Đoàn giám sát của Ủy ban Xã hội làm việc với BHXH TP.Đà Nẵng
08/09/2022 02:26 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Vừa qua, Đoàn giám sát của Ủy ban Xã hội của Quốc hội do ông Đặng Thuần Phong- Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với BHXH TP.Đà Nẵng về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT giai đoạn 2016-2021.
Báo cáo với Đoàn giám sát, ông Đinh Văn Hiệp- Giám đốc BHXH TP.Đà Nẵng cho biết, trong giai đoạn 2016-2019, số người tham gia BHXH hằng năm đều tăng. Năm 2019, số tham gia BHXH bắt buộc tăng 30.698 người, tỷ lệ tăng 14% so với năm 2016. Tuy nhiên, đến năm 2020-2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên số người tham gia BHXH bắt buộc giảm, trong đó năm 2021 có 220.947 người tham gia, giảm 28.027 người so với năm 2019. Bên cạnh đó, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH năm 2021 đạt 41,18%, vượt 6,18% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Bà Phạm Thị Hiền- Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý Thu (BHXH TP.Đà Nẵng) cho biết thêm, tính đến hết tháng 7/2022, cơ quan BHXH đã rà soát được 573 đơn vị với 25.054 NLĐ từ dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp (đạt 9,53%). Qua đó, đã xác định được 24.897 NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (lao động thời vụ, lao động gia đình, hết tuổi lao động, hưu trí); 757 NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia, bằng 2,3% so với tổng số NLĐ cần rà soát.
Theo bà Hiền, việc khai thác dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp đạt thấp là do các nguyên nhân như: Lấy theo danh sách quyết toán của năm trước, phần lớn NLĐ đã nghỉ việc, không thuộc đối tượng tham gia, đã tham gia BHXH tại nơi khác, làm việc bán thời gian, công nhật, DN không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, thông tin NLĐ không trùng khớp với dữ liệu do cơ quan BHXH quản lý... nên mất nhiều thời gian xử lý, rà soát dữ liệu. Theo đó, hiện có tới 1.355 đơn vị không liên hệ được, số lượng đơn vị cần phải rà soát quá lớn (hiện còn 237.707 NLĐ thuộc diện rà soát), hầu hết các đơn vị nhỏ chỉ sử dụng vài NLĐ, nên không đủ nhân lực đáp ứng yêu cầu.
Ông Đặng Thuần Phong phát biểu tại buổi làm việc
Đáng chú ý, số đơn vị, DN chậm đóng BHXH còn tương đối cao. Năm 2016, số tiền chậm đóng BHXH, BH thất nghiệp là 194.460 triệu đồng, đến năm 2019 là 144.009 triệu đồng (giảm 25,9% so với năm 2016). Tuy nhiên, trong giai đoạn 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều đơn vị, DN gặp khó khăn, nên số tiền chậm đóng BHXH tăng dần (trung bình trong 6 năm chậm đóng khoảng 183.888 triệu đồng/năm).
Chia sẻ thêm về việc thực hiện nhiệm vụ, ông Đinh Văn Hiệp cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng trong giai đoạn 2016-2019, với sự nỗ lực hết mình của toàn thể CCVC, số thu của BHXH TP.Đà Nẵng năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể: Năm 2019, số thu BHXH bắt buộc đạt 3.699.306 triệu đồng, tăng 977.253 triệu đồng, tỷ lệ tăng 35,9% so với năm 2016; số thu BH thất nghiệp đạt 288.066 triệu đồng, tăng 81.958 triệu đồng, tỷ lệ tăng 39,7% so với năm 2016; số thu BHXH tự nguyện đạt 28.451 triệu đồng, tăng 14.908 triệu đồng, tỷ lệ tăng 110% so với năm 2016.
Đến năm 2020-2021, số thu BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp đều giảm so với năm 2019. Cụ thể: Số thu BHXH bắt buộc năm 2021 đạt 3.648.126 triệu đồng, giảm 51.180 triệu đồng, tỷ lệ giảm 1,38% so với năm 2019; số thu BH thất nghiệp năm 2021 đạt 250.758 triệu đồng, giảm 37.308 triệu đồng, tỷ lệ giảm 12,95% so với năm 2019; số thu BHXH tự nguyện đạt 51.899 triệu đồng, tăng 23.488 triệu đồng, tỷ lệ tăng 82,41% so với năm 2019...
Ông Đinh Văn Hiệp báo cáo với Đoàn giám sát
"Nóng" trong xử lý đơn vị, DN trốn đóng BHXH
Theo ông Nguyễn Hùng Anh- Phó Giám đốc BHXH TP.Đà Nẵng, xét hành vi trốn đóng BHXH theo loại hình đơn vị cho thấy, DN ngoài quốc doanh có số tiền chậm đóng nhiều nhất và tỷ lệ chậm đóng cao nhất (10,25%/năm 2016); nhóm DN có vốn đầu tư nước ngoài có số tiền chậm đóng rất ít và tỷ lệ chậm đóng chỉ 2,06% (năm 2016). Điều đáng ngại là, đến cuối năm 2021, BHXH TP.Đà Nẵng đang theo dõi 1.094 đơn vị giải thể, phá sản, dừng hoạt động, có chủ bỏ trốn, mất tích với số tiền trốn đóng lên tới 38.529 triệu đồng (không bao gồm lãi), chiếm tỷ lệ 20,94% so với tổng số tiền trốn đóng BHXH, BH thất nghiệp năm 2021. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị chậm đóng số tiền lớn nhưng chủ yếu là lãi chậm đóng, hằng tháng chỉ đóng phần phát sinh chứ không đóng lãi chậm đóng. Trong khi đó, hiện nay chưa có cơ chế xử lý, nên gây khó khăn trong công tác thu hồi quỹ BHXH.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy- đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng, thành viên Đoàn giám sát băn khoăn về các công cụ xử lý DN trốn đóng BHXH như: Khởi kiện, xử lý theo Bộ luật Hình sự… chưa phát huy hiệu quả. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Anh cho biết, việc khởi kiện DN là việc làm cuối cùng, sau khi các cơ quan quản lý nhà nước đã sử dụng nhiều biện pháp; hơn nữa phần lớn DN trốn đóng BHXH là do khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Do đó, đây là việc làm phức tạp và phải có sự phối hợp chăt chẽ giữa các cơ quan.
Cũng theo Nguyễn Hùng Anh, trong 6 năm qua, BHXH TP.Đà Nẵng đã thực hiện khởi kiện 2 DN là Công ty CP XDCTGT Đà Nẵng (trốn đóng 3 tỷ đồng) và Công ty TNHH MTV TBO VINA (trốn đóng hơn 11 tỷ đồng). Cơ quan BHXH cũng đã thực hiện khởi kiện đối với một số DN khác, nhưng do các DN không còn tài sản hoặc tài sản bị hư hỏng, nên không có điều kiện thi hành án như: Công ty CP Thủy sản Nhật Hoàng (nợ 1.565 triệu đồng), Chi nhánh Công ty CP Dây cáp điện Tân Cường Thành (nợ 2.197 triệu đồng), Công ty CP Hải Vân (nợ 908 triệu đồng)…
Trong khi đó, ông Phạm Như Hiệp- đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế, thành viên Đoàn giám sát băn khoăn về sự phối hợp xử lý các đơn vị, DN trốn đóng BHXH, BHYT. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Anh cho biết, cơ quan BHXH từ thành phố đến các quận, huyện đã kịp thời tham mưu, phối hợp với các sở, ban ngành và UBND các cấp thành lập các Tổ thu nợ liên ngành để phối hợp xử lý, thu hồi số tiền trốn đóng. Trong năm 2021, Tổ thu nợ liên ngành làm việc với 36 đơn vị, kết quả thu được 11.922 triệu đồng/12.211 triệu đồng, đạt tỷ lệ 97,63% và trong 7 tháng đầu năm 2022 đã làm việc với 155 đơn vị, thu được 5.382 triệu đồng/16.103 triệu đồng, đạt tỷ lệ 33,42%.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy trao đổi với đại diện BHXH TP.Đà Nẵng
Cơ quan BHXH các cấp cũng phối hơp chặt chẽ với các phòng, ban cấp quận, huyện tham mưu cho Chủ tịch UBND quận, huyện thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về việc chấp hành các quy định pháp luật lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH. Kết quả, trong giai đoạn 2016-2021, đã thực hiện kiểm tra liên ngành tại 1.025 đơn vị SDLĐ, kiến nghị thu hồi số tiền trốn đóng BHXH, BHYT là 118.577 triệu đồng, đến nay đã thu hồi được 89.238 triệu đồng, đạt tỷ lệ 75%.
Ngoài ra, BHXH TP.Đà Nẵng phối hợp với Cổng Thông tin điện tử UBND TP.Đà Nẵng đăng tải danh sách đơn vị nợ BHXH; cung cấp danh sách đơn vị trốn đóng BHXH cho LĐLĐ TP.Đà Nẵng để phối hợp trong công tác thu hồi; phối hợp với Sở Ngoại vụ trong việc xác nhận tình trạng tham gia BHXH của DN để cấp thẻ ABTC; phối hợp với Ban Thi đua-Khen thưởng đánh giá việc chấp hành pháp luật BHXH của DN để có cơ sở đề xuất thi đua, khen thưởng.
Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu cho rằng, Luật BHXH, Luật Công đoàn quy định tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện dân sự ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ và được NLĐ uỷ quyền. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay chưa quy định rõ hình thức, cách thức ủy quyền trong trường hợp này. Đáng chú ý, để TAND thụ lý đơn khởi kiện, thì tổ chức Công đoàn phải có đủ ủy quyền của tất cả NLĐ trong DN- điều này trong thực tế là khó khăn, không thể thực hiện (khó tập hợp đủ số NLĐ, tốn kém phí ủy quyền…). Bên cạnh đó, việc xác định các yếu tố cấu thành tội phạm đối với tội danh trốn đóng BHXH tại Điều 216 Bộ luật Hình sự cũng còn khó khăn.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Đặng Thuần Phong cho biết, càng lắng nghe cơ quan BHXH báo cáo càng thấy ngành BHXH còn rất nhiều việc cần giải quyết, trong khi nhân lực có hạn và cơ chế chính sách, hệ thống pháp luật cần phải điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của Ngành. Ông Phong cũng đánh giá cao sự phối hợp giữa BHXH TP.Đà Nẵng với các sở, ban ngành chức năng trên địa bàn; qua đó đã góp phần tăng số thu, hạn chế được tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT… Đồng thời khẳng định, thông qua buổi làm việc sẽ giúp Đoàn có báo cáo đánh giá chính xác, khách quan; từ đó có những kiến nghị trong việc sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT cho phù hợp thực tiễn.
PV
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
BHXH Việt Nam đề nghị các ngân hàng hỗ trợ người hưởng ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?