Tăng cơ hội hòa nhập cho người khuyết tật
08/12/2022 03:35 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Các thủ tục hành chính công dành cho NKT còn nhiều rào cản; trong số những NKT có công việc tạo ra thu nhập, gần một nửa số NKT (48,9%) có thu nhập dưới 4 triệu đồng/tháng; trong đó 36,2% NKT có công việc chính là tự làm nông nghiệp…
Đó là những thông tin được chia sẻ từ cuộc điều tra xã hội học Nghiên cứu thí điểm đánh giá mức độ hòa nhập của NKT trong quản trị địa phương do Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) và Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong (MDRI) thực hiện.
Hình minh họa (nguồn: Internet)
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 6- 10/2022, tiến hành khảo sát với trên 1.600 NKT, bao gồm tất cả các dạng khuyết tật tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhằm tìm hiểu về mức độ hòa nhập của NKT trong quản trị địa phương. Đây là hoạt động thí điểm trước khi mở rộng phạm vi nghiên cứu trong các năm tiếp theo. Theo ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam: “Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững hướng tới việc mang lại lợi ích cho tất cả mọi người và cam kết không để ai bị bỏ lại phía sau bằng cách hỗ trợ tất cả những ai có nhu cầu và đang cần giúp đỡ. Để hiện thực hóa cam kết này, chúng ta cần thêm nhiều dữ liệu chi tiết để thấu hiểu về nhu cầu và trải nghiệm của các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội, trong đó có cộng đồng NKT. Việc thực hiện nghiên cứu sẽ làm sâu sắc thêm hiểu biết và xúc tiến các hành động cụ thể, tiếp tục minh chứng cho cam kết của Việt Nam trong thúc đẩy quyền con người, hướng tới một xã hội hòa nhập và công bằng”.
Theo kết quả nghiên cứu, các thủ tục hành chính công dành cho NKT còn nhiều rào cản, đặc biệt là trong vấn đề cấp giấy xác nhận khuyết tật cũng như trợ cấp khuyết tật. Các vấn đề liên quan đến hạ tầng dịch vụ công như BV và giao thông công cộng còn cần nhiều cải thiện để thân thiện hơn với NKT. Đặc biệt, NKT dạng nghe nói, trí tuệ, và thần kinh - tâm thần là các nhóm còn gặp rất nhiều khó khăn trong tham gia các hoạt động xã hội, thực hiện thủ tục hành chính và sử dụng dịch vụ công.
Mức độ tham gia của NKT ở cấp cơ sở còn thấp và có sự chênh lệch về giới và dạng khuyết tật, chỉ 34,4% người trả lời có tham gia vào các hội/nhóm/tổ chức xã hội. Tỷ lệ người trả lời không tham gia bầu cử HĐND và Đại biểu Quốc hội trong kỳ bầu cử gần nhất còn khá cao, ở mức 47,1%. Hai yếu tố lớn nhất cản trở NKT tham gia bầu cử là khả năng di chuyển tới địa điểm bầu cử và tiếp cận thông tin về cuộc bầu cử. Trong số những người không tham bầu cử, có tới 27,7% người trả lời không tham gia bầu cử vì không tự di chuyển được tới điểm bầu cử và 24,3% không được thông báo về cuộc bầu cử. NKT dạng nghe nói, trí tuệ, và thần kinh - tâm thần là những nhóm còn gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận thông tin.
Với thủ tục hành chính công, 21% người tham gia khảo sát cho biết gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính tại địa phương, đặc biệt là nhóm NKT dạng nghe nói. Gần 1/5 số NKT chưa được cấp giấy xác nhận khuyết tật. Bên cạnh đó, 86,1% người trả lời cho rằng, các khoản trợ cấp không đủ để đáp ứng cho chi phí sinh hoạt tối thiểu của một NKT. Hơn một nửa số người trả lời không có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình.
Về dịch vụ công, các phương tiện và công trình công cộng vẫn chưa dễ tiếp cận với NKT, chỉ 1/3 người tham gia khảo sát cho biết phương tiện công cộng tại địa phương dễ sử dụng. Dịch vụ khám, chữa bệnh tuyến huyện được người trả lời đánh giá khá tốt, tuy nhiên cơ sở hạ tầng bệnh viện cần được cải thiện để thân thiện hơn (trang bị thang máy, đường dốc và nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn cho người đi xe lăn). Sau đại dịch Covid-19, gần 40% người trả lời đặc biệt quan tâm nhiều nhất đến dịch vụ sức khỏe tinh thần.
Nghiên cứu cũng đưa ra một số đáng lưu ý: 36,2% NKT có công việc chính là tự làm nông nghiệp, chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các hình thức công việc của NKT; tỷ lệ NKT đặc biệt nặng và nặng không có việc làm/chưa đi làm việc bao giờ lên đến hơn 70%... Trong số những NKT có công việc tạo ra thu nhập, gần một nửa số NKT (48,9%) có thu nhập dưới 4 triệu đồng/tháng (khảo sát tháng 6-2022). Tỷ lệ NKT không có thu nhập riêng và bị nợ lương/chưa bán được sản phẩm tương đối cao (27%).
Nhóm tác giả đã khuyến nghị một số giải pháp giảm bớt các "rào cản" cho NKT cho thời gian tới: cần minh bạch thông tin về tiêu chí, quy trình cấp giấy xác nhận khuyết tật và trợ cấp khuyết tật; hỗ trợ phù hợp để NKT có thể thực hành quyền bầu cử, thực hiện các thủ tục hành chính công thuận tiện hơn; đầu tư nhiều hạ tầng/cơ sở vật chất hòa nhập hơn nữa để NKT có thể tiếp cận được với các dịch vụ công và tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội, giải trí (đặc biệt, bảo vệ quyền lợi của NKT dạng nghe nói, trí tuệ và thần kinh - tâm thần); đi kèm với cung cấp hạ tầng/cơ sở vật chất hòa nhập, NKT cần được cung cấp kiến thức/hướng dẫn sử dụng các hạ tầng đó... Đặc biệt, các chính sách hòa nhập NKT cần quan tâm đầy đủ đến đặc điểm, nhu cầu của từng nhóm, dạng khuyết tật khác nhau để đảm bảo không nhóm nào bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là trong vấn đề tiếp cận thông tin...
PV
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Thủ tướng bổ nhiệm và bổ nhiệm lại nhân sự Hội đồng quản lý ...
Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về đột phá phát triển khoa ...
Phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin “Bồi dưỡng trực ...
BHXH Việt Nam đạt kết quả vượt bậc trong chi trả chế độ ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch Cải cách hành chính năm ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?