Luật BHXH và Luật BHYT năm 2024: Quy định mới tăng chế tài xử phạt đối với hành vi chậm, trốn đóng BHXH, BHYT

09/07/2025 08:30 AM


Từ ngày 01/7/2025, Luật BHXH sửa đổi năm 2024 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2024 (Luật BHYT năm 2024) chính thức có hiệu lực. Đáng chú ý tại hai bộ Luật này đã tăng cường chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi chậm đóng và trốn đóng BHXH, BHYT, nhằm bảo vệ tối đa các quyền lợi an sinh thiết thân của người lao động, kỳ vọng nâng cao hơn nữa tính tuân thủ pháp luật BHXH, BHYT của người sử dụng lao động.

Phân định rõ hành vi vi phạm chậm đóng và trốn đóng BHXH, BHYT

Luật BHXH năm 2024 và Luật BHYT năm 2024 đã phân định rõ giữa hai hành vi vi phạm chậm đóng và trốn đóng BHXH, BHYT, giúp cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý vững chắc hơn để xác định hành vi vi phạm và áp dụng chế tài xử lý phù hợp.

Chậm đóng BHXH, BHYT là hành vi: Chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ số tiền BHXH, BHYT kể từ sau ngày đóng BHYT chậm nhất; Không lập danh sách hoặc lập không đầy đủ người lao động thuộc diện tham gia BHXH, BHYT trong thời gian 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định.

Công tác thanh tra, kiểm tra của BHXH Việt Nam. (Ảnh minh họa. Nguồn Internet)

Trốn đóng BHXH, BHYT là hành vi người sử dụng lao động: Không lập danh sách hoặc lập danh sách không đầy đủ số người phải tham gia BHXH, BHYT sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định; Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký BHXH, BHYT sau 60 ngày kể từ ngày đóng BHXH, BHYT chậm nhất theo quy định và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định.

Một quy định mới đáng chú ý là trách nhiệm bồi thường thiệt hại trực tiếp của người sử dụng lao động đối với người lao động cũng đã được bổ sung đưa vào Luật BHXH năm 2024 và Luật BHYT năm 2024. Cụ thể:

Theo khoản 8, Điều 13, Luật BHXH năm 2024 quy định: Người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động theo quy định của pháp luật nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Luật, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Theo khoản 4, Điều 49, Luật BHYT năm 2024 quy định: Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHYT cho người lao động, phải hoàn trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã phải tự chi trả do chưa có thẻ BHYT.

Quy định này đã bổ sung thêm chế tài cụ thể, trực diện với người sử dụng lao động; tạo hành lang pháp lý; khuyến khích họ tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT để tránh các rủi ro cao hơn về tài chính (phải bồi thường các chế độ thai sản, ốm đau, hay chi trả chi phí khám chữa bệnh với số tiền nhiều hơn rất nhiều số tiền tham gia BHXH, BHYT cho người lao động mà họ đã trốn hoặc chậm đóng).

Tăng mức xử phạt, trốn đóng BHXH có thể bị xử lý hình sự

Theo quy định tại Điều 40, 41 của Luật BHXH năm 2024 và Điều 49 của Luật BHYT năm 2024, các chế tài xử lý các hành vi vi phạm được tăng cường và cụ thể hóa so với Luật BHXH, Luật BHYT hiện hành:

Đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT: Bắt buộc phải nộp đủ số tiền chậm đóng, trốn đóng; Nộp thêm số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH, BHYT chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng vào quỹ BHXH, BHYT; Bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; Không được xét tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

Đáng chú ý, riêng với hành vi trốn đóng, người sử dụng lao động còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Đây là điểm mới, thể hiện rõ sự nghiêm khắc trong công tác quản lý nhà nước về BHXH, BHYT.

Trước đây, theo Điều 122 của Luật BHXH năm 2014 mức phạt đối với hành vi chậm đóng hoặc trốn đóng là nộp lãi bằng hai lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH, BHTN bình quân của năm trước, tính trên số tiền và thời gian chậm đóng; theo Điều 49, Luật BHYT năm 2014 mức phạt với hành tương tự là phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền và thời gian chậm đóng.

Có thể thấy, quy định mới với mức phạt lãi cố định 0,03%/ngày được đánh giá là nghiêm khắc hơn, theo hướng tăng tổng số tiền phạt theo thời gian nếu người sử dụng lao động không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT cho người lao động. Đặc biệt, chế tài xử lý tăng nặng đối với hành vi trốn đóng BHXH, BHYT sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đáng chú ý, Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 10 vào tháng 10/2025. Theo đó, tại dự thảo Bộ luật Hình sự lần này có nội dung sửa đổi các Điều 214, 215, 216 quy định về các tội liên quan tới gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN theo hướng: đề xuất nâng gấp đôi mức phạt tiền và nâng mức tiền vi phạm để quy kết trách nhiệm hình sự. Đơn cử, tại Điều 216, tội Trốn đóng BHXH, cơ quan soạn thảo cơ bản giữ nguyên khái niệm về hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho lao động nhưng tiền vi phạm để quy định xử lý hình sự được đề xuất nâng gấp đôi, tối thiểu 100 triệu đồng (mức hiện hành là 50 triệu đồng); mức tiền phạt cũng nâng gấp đôi, lên tối thiểu 400 triệu đồng (mức hiện hành là 200 triệu đồng). Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất mức phạt tiền thấp nhất là 400 triệu đồng, cao nhất là 6 tỷ đồng với pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Việc áp dụng mức lãi suất phạt cố định hàng ngày, kết hợp với các chế tài mạnh mẽ tại hai bộ Luật BHXH, BHYT lần này đang được kỳ vọng sẽ góp phần hiệu quả hơn nữa trong việc nâng cao tính răn đe, ngăn chặn tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, tăng cường tính tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT thời gian tới./.

Thái Dương