Sứ mệnh của CNTT trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư
21/04/2017 12:00 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Cộng đồng công nghệ thông tin Việt Nam đang đứng trước sứ mệnh vẻ vang và cũng đầy thách thức để tận dụng lợi thế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này tại lễ trao giải thưởng công nghệ thông tin (CNTT) Sao Khuê và kỷ niệm 15 năm thành lập Hiệp hội Phần mềm Việt Nam (VINASA) sáng 15/4, tại Hà Nội. Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, VINASA hiện có 350 doanh nghiệp hội viên, chiếm tới 60% nhân lực và 70% doanh thu toàn ngành. Một trong những hoạt động quan trọng của tổ chức này trong suốt 15 năm qua là tổ chức Giải thưởng Sao Khuê từ năm 2003, trao cho 669 sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin tiêu biểu của Việt Nam. Năm 2017, đã có 44 sản phẩm và 20 dịch vụ được trao giải Sao Khuê gồm: Các sản phẩm, giải pháp phần mềm thương mại tiêu biểu của Việt Nam; các ứng dụng tiêu biểu trên nền tảng di động; các sản phẩm, giải pháp phần mềm mới 2016-2017; các dịch vụ CNTT. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời chúc mừng tới các DN, những người làm CNTT và VINASA luôn tham gia tích cực vào sự nghiệp phát triển CNTT của đất nước, góp một phần rất đáng khích lệ vào công cuộc kiến thiết đất nước. Giải thưởng Sao Khuê sẽ tiếp tục là nguồn khích lệ to lớn đối với tất cả các cá nhân, doanh nghiệp tâm huyết, sáng tạo phát triển CNTT, đưa ra được thật nhiều ứng dụng rộng rãi trong xã hội, nền kinh tế và vươn ra thị trường quốc tế. Khẳng định thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước những năm qua có một phần rất quan trọng mang tính mở đường của ngành CNTT, viễn thông, Phó Thủ tướng cho rằng thời gian tới, các DN, cộng đồng CNTT đang đứng trước một sứ mệnh vẻ vang nhưng đầy thách thức là làm sao góp phần phát huy, khai thác bằng được những lợi thế, tiềm năng để có thể đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. “Để làm được việc này chúng ta phải khai thác, hoặc tận dụng được những gì mà chúng ta có lợi thế. Một trong những lợi thế đó chính là trí lực của người Việt Nam liên quan trực tiếp đến lĩnh vực CNTT”, Phó Thủ tướng nêu rõ và cho biết Chính phủ đã bàn rất nhiều về những việc cần phải làm để tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cùng với việc tuyên truyền tới toàn xã hội về những thời cơ và thách thức của cuộc cách mạng này thì quan trọng hơn là phải bằng hành động rất thiết thực, cụ thể để tận dụng thời cơ, chứ không nên chỉ nói về cuộc cách mạng này như một chủ đề khoa học hay là có tính thời sự quốc tế. “Để làm được điều đó thì cần làm rất nhiều việc, nhưng điều chắc chắn chúng ta phải có một bước phát triển đột phá mạnh mẽ hơn rất nhiều 15-20 năm trước đây về CNTT”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Trước hết, hạ tầng thông tin băng rộng phải đi đến tất cả mọi ngõ ngách, đến tận vùng núi, hải đảo, vùng nông thôn như khi các DN viễn thông phát triển mạng lưới thông tin di động cách đây 20 năm với hình ảnh những người nông dân đi bên cạnh con trâu cũng có điện thoại di động. Cùng với đó, nguồn quỹ viễn thông công ích sẽ được sử dụng để phát triển mạng lưới thông tin băng rộng phủ khắp cả nước. Đáng chú ý, sắp tới Việt Nam sẽ chính thức khai trương một mạng thông tin 4G có quy mô lớn trên thế giới. Về lĩnh vực ứng dụng CNTT, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tính nhất thiết phải ứng dụng CNTT vào mọi dịch vụ, trước hết là trong công tác chỉ đạo, điều hành với thúc đẩy thuê dịch vụ CNTT, các dịch vụ công trong các cơ quan Nhà nước, nhằm nâng cao hiệu quả, tính minh bạch, chống tiêu cực, chống tham nhũng. Việc này cần bắt đầu bằng những dịch vụ liên quan nhiều nhất đến người dân như giao thông, y tế, giáo dục và tất cả các dịch vụ có tính chi trả. Cùng với đó, các DN CNTT cần được hỗ trợ về thị trường, tiếp cận các nguồn lực, kể cả nguồn nhân lực và tài chính liên quan đến thuế, tín dụng, để phát triển trước hết ở trong nước và vươn ra thế giới. Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý phải có bước thay đổi có tính cách mạng về đào tạo nhân lực CNTT nhằm trong thời gian ngắn nhất nâng số người trực tiếp làm CNTT từ 300.000 người lên gấp đôi, gấp ba. Việc này cũng góp phần giải quyết câu chuyện hàng trăm nghìn cử nhân, kỹ sư học các ngành nghề khác không tìm được việc làm trong khi nhiều DN CNTT vẫn không có đủ nhân lực. Khẳng định quan điểm “một dân tộc chỉ có thể mạnh nếu đó là một dân tộc nắm được tri thức của thời đại”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại phong trào Bình dân học vụ được Bác Hồ phát động ngay sau khi đất nước mới được độc lập để diệt “giặc dốt”, cùng với “giặc đói”, giặc ngoại xâm. “Phải chăng bây giờ cũng là lúc chúng ta ‘xóa mù’ về tri thức công nghệ để sao cho trong thời gian ngắn nhất tất cả mọi người dân Việt Nam phải được trang bị những kiến thức, tri thức cần thiết, góp phần làm cho đất nước phát triển nhanh hơn. Tất cả những điều ấy đặt ra cho những người làm CNTT, một thách thức rất lớn nhưng cũng là một sứ mệnh”, Phó Thủ tướng bày tỏ và mong muốn VINASA, cộng đồng CNTT Việt Nam luôn mạnh dạn, trí tuệ, tâm huyết và sẽ lớn mạnh trên tinh thần vượt mọi khó khăn, không chỉ bằng những gì sẵn có, phát huy thế mạnh của con người Việt Nam để vươn ra thế giới.
Theo VGP
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Bắc Giang sớm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về BHXH, ...
Diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin khu vực ...
Người dùng đã có thể đăng nhập Cổng Dịch vụ công BHXH Việt ...
Bản tin Audio số 39 - Tuần 4 tháng 11/2024
Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH tổ chức kỷ niệm 42 năm ngày ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?