệnh lao…

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Chương trình chống lao tập trung các định hướng: Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan có liên quan chuẩn bị tài liệu trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban quốc gia chấm dứt bệnh Lao; Xây dựng và hoàn thiện chương trình hành động quốc gia chấm dứt bệnh lao đến năm 2030 để Ủy ban xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành; Phối hợp cùng Bộ Y tế vận động ngân sách chính phủ cấp cho Chương trình chống lao đủ để mua thuốc chống lao cho toàn bộ bệnh nhân được chẩn đoán, điều trị trong năm 2019, 2020; Bộ Y tế hoan nghênh các sáng kiến độc đáo trong truyền thông phòng chống Lao. Trong thời gian tới truyền thông phải có những bước đột phá hơn nữa, vận động chính quyền và cộng đồng tham gia làm sao phát hiện sớm và nhiều nhất các trường hợp lao, điều trị quản lý đạt kết quả cao kể cả lao thường và lao kháng thuốc; Về hậu cần thuốc và trang thiết bị cần chuẩn bị tốt cho việc chuyển đổi nguồn kinh phí từ nhà nước sang sử dụng kinh phí BHYT cho thuốc chống lao. Mua sắm, cung ứng thuốc phải chuyên nghiệp, không được để thiếu thuốc, vật tư y tế làm ảnh hưởng đến phát hiện, khám điều trị cho người bệnh….

Tại Hội nghị, 4 tổ chức và 15 cá nhân đã được vinh danh nhận giải thưởng Phạm Ngọc Thạch về phòng chống lao và bệnh phổi lần thứ VI năm 2019./.

PV