Lương hưu - Ước mơ trong tầm tay người nông dân nhờ tham gia BHXH tự nguyện
04/11/2024 08:50 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Với nhiều lợi ích thiết thực và phương thức đóng linh hoạt, BHXH tự nguyện đang ngày càng thu hút nhiều hội viên nông dân tại tỉnh Ninh Thuận tham gia. Nhờ vào những tích lũy nhỏ qua từng tháng, nhiều người nông dân nơi đây đã bắt đầu tạo dựng cuộc sống an vui khi về già, không còn lo lắng cho tương lai phụ thuộc vào con cháu. Đối với họ, lương hưu giờ đây không còn là ước mơ xa vời.
Sức hấp dẫn từ những lợi ích thiết thực
Tại Hội nghị đối thoại và tư vấn chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình do BHXH Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tại Ninh Thuận vừa qua, cô Hiên Thị Huyền Vân, 55 tuổi, phường Kinh Dinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận đã đăng ký tham gia BHXH tự nguyện với sự háo hức. Trên tay cầm cuốn sổ BHXH vừa được trao, cô Vân chia sẻ: “Tôi từng nghe nói về BHXH tự nguyện nhưng chưa hiểu rõ. Nhờ được cán bộ BHXH tỉnh tư vấn chi tiết, tôi nhận ra những quyền lợi thiết thực mà BHXH tự nguyện mang lại. Hôm nay vì chưa chuẩn bị đủ tiền nên tôi đóng mức gần 300 nghìn đồng/tháng. Từ giờ, mỗi tháng tôi sẽ tiết kiệm để có thể tham gia lâu dài, bởi chính sách BHXH tự nguyện thực sự là chỗ dựa tuổi già cho những người như tôi, giúp tôi bớt phụ thuộc vào con cháu”.
Cô Hiên Thị Huyền Vân vui mừng sau khi tham gia BHXH tự nguyện tại Hội nghị, khởi đầu cho ước mơ lương hưu và an nhàn tuổi già
Cô Vân chia sẻ rằng “lương hưu” chính là ước mơ của rất nhiều người nông dân. Từ khi chính sách BHXH tự nguyện được mở rộng, mọi người dân đều có thể tham gia để có được khoản thu nhập ổn định lúc tuổi già, điều này khiến bà con cảm thấy phấn khởi. Sau buổi tư vấn, đối thoại tại hội nghị, cô nhận ra rằng BHXH tự nguyện không chỉ giúp người nông dân có nguồn lương hưu để trang trải cuộc sống mà còn giảm bớt sự phụ thuộc vào con cháu. Với những người nông dân như cô, việc có lương hưu chính là niềm vui và chỗ dựa vững chắc cho tuổi già.
Người nông dân lan tỏa chính sách
Một tấm gương tiêu biểu khác là bác Nguyễn Danh, 50 tuổi, phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Dù gặp khó khăn về thu nhập, bác vẫn kiên trì đóng BHXH tự nguyện với mức gần 01 triệu đồng mỗi quý suốt 2 năm qua. Bác Danh bộc bạch: “Làm nông dân thu nhập bấp bênh, nếu hết tuổi lao động không có lương hưu cuộc sống sẽ rất vất vả. Vì vậy, khi còn sức lao động, tôi cố gắng tiết kiệm để đóng BHXH tự nguyện, với mong muốn có lương hưu và thẻ BHYT lúc về già”.
Không chỉ dừng lại ở bản thân, bác Danh còn tích cực vận động hàng xóm tham gia, giúp nhiều người hiểu rõ hơn về chính sách này. Đến nay bác Danh đã vận động 02 người trong khu phố cùng tham gia BHXH tự nguyện. Hiểu được lợi ích BHXH tự nguyện mang lại, bác Danh bày tỏ: "Nông dân chúng tôi vốn là lao động tự do, cuộc sống và thu nhập bấp bênh, nhiều người chưa có chỗ dựa vững chắc khi tuổi già đến gần. Đặc biệt, trong hoàn cảnh thời tiết khắc nghiệt và biến động thị trường, giá nông sản rớt giá, không ít bà con cảm thấy lo lắng cho tương lai. Khi về già, sức khỏe không còn như trước, con cháu ai cũng bận rộn với cuộc sống riêng, thì lương hưu và thẻ BHYT sẽ là chỗ dựa, giúp người nông dân bớt đi gánh nặng của cuộc sống".
Những nông dân như cô Vân, bác Danh sau khi hiểu rõ về chính sách BHXH tự nguyện, đã nhận ra những giá trị lớn lao từ việc tham gia. Lương hưu giúp những nông dân như cô Vân, bác Danh an tâm vì có thể tự mình trang trải cuộc sống khi hết tuổi lao động.
Tạo dựng niềm tin, lan tỏa chính sách
Nhờ đẩy mạnh truyền thông và tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn trực tiếp tại cơ sở, từng hộ dân, nhận thức của người dân đã có những thay đổi tích cực đối với chính sách BHXH tự nguyện. Tại tỉnh Ninh Thuận, đến nay đã có 1.130 hội viên nông dân tham gia BHXH tự nguyện toàn tỉnh. Những buổi đối thoại trực tiếp tại địa phương giúp người dân hiểu sâu sắc và nắm bắt dễ dàng chính sách BHXH tự nguyện.
Nhiều nông dân đối thoại về chính sách BHXH, BHYT tại Hội nghị
Ông Lò Trung Kiên, Phó Ban Xã hội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: Chính sách BHXH, BHYT là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, giúp bảo vệ sức khỏe, mang lại nhiều lợi ích cho người dân, trong đó có hội viên nông dân. Trong những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam không ngừng nỗ lực thực hiện các chương trình, hoạt động truyền thông về chính sách BHXH, BHYT trên toàn quốc nhằm nâng cao nhận thức của hội viên nông dân về quyền, lợi ích, trách nhiệm khi tham gia BHXH, BHYT. Thông qua các hội nghị, hội viên nông dân sẽ là những tuyên truyền viên tích cực nhất, giúp cho những nông dân và người dân ở địa phương, khu phố của mình hiểu rõ hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT, để mỗi bà con nông dân và người dân đều có thể tiếp cận và thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT của Đảng và Nhà nước, an tâm lao động và tận hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ông Nguyễn Công Tuấn, Trưởng phòng Truyền thông, BHXH tỉnh Ninh Thuận cũng nhấn mạnh: Với quan điểm chủ động đến với người dân, đưa chính sách BHXH tự nguyện đến gần nhân dân, thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các ngành, các tổ chức đoàn thể - xã hội ở địa phương mở thêm nhiều hội nghị ở cộng đồng dân cư, trong đó có Hội Nông dân. Những nội dung truyền thông sẽ dễ hiểu, gần gũi để mọi người dân đều cảm thấy BHXH tự nguyện mang lại nhiều lợi ích thiết thực./.
Thái Dương
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Ngành BHXH Việt Nam: Nhiều hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ ...
BHXH Việt Nam tăng hạng, xếp thứ 2 về Chỉ số phục vụ người ...
Đổi mới thông tin khoa học và ứng dụng kết quả thực hiện ...
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục ...
Nâng cao nghiệp vụ lưu trữ ngành BHXH Việt Nam
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?