Đoàn Giám sát của Hội đồng quản lý BHXH làm việc tại tỉnh Tiền Giang
24/05/2022 06:24 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 24/5, Đoàn Giám sát của Hội đồng quản lý (HĐQL) BHXH do Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn.
Tham dự Đoàn giám sát có: Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu; Văn phòng HĐQL BHXH; lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam. Về phía tỉnh Tiền Giang có: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mười; Lãnh đạo BHXH tỉnh và các Sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan.
Những kết quả khả quan từ sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh về BHXH, BHYT
Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Tiền Giang cũng như phối hợp của các sở, ban ngành liên quan đã giúp cho công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn đạt những kết quả tích cực. Số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN hằng năm đều tăng, số thu luôn đạt và vượt kế hoạch được giao, quyền lợi của người tham gia được đảm bảo kịp thời. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN theo Nghị quyết số 28-NQ/TW gặp không ít khó khăn. Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh chỉ đạt 24,6% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH (chỉ tiêu 27%).
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chú trọng đến chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên toàn tỉnh và từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội góp phần bảo đảm thay thế, hoặc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động. Sự vào cuộc của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc tỉnh trong việc chỉ đạo các Sở ban ngành phối hợp chặt chẽ với ngành BHXH tại địa phương về xây dựng chương trình, kế hoạch hành động với lộ trình và phân công cụ thể trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của từng ngành, lĩnh vực của địa phương được cụ thể hóa từ Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020", tiếp theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH, Tỉnh uỷ Tiền Giang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như: Chương trình hành động số 34-CTr/TU ngày 10/9/2018 thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW. Theo đó, yêu cầu “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH”. Đồng thời, giao nhiệm vụ “Xây dựng chi tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH theo lộ trình, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra, nhất là số người tham gia BHXH tự nguyện”; Công văn số 1832-CV/TU ngày 27/12/2019 yêu cầu “Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành, thị tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên, người lao động và nhân dân về chính sách BHXH, BHYT. Phát huy tốt hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách BHXH, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh; đẩy mạnh việc thực hiện giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT hằng năm cho các địa phương”; Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 07/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khóa XI về thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022, trong đó mục tiêu tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 93%.
Nghị quyết số 37/2017/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 quy định mức hỗ trợ đóng BHYT đối với công an viên trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Theo đó, công an viên trên địa bàn được hỗ trợ 100% phí mua thẻ BHYT; Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Theo đó, đã hỗ trợ thêm cho người thuộc hộ cận nghèo 30% mức đóng BHYT (Ngân sách Trung ương ho trợ 70% theo Luật BHYT), hỗ trợ thêm 30% cho người thuộc hộ gia đình mức sống trung bình (Ngân sách Trung ương hỗ trợ 30% theo Luật BHYT), hỗ trợ thêm 5% cho học sinh, sinh viên (Ngân sách Trung ương hỗ 30% theo Luật BHYT); Nghị quyết số 40/NQ-HĐND ngày 10/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh phê chuẩn đề án tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động, và bảo đảm chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Theo đó, quy định hỗ trợ BHYT cho Dân quân thường trực cấp huyện, cấp xã và thân nhân trong giai đoạn 2021 - 2025, nguồn kinh phí thực hiện Đề án do ngân sách cấp tỉnh đảm bảo và được bố trí hàng năm; Nghị quyết số 34/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của Hội đồng nhân dân tinh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang năm 2022. Theo đó đề ra mục tiêu tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 93%, phấn đấu tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động tham gia BHXH đạt 29%...
Toàn cảnh buổi làm việc Đoàn giám sát
Năm 2022, theo Nghị quyết số 34/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh, tỷ lệ dân số tham gia BHYT phải đạt 93% và tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động tham gia BHXH phải đạt 29%. Để thực hiện đạt chỉ tiêu được giao, UBND tỉnh Tiền Giang giao các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển theo từng nhóm người tham gia BHXH, BHYT. Đồng thời, liên tục tăng cường trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền như: Kiểm tra thường xuyên và định kỳ việc thực hiện BHXH, BHYT tại xã, phường, thị trấn nhằm tăng nhanh và bền vững tỷ lệ người dân tham gia BHXH, BHYT tại địa phương; Duy trì, phát động mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải là người đi đầu trong thực hiện BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; Tổ chức tốt công tác KCB, tăng sự hài lòng của người bệnh đối với các tin cơ sở KCB BHYT...; Đẩy mạnh công tác kiểm tra thực tế tại các xã, phường, thị trấn để đôn đốc, chấn chỉnh công tác phát triển số người tham gia BHYT; kiểm tra sự tham gia của các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan trong việc thực hiện các giải pháp phát triển BHYT; Đảm bảo nguồn kinh phí từ ngân sách để đóng, hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng theo quy định…
Báo cáo Đoàn giám sát, Giám đốc BHXH tỉnh Tiền Giang Võ Khánh Bình cho biết: Tính đến 30/4/2022, số người tham gia BHXH: 212.471 người, chiếm 22,1% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó số tham gia BHXH bắt buộc 194.687 người, đạt 91,3% kế hoạch BHXH Việt Nam giao; số tham gia BHXH tự nguyện: 17.784 người, đạt 46,3% kế hoạch. Số người tham gia BHTN 183.898 người, đạt 90,9% kế hoạch. Số người tham gia BHXH bắt buộc tuy có tăng so với năm 2021 (tăng 17.001 người), để đạt được kế hoạch BHXH Việt Nam giao, cuối năm phải phát triển thêm 18.660 người (bình quân mỗi tháng tăng 2.333 người).
Phân tích về nguyên nhân những khó khăn trong công tác phát triển người tham gia, Giám đốc BHXH tỉnh Tiền Giang cho biết: Số người tham gia BHYT được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng hoặc một phần mức đóng tiếp tục giảm theo chương trình mục tiêu Quốc gia (so với năm 2021 giảm 8.749 người). Bên cạnh đó, hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT rất hạn chế do tâm lý chờ được hỗ trợ 100% (mặc dù đã được hỗ trợ 60% mức đóng: 30% ngân sách Trung ương, 30% ngân sách tỉnh). So với cuối năm 2021, tổng số người giảm là 947 người; năm học 2021-2022, tỉ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh đạt 98,6% (284.879/289.005), hiện còn 4.126 em chưa tham gia, tập trung ở khối Đại học, Cao đẳng, trường dạy nghề, do tình hình dịch bệnh: phụ huynh mất công việc, giá nông sản thấp… nên gia đình không đủ điều kiện tham gia BHYT; Số người tham gia hộ gia đình không tham gia tái tục có xu hướng tăng, nguyên nhân do dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến nguồn thu nhập… (so với cuối năm 2021 giảm 18.427 người)…
Công tác thực hiện tiếp nhận hồ sơ BHXH, BHYT qua giao dịch điện tử (GDĐT), tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ Bưu chính đã đi vào ổn định và đạt được những kết quả khả quan; triển khai GDĐT trong nộp thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT và giải quyết hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn đã góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác cải cách TTHC của Ngành, phù hợp với xu hướng phát triển Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 36a của Chính phủ.
Trong thời gian qua, việc giải quyết TTHC tại cơ quan BHXH đã tuân thủ theo đúng nguyên tắc của cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính, BHXH tỉnh không yêu cầu phát sinh thêm thủ tục. Từ 01/01/2017 các tổ chức, cá nhân đến giao dịch hoàn toàn không phải trả bất cứ loại phí, lệ phí nào. Ngoài các hình thức tiếp nhận qua GDĐT, qua dịch vụ Bưu chính công ích, BHXH tỉnh, huyện, thị xã còn thực hiện tiếp nhận hồ sơ trực tiếp không phụ thuộc địa giới hành chính theo Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) năm 2022 của BHXH Việt Nam; các trường hợp cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất được cấp lại ngay trong ngày.
Công tác cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, giao dịch điện tử, dịch vụ công, chi trả không dùng tiền mặt được tăng cường, đi vào ổn định, đạt kết quả tích cực. Tính đến 30/4/2022, tổng số chi trả các chế độ BHXH là 1.094 tỷ đồng, gồm: Chi trả chế độ lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng cho 20.544 người, số tiền 466 tỷ đồng (chi từ nguồn ngân sách Nhà nước 40 tỷ đồng, chi từ nguồn quỹ BHXH 426 tỷ đồng). Chi trợ cấp 1 lần cho 2.923 trường hợp, số tiền 386 tỷ đồng. Chi các chế độ BHXH ngắn hạn cho 68.698 người, số tiền là 138 tỷ đồng; trong đó chi trả qua ATM 81.459/92.165 người chiếm 88% tổng số người hưởng. Chi trả chế độ BHTN hàng tháng và hỗ trợ học nghề cho 12.793 lượt người với số tiền là 104 tỷ đồng.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu phát biểu tại buổi làm việc
Tăng cường các giải pháp nhằm đảm bảo độ bền vững của độ bao phủ BHXH, BHYT
Qua báo cáo tại buổi giám sát, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu nhận xét: Trong thời gian qua, các sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh đã chú trọng và quan tâm đến việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là sự vào cuộc của UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo đã giúp cho công tác thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tốt. “Cụ thể hoá Nghị quyết 28/Nq-TW là một quá trình yêu cầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh Tiền Giang cần kiện toàn lại thành viên BCĐ phát triển BHXH, BHYT, từ đó có những giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, góp phần đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT.” Phó Tổng Giám đốc nhấn mạnh.
Phó Tổng Giám đốc mong muốn trong thời gian tới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục tăng cường chỉ đạo trong công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN với lộ trình, giải pháp, nhóm đối tượng tiềm năng cụ thể; đặc biệt là có các chính sách hỗ trợ mức đóng để tạo sức hút cho người tham gia, nhất là với BHXH tự nguyện. Về lĩnh vực BHYT tỉnh cũng cần có những giải pháp căn cơ hơn trong điều kiện mức đóng còn thấp nhưng các dịch vụ kỹ thuật ngày càng phát triển, nhu cầu của người tham gia cũng ngày càng tăng lên. Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cũng tiếp thu các kiến nghị và giải đáp một số thắc mắc thuộc thẩm quyền của BHXH Việt Nam.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mười khẳng định công tác phát triển BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh luôn được UBND tỉnh chú trọng và coi đây là trong những mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã phân tích những khó khăn trong việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đồng thời nhấn mạnh BHXH tỉnh Tiền Giang đã thực hiện tốt vai trò tham mưu cho UBND tỉnh trong việc ban hành những văn bản nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát, tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo để đạt được các chỉ tiêu đề ra, góp phần nâng cao tỷ lệ người tham gia BHXH, BHYT, nhất là tỷ lệ bao phủ BHXH tiệm cận với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Trung ương.
Ông Nguyễn Văn Mười, UVTV tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Ông cũng đánh giá cao công tác chỉ đạo của UBND tỉnh cũng như công tác phối hợp của các sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Qua đó đã góp phần cho công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN, trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tích cực. Số đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN hằng năm đều tăng, số thu luôn đạt và vượt kế hoạch được giao; quyền lợi của người tham gia được bảo đảm kịp thời, đầy đủ. Đồng thời đã mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Ứng dụng VssID-BHXH số, tích hợp các dịch vụ công giúp người dùng có thể thực thiện giao dịch điện tử với cơ quan BHXH một cách nhanh chóng, dễ dàng. “Đặc biệt, trong thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 từ quỹ BHTN, ứng dụng đã kịp thời tích hợp dịch vụ công giúp người dùng đăng ký ngay trên ứng dụng, qua đó cũng góp phần trong phòng chống Covid-19.” Ông Phòng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật BHXH, BHYT được thực hiện với nhiều hình thức tuyên truyền trực tiếp, trên các phương tiện thông tin đại chúng như thông qua các cơ quan truyền thông báo đài tổ chức các chuyên mục hỏi đáp, tọa đàm về chính sách; phối hợp với các sở ban ngành, tổ chức chính trị xã hội như: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh,... tổ chức đối thoại, hội nghị tuyên truyền, phát hành ấn phẩm tuyên truyền; xây dựng chuyên mục hỏi đáp chính sách,... tạo điều kiện cho người dân, đơn vị sử dụng lao động, cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt kịp thời các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách BHXH, BHYT, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động…
Bên cạnh kết quả đạt được, Đoàn giám sát cũng thấy được những khó khăn, thách thức trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong thời gian tới. Thay mặt Đoàn giám sát, ông Hoàng Quang Phòng kiến nghị với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo và thực hiện quyết liệt và hiệu quả hơn các giải pháp hiện có để đảm bảo chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Trong đó, đề ra mục tiêu cụ thể về phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN trong từng năm, việc quản lý, sử dụng kinh phí khám chữa bệnh phải thực sự hiệu quả, đảm bảo sử dụng kinh phí khám chữa bệnh BHYT trong phạm vi dự toán đã được Thủ tướng Chính phủ giao;
Quan tâm, đảm bảo kinh phí cho các cơ sở khám chữa bệnh đối với những khoản chi không kết cấu vào giá dịch vụ để góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và điều trị bệnh nhân, giảm áp lực phải tăng nguồn thu từ quỹ BHYT của các cơ sở y tế và chuyển tuyến. Việc giao quyền tự chủ cho các bệnh viện cần có lộ trình để bệnh viện có đủ điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, có đủ nguồn để bù đắp cho các khoản chi hoạt động của bệnh viện;
Trưởng đoàn Giám sát, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng phát biểu kết luận buổi làm việc
Chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan tích cực phối hợp với cơ quan BHXH trong việc thanh tra, kiểm tra liên ngành việc chấp hành chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT và công khai tình trạng trốn đóng, nợ đọng, chiếm dụng BHXH, BHYT của các doanh nghiệp trên địa bàn; đồng thời có giải pháp tích cực để quản lý quỹ BHYT hiệu quả, khắc phục tình trạng vượt dự toán chi quỹ khám chữa bệnh BHYT ở một số cơ sở y tế đang có chiều hướng gia tăng. Bảo đảm công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN tăng bền vững có hiệu quả.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin. Ngành BHXH cần tích cực, chủ động phối kết hợp với các ngành Lao động- Thương binh và xã hội, Y tế, Tài chính, Thuế, Công an, Liên đoàn lao động tỉnh… trong tổ chức thực hiện chính sách, đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công, triển khai ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số với nhiều tính năng, tiện ích, hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 trên địa bàn.
Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm, tạo sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể chính trị trong tổ chức thực hiện chính sách tại đại phương. Tăng cường tổ chức, giám sát việc thực hiện nghị quyết của Đảng về BHXH, BHYT; định kỳ, thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu của nghị quyết tại địa phương, qua đó kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập để tháo gỡ, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?