Đảm bảo thực hiện quyền trẻ em trong bối cảnh đô thị hóa

29/08/2019 10:07 AM


Ngày 28/8, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ nhi Đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) tổ chức hội thảo “Tham vấn các vấn đề trẻ em trong bối cảnh đô thị để xây dựng chương trình hành động quốc gia vì trẻ em”.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các giải pháp, sáng kiến thành phố thân thiện với trẻ em; chia sẻ kinh nghiệm và các bước tiếp cận nhằm thực hiện sáng kiến thành phố thân thiện với trẻ em; đưa ra các giải pháp cho trẻ em trong bối cảnh đô thị và di cư từ góc nhìn của các địa phương...

Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Đặng Hoa Nam cho biết, mục tiêu Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020 của Việt Nam nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em; từng bước giảm khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống giữa các nhóm trẻ em và trẻ em giữa các vùng miền; nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em. Đây cũng là mục tiêu có tính chiến lược cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam.

Việc tổ chức hội thảo “Tham vấn các vấn đề trẻ em trong bối cảnh đô thị để xây dựng chương trình hành động quốc gia vì trẻ em” là cơ hội để trao đổi, xem xét và thảo luận các vấn đề mới nổi lên trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em do tác động tiêu cực của đô thị hoá, di dân và biến đổi khí hậu; những áp lực do thiếu hụt về cơ sở hạ tầng, việc làm, an sinh xã hội…

Để giải quyết vấn đề trẻ em trong thành phố cần phải đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác trong việc thực hiện quyền trẻ em, mở rộng quan hệ đối tác giữa chính quyền thành phố và cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp nhằm phát huy tối đa nguồn lực và kinh nghiệm trong thực hiện quyền trẻ em; phát huy vai trò điều phối, phối hợp liên ngành của chính quyền các tỉnh, thành phố trong giải quyết vấn đề trẻ em.

Bên cạnh đó, chính quyền đô thị cần chú trọng việc đầu tư, quy hoạch phát triển cơ sở vật chất bảo đảm các quyền của trẻ em; lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện các quyền trẻ em vào quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ngành; khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội giải quyết các vấn đề trẻ em hợp tác công tư và vận động phát triển dịch vụ công.

Chia sẻ tại Hội thảo, Phó Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Lesley Miller nhấn mạnh, Thành phố thân thiện với trẻ em là một sáng kiến thu hút 3.300 thành phố trên thế giới tham gia thực hiện. Sáng kiến góp phần quan trọng trong việc thực hiện quyết sách, các văn bản hướng dẫn pháp luật về trẻ em và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội có lồng ghép các vấn đề về quyền trẻ em. Việc thực hiện Sáng kiến mang lại lợi ích tốt nhất cho trẻ em và bảo đảm sự phát triển bền vững của các tỉnh, thành phố và quốc gia trong hiện tại và tương lai./.

PV