Thiết kế và xây dựng thành phố thông minh

13/09/2018 03:13 PM


Là chủ đề buổi đối thoại về đô thị 4.0 trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN) diễn ra vào chiều 12/9 tại Hà Nội.

Tham dự đối thoại có Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Bộ trưởng Bộ Giao thông Singapore Janil Puthucheary; đến từ Tạp chí Nikkei Asian Review ông Yasu Ota; Chủ tịch công ty Plaza & Partners của Phillipines Maria Rebecca Pelaez Plaza; Chủ tịch công ty Siements Thái Lan Lorenzini.

Đại biểu tham dự buổi đối thoại. (Nguồn ảnh: cafef.vn)

Hiện nay, xây dựng một đô thị thông minh đang là mục tiêu được nhiều quốc gia trên thế giới hướng tới trong cuộc CMCN 4.0 trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, làm thế nào để quản lý kinh tế hiệu quả, gia tăng chất lượng cuộc sống của người dân và giải quyết được các vấn đề thường nhật như tắc đường hay sự thu hẹp các không gian công cộng, tiến tới những "thành phố thông minh" của tương lai?

Phát biểu tại buổi đối thoại, bà Maria Rebecca, Chủ tịch của Plaza và Tập đoàn Partners cho rằng các quốc gia ASEAN cần nhìn lại quá khứ và gắn với hiện tại để tìm ra cách mà chúng ta hướng tới tương lai như thế nào. Theo bà Rebecca, hạ tầng trong khu vực là yếu tố quan trọng nhất nếu muốn phát triển một đô thị thông minh bền vững. Các quốc gia ASEAN cần phải đặt con người vào trung tâm của đô thị, đóng vai trò là huyết mạch của đô thị và phải đặt mối quan hệ giữa con người lên trên hết trong thiết kế đô thị.

Đồng quan điểm với cách nhìn nhận của bà Rebecca, Bí thư Thành ủy kiêm Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân khẳng định "Mỗi người dân đóng vai trò là một cảm biến trong xã hội", đồng thời Việt Nam nói riêng và các quốc gia trong khu vực ASEAN nói chung, cũng phải tăng cường trí tuệ tập thể từ chính người dân.

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi đối thoại. (Nguồn ảnh: dantri)

Chia sẻ về TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết đây là một thành phố trẻ với những con người đến từ nhiều vùng đất khác nhau, Thành phố đa dạng về mọi thứ từ ẩm thực cho đến sắc tộc và thu hút khách du lịch trên toàn thế giới.

Mặc dù vậy, TP. Hồ Chí Minh cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề đó là sự tăng trưởng quá nhanh về mặt dân số, cũng như xu hướng chuyển từ nông thôn về thành thị của người dân. Ngoài ra, sự tăng mạnh của các phương tiện giao thông, khiến cho tắc đường trở thành một "vấn nạn", tại TP. Hồ Chí Minh cứ 100 người thì tương đương với 100 xe máy và cả ô tô. Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh cũng đang học hỏi mô hình của Singapore, áp dụng công nghệ số để giải quyết tình trạng tắc đường.

Theo ông Lorenzini, Chủ tịch công ty Siements Thái Lan, việc tạo ra một loạt các hình thức, phương tiện giao thông, sau đó quản lý chúng một cách triệt để chính là "chìa khóa". Các hệ thống được kết hợp như tàu điện ngầm, xe ô tô điện, xe tự lái, hay các phương thức chuyên chở khác, bao gồm cả xe máy, sẽ được kết hợp một cách hợp lý để giảm bớt số lượng xe cộ lưu thông trong thành phố và đỗ xe thông minh cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong việc tối ưu hóa, hạn chế thời gian các phương tiện lưu thông, chiếm dụng trên đường phố, gây cản trở giao thông.

Đô thị 4.0 phải là sự kết hợp hoàn hảo mọi yếu tố, từ cơ sở hạ tầng, giao thông, công nghệ, cho tới các chính sách từ chính phủ và Singapore một điển hình thành công trong việc xây dựng quốc gia thông minh.

Tại buổi đối thoại, Bộ trưởng Bộ Giao thông Janil Puthucheary cho biết, Singapore là quốc gia hạn chế về nguồn lực và tài nguyên, tuy nhiên, đây lại chính là động lực khiến Singapore buộc phải thay đổi và tư duy khác đi để trở thành một trong những đô thị/quốc gia thông minh hàng đầu tại khu vực châu Á. Quốc đảo sư tử đặt ra mục tiêu trở thành một quốc gia thông minh (smart nation) nhờ tận dụng công nghệ 4.0 làm cốt lõi trong công cuộc tái cấu trúc lại nền kinh tế, cấu trúc trong chính phủ.

Theo đó, đất nước này áp dụng công nghệ số trong hệ thống tàu điện ngầm, quản lý công trình và bảo trì bảo dưỡng. Công nghệ số có thể giúp xác định tình trạng lưu thông ở các nhà ga hay bến xe. Từ những dữ liệu có được, kỹ sư có thẻ thiết kế các hệ thống một cách hiệu quả hơn. Một ý tưởng khác là sử dụng công nghệ nhằm hỗ trợ các lái xe tìm bãi đỗ xe trong thành phố dễ dàng hơn.

Đặc biệt, ông Puthucheary nhấn mạnh “Sigapore luôn hướng tới sự hòa nhập của người dân và phải đảm bảo 100% mọi người đều được hòa nhập, làm thế nào để thông minh hơn. Làn sóng mới mà Sigapore hướng tới để làm thay đổi quốc gia của mình./.

PV (t/h)