Quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử
28/10/2024 01:48 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 23/10/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 137/2024/NĐ-CP quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, trong đó có nội dung quy định về hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử.
Ảnh minh họa
Nghị định này quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử bao gồm chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu; hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử; hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; trách nhiệm của chủ quản nền tảng số trung gian phục vụ giao dịch điện tử quy mô lớn, rất lớn và tiêu chí tín nhiệm mạng của hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.
Nghị định áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp hoặc có liên quan đến giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.
Ba nội dung chính về giao dịch điện tử và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử
Thứ nhất, quy định chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu
Nghị định quy định về việc chuyển đổi hình thức từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu và chuyển đổi hình thức từ thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy.
Theo đó quy định cụ thể thông điệp dữ liệu được chuyển đổi từ văn bản giấy phải đáp ứng đủ các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Giao dịch điện tử. Văn bản giấy được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu phải đáp ứng đủ các yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Giao dịch điện tử.
Thứ hai, về hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử
Nghị định quy định 9 Điều (Điều 6 – Điều 14) về hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử, bao gồm: Chuyển đổi hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường điện tử; Tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; Quản trị nội bộ trên môi trường điện tử; Chỉ đạo, điều hành trên môi trường điện tử; Trách nhiệm bảo đảm thông tin, dữ liệu số phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Giám sát, kiểm tra trên môi trường điện tử; Phương án trong tình huống khẩn cấp, tình huống xảy ra sự cố gián đoạn hoạt động trên môi trường mạng trực tuyến và phương án ứng cứu, khắc phục sự cố, duy trì hoạt động giao dịch bình thường; Thuê chuyên gia từ ngân sách nhà nước.
Thứ ba, quy định về Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử
Nghị định quy định 03 cách phân loại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử: phân loại theo chủ quản hệ thống thông tin (gồm: chủ quản là cơ quan, tổ chức nhà nước; chủ quản là tổ chức, doanh nghiệp; chủ quản là cá nhân); phân loại theo chức năng, tính năng (gồm: Giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; giao dịch điện tử trong hoạt động thương mại; giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng; giao dịch điện tử trong hoạt động khác); phân loại theo quy mô số lượng người sử dụng (gồm: hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử quy mô lớn và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử quy mô rất lớn).
Nghị định cũng quy định 02 cách phân loại nền tảng số trung gian phục vụ giao dịch điện tử, gồm: nền tảng số trung gian quy mô lớn và nền tảng số trung gian quy mô rất lớn. Đồng thời, quy định trách nhiệm của các chủ quản nền tảng số trung gian phục vụ giao dịch điện tử.
Nghị định quy định 06 tiêu chí tín nhiệm mạng: (1) Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ; (2) Cam kết chỉ thu thập, lưu trữ thông tin dữ liệu cá nhân khi được sự đồng ý của người sử dụng, trừ trường hợp pháp luật quy định khác; (3) Dữ liệu của người sử dụng từ thiết bị truy cập đến trang thông tin điện tử được mã hoá bằng thuật toán an toàn và được cung cấp bởi bên thứ ba tin cậy; (4) Tên miền và địa chỉ máy chủ của trang thông tin điện tử không thuộc danh sách khuyến cáo không truy cập do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tại địa chỉ www.tinnhiemmang.gov.vn; (5) Trang thông tin điện tử không chứa bất kỳ liên kết độc hại, mã độc, các thông tin lừa đảo, vi phạm pháp luật khác có thể gây hại cho người sử dụng; (6) Có thông tin công khai về đầu mối tiếp nhận và xử lý các vấn đề về an toàn thông tin. Nghị định khuyến khích chủ quản hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử nghiên cứu, đánh giá và tự công bố đáp ứng tiêu chí tín nhiệm mạng.
Về trách nhiệm thi hành
Tại Nghị định quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong hoạt động trên môi trường điện tử:
- Cơ quan nhà nước ưu tiên thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử các hoạt động bao gồm: cung cấp dịch vụ công; công tác quản trị nội bộ; chỉ đạo, điều hành; giám sát, kiểm tra, thanh tra theo lộ trình và kế hoạch phù hợp.
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (gọi chung là bộ, ngành), Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch 5 năm, kế hoạch hằng năm về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; trong đó phải có các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để đưa hoạt động của cơ quan nhà nước hướng tới thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử, tối thiểu phải bao gồm các lĩnh vực hoạt động: cung cấp dịch vụ công; công tác quản trị nội bộ; chỉ đạo, điều hành; giám sát, kiểm tra, thanh tra.
- Việc triển khai ứng dụng hệ thống thông tin, nền tảng số phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử phải gắn liền với công tác cải cách hành chính của cơ quan nhà nước nhằm đổi mới phương thức làm việc, chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu, tăng cường xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước; giảm chi chí và thời gian xử lý công việc.
- Đối với công tác bảo đảm thông tin, dữ liệu số phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: các bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm triển khai Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, kết nối với hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia và Hệ thống theo dõi nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và các hệ thống nội bộ của bộ, ngành, địa phương bảo đảm hoạt động chỉ đạo, điều hành trực tuyến, dựa trên dữ liệu và toàn trình.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành, trừ trường hợp quy định chuyển tiếp tại Điều 23 (Hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi văn bản có giá trị pháp lý theo quy định của pháp luật liên quan phải được rà soát và đáp ứng các yêu cầu tại khoản 2 Điều 4 và khoản 3 Điều 5 Nghị định này trong vòng 24 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực)./.
Phương Dung
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Ngành BHXH Việt Nam: Nhiều hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ ...
BHXH Việt Nam tăng hạng, xếp thứ 2 về Chỉ số phục vụ người ...
Đổi mới thông tin khoa học và ứng dụng kết quả thực hiện ...
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục ...
Nâng cao nghiệp vụ lưu trữ ngành BHXH Việt Nam
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?