Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2023
02/02/2023 03:45 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 2/2, ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng cùng ngày, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2023 - Ảnh:VGP/Trần Hải
Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quang ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Tại phiên họp, Chính phủ xem xét đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi); dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); xem xét đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; đề xuất xây dựng Đề án Trung tâm Dữ liệu quốc gia; về xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật năm 2021.
Thời gian qua, tập thể Chính phủ và từng thành viên Chính phủ đã rất tích cực, phát huy tinh thần trách nhiệm cao, đóng góp quan trọng vào triển khai đột phá chiến lược về thể chế, nhất là công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, với nhiều đổi mới, kết quả nổi bật. Trong năm 2022, Chính phủ đã tổ chức 9 phiên họp chuyên đề, trình Quốc hội 20 dự án luật; ban hành 125 nghị định.
Tại phiên họp, các bộ, ngành chủ trì soạn thảo trình bày tờ trình tóm tắt các đề nghị, dự án luật; giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định đối với các đề nghị xây dựng pháp luật. Các đại biểu thảo luận về sự cần thiết ban hành các luật; tính thống nhất, phù hợp của các luật được đưa ra xây dựng lần này với pháp luật có liên quan và với thông lệ quốc tế và về các nội dung, chính sách cơ bản của các luật, quy định.
Về đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), các thành viên Chính phủ đề nghị cần có tổng kết, đánh giá một cách kỹ lưỡng về kết quả thi hành Luật Việc làm năm 2013 và các quy định có liên quan; việc xây dựng luật phải đảm bảo tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong cả hoạt động quản lý nhà nước và quản trị, điều hành của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức liên quan; góp phần phát triển thị trường việc làm bền vững, cũng như nâng cao chất lượng, hiện đại hóa nguồn nhân lực, đáp ứng các yêu cầu của giai đoạn mới; tạo thuận lợi cho thị trường việc làm phát triển đồng bộ, bền vững; thúc đẩy cung, cầu lao động có trình độ kỹ thuật, chuyên môn cao…
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Trần Hải
Đối với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), các thành viên Chính phủ cho rằng cần đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với những nội dung chính sách mới, nhất là các chính sách tác động trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp; bảo đảm tính hợp lý, khả thi và hiệu quả; cần nghiên cứu các chính sách về thuế, phí, cơ chế tài chính khác về tài nguyên nước bảo đảm các chính sách đồng bộ, công khai, hiệu quả về lâu dài; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường công cụ giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm; tăng cường phối hợp công tác, bảo đảm thuận lợi cho quản lý, điều hành; tạo thuận lợi cho hợp tác công tư; thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp...
Chính phủ thống nhất đánh giá việc sửa đổi, bổ sung Luật Cảnh vệ là cần thiết, nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về cảnh vệ; phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật về cảnh vệ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật.
Chính phủ cơ bản thống nhất về 4 chính sách theo đề xuất của Bộ Công an. Theo đó, bổ sung đối tượng cảnh vệ là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; xác định tiêu chí các hội nghị, lễ hội, sự kiện là đối tượng cảnh vệ; hoàn thiện chính sách về biện pháp cảnh vệ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; quyền hạn của lực lượng cảnh vệ.
Đối với việc xét duyệt Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, các thành viên Chính phủ đề nghị rà soát, xem xét kỹ, cụ thể từng trường hợp, không bỏ "sót, lọt" các trường hợp xứng đáng. Các thành viên Chính phủ cũng cho rằng việc xây dựng Đề án Trung tâm Dữ liệu quốc gia là cần thiết để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Cho ý kiến đối với từng nội dung, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các bộ đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng trong đột phá chiến lược về thể chế, tích cực chuẩn bị, trình các dự án, đề nghị xây dựng luật, đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, giải trình cặn kẽ, có cơ sở; đồng thời đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát với tinh thần xây dựng cao của các thành viên Chính phủ; đề nghị các bộ trưởng chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện các dự án, đề nghị xây dựng luật, dự án luật, đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, trình theo quy định, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Theo Thủ tướng, chương trình xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế năm 2023 của Chính phủ là rất lớn. Do đó, các bộ, ngành phát huy thành quả của năm 2022, các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục trực tiếp chỉ đạo, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu; bổ sung lực lượng, đầu tư nguồn lực để tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế.
"Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế là công việc khó, đòi hỏi công sức, trí tuệ, do đó cần có đầu tư, chế độ, chính sách tương xứng với lao động của người làm công tác xây dựng pháp", Thủ tướng nhắc nhở.
Ảnh: VGP/Trần Hải
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thể chế, các bộ, cơ quan cần tiếp tục coi trọng việc lấy ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn và đối tượng có tác động; tổ chức tuyên truyền chính sách trước, trong quá trình xây dựng và sau khi ban hành tạo đồng thuận và thực hiện hiệu quả.
Để giải quyết các vấn đề cấp bách mà thực tiễn đặt ra nhưng luật pháp chưa quy định, hoặc đã quy định nhưng không còn phù hợp, gây ách tắc, làm giảm nguồn lực cho sự phát triển, trước mắt, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát lại, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý kịp thời, hiệu quả, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, nhất là các Ủy ban của Quốc hội để hoàn thiện các luật đảm bảo chất lượng, tiến độ và tuyệt đối tránh tiêu cực, lợi ích nhóm và tham nhũng chính sách trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.
Về việc xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật năm 2021, Thủ tướng yêu cầu các bộ liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ về "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật để việc xét tặng thành tích của các tác giả bảo đảm sự tôn vinh, tính công bằng, khách quan, thực chất và đúng theo quy định.
Theo VGP
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
BHXH Việt Nam đề nghị các ngân hàng hỗ trợ người hưởng ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?