Tăng quyền lợi cho người tham gia BHYT

19/08/2024 10:30 AM


Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (Luật BHYT 2024) đang được lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và theo dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10 tới đây. Một trong những điều chỉnh của dự thảo là tăng thêm quyền lợi cho người dân khi tham gia khám chữa bệnh BHYT.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật BHYT hiện hành đã có một số quy định không phù hợp sự phát triển của xã hội, đòi hỏi cần được sửa đổi để phù hợp thực tiễn; bảo đảm quyền, lợi ích của người tham gia BHYT; đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh BHYT và sử dụng an toàn, hiệu quả Quỹ BHYT. Mục tiêu của sửa đổi Luật BHYT lần này là thực hiện các giải pháp, phấn đấu đến năm 2030 có hơn 95% số người tham gia BHYT; giảm chi tiền túi của người dân xuống dưới 30%; hơn 95% số dân sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu được BHYT thanh toán; hoàn thiện giá dịch vụ theo hướng tính đúng, tính đủ.

Trao đổi ý kiến về những điểm mới trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT lần này, Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) Trần Thị Trang cho biết: Dự thảo sẽ tập trung điều chỉnh bốn chính sách nhằm mở rộng đối tượng hưởng BHYT cho người dân. Theo đó, điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp mức đóng, cân đối quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; điều chỉnh các quy định về BHYT có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám chữa bệnh và phân bổ sử dụng quỹ BHYT hiệu quả. Dự thảo luật lần này sẽ cập nhật thêm các đối tượng là những người tham gia bảo hiểm xã hội được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội vừa được Quốc hội thông qua. Theo đó, người lao động ở doanh nghiệp chỉ cần làm việc một tháng là được tham gia BHYT (trước đây phải ba tháng trở lên). Việc bao phủ đầy đủ các đối tượng tham gia BHYT sẽ làm tăng nguồn thu BHYT từ đối tượng mới tham gia, đồng thời, đạt chỉ tiêu BHYT toàn dân là 95% mà Chính phủ giao.

Ảnh minh họa: Internet

Phạm vi quyền lợi của bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT cũng được mở rộng. Một số bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng, bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao mà hiện nay người dân vẫn phải lấy giấy chuyển trong năm theo trình tự từ tuyến dưới lên cơ sở điều trị ở tuyến trên, sẽ được điều chỉnh theo hướng ban hành danh sách các bệnh phải lên tuyến trên điều trị mà không cần giấy chuyển tuyến, vừa thuận tiện cho người dân, vừa tiết kiệm chi phí do không phải khám chữa bệnh trùng lặp ở tuyến dưới và tuyến trên.

Chi phí khám chữa bệnh của người tham gia BHYT tại một số cơ sở y tế trong trường hợp đúng tuyến hoặc người dân tự đến khám chữa bệnh cũng được điều chỉnh. Những trung tâm y tế huyện có chức năng khám chữa bệnh ngoại trú, có các phòng khám đa khoa khám chữa bệnh ngoại trú, khi người dân đến khám chữa bệnh cũng được hưởng BHYT. Đồng thời đề xuất quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh và có mức hưởng theo quy định với các bệnh nhân đã được cơ sở khám chữa bệnh chẩn đoán một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao theo quy định của Bộ Y tế.

Dự Luật BHYT 2024 cho phép chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám chữa bệnh BHYT nếu vượt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật khi người bệnh đã được chẩn đoán xác định một số bệnh mạn tính. Sau khi được bác sĩ kê đơn ở tuyến trên thì có thể về tuyến dưới điều trị và hưởng thuốc, vật tư y tế như ở tuyến trên. Mặt khác cũng cho phép điều chuyển thuốc và thiết bị y tế giữa các cơ sở y tế BHYT nếu không có sẵn và không thể chuyển người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh khác. Nhằm khích lệ người bệnh đến với các cơ sở y tế ban đầu, với một số trường hợp, dù đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở bất kỳ đâu, nhưng nếu khám chữa bệnh ở trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực, trung tâm y tế huyện thì cũng hưởng 100% quyền lợi…

Bộ Y tế đang điều chỉnh một số nội dung liên quan chuyên môn kỹ thuật, nhất là quy định chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh liên quan vận chuyển người bệnh. Quỹ BHYT mới chỉ thanh toán chi phí cho vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh, từ tuyến tỉnh lên tuyến trung ương, trong khi việc vận chuyển giữa các cơ sở cùng cấp, cùng tuyến chuyên môn kỹ thuật chưa được thanh toán. Do vậy, Bộ Y tế đề xuất, cứ người bệnh có chỉ định được chuyển cơ sở điều trị, hoặc trong trường hợp cấp cứu, điều trị nội trú phải chuyển cơ sở khám chữa bệnh theo yêu cầu chuyên môn là được BHYT thanh toán.

Liên quan vấn đề thanh toán BHYT cho những bệnh có chi phí điều trị lớn như các bệnh hiểm nghèo, ung thư, đại diện Bộ Y tế cho biết, hiện nay, trong danh mục thuốc BHYT chi trả có khoảng 76 thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch... Chi phí cho những thuốc này là khoảng 7.600 tỷ đồng/năm, là khoản kinh phí lớn đối với người bệnh. Các quy định hiện hành đang quy định tỷ lệ thanh toán BHYT cho người bệnh (mức hưởng) là đồng đều cho tất cả các bệnh. Tuy nhiên, đối với bệnh ung thư có một số thuốc điều trị mới, chi phí cao nên quỹ BHYT rất khó để có thể thanh toán ngay lập tức hoặc thanh toán 100%. Thế nhưng, một số bệnh ung thư như ung thư vú, cổ tử cung… nếu điều trị sớm sẽ mang lại hiệu quả cao, đỡ tốn kém hơn cho người bệnh và giúp giảm chi dài hạn cho quỹ BHYT. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng danh mục thuốc cập nhật trong danh mục thuốc được BHYT chi trên cơ sở đánh giá tác động và cân đối thu chi quỹ BHYT, để tăng quyền lợi cho người bệnh.

Trong dự thảo lần này, các chuyên gia cũng đề xuất thanh toán trực tiếp cho bệnh nhân khi bệnh viện không đủ cung cấp thuốc, vật tư y tế. Đây là giải pháp khắc phục khó khăn trong đấu thầu đang là vấn đề nóng của xã hội. Tuy nhiên, việc thanh toán trực tiếp cũng không "mở" quá để tránh việc các bệnh viện không chịu đấu thầu, nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi của bệnh nhân có BHYT.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, thực tiễn Luật BHYT hiện đã bộc lộ nhiều vướng mắc. Chủ trương của ngành y tế là lấy người bệnh làm trung tâm, cho nên việc sửa luật để người dân có thể tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, tốt nhất là rất cần thiết. Dự kiến, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYTsẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp tháng 9/2024, kịp trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 8 tới.

Thắng Trần