Đề xuất tạo nguồn cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng

08/06/2021 12:13 PM


Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN năm 2022, kế hoạch tài chính-NSNN 3 năm 2022-2024. Trong đó, Dự thảo nêu rõ về dự toán tạo nguồn cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng (phần NSNN đảm bảo) và trợ cấp ưu đãi NCC.

Theo Dự thảo, trong năm 2022, tiếp tục thực hiện chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương, kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW về thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Các bộ, cơ quan Trung ương lập dự toán chi tạo nguồn cải cách tiền lương từ nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2021 còn dư chuyển sang năm 2022 (nếu có); sử dụng tối thiểu 40% nguồn thu được để lại theo quy định (riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ KCB, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35% số thu, sau khi trừ đi một số khoản chi phí đã được kết cấu vào giá dịch vụ theo quy định); tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm so với dự toán năm 2021 (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ). Các cơ quan, đơn vị hành chính ở Trung ương đang áp dụng cơ chế đặc thù theo phê duyệt của cấp thẩm quyền tự cân đối nguồn thực hiện điều chỉnh tiền lương trong năm 2022 theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, NSNN không hỗ trợ thêm.

Hình minh hoạ

Các địa phương lập dự toán chi tạo nguồn cải cách tiền lương từ một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập (tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ; riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ KCB, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35% số thu, sau khi trừ đi một số khoản chi phí đã được kết cấu vào giá dịch vụ theo quy định); tiết kiệm 10% chi thường xuyên và nguồn cải cách tiền lương lũy kế đến hết năm 2021 chuyển sang để thực hiện (bao gồm nguồn 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương năm 2021 chưa sử dụng hết- nếu có).

Đối với kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng (phần NSNN đảm bảo), trợ cấp ưu đãi NCC, các bộ, cơ quan căn cứ vào nhiệm vụ, chức năng được giao thực hiện lập dự toán chi theo chế độ nhà nước quy định.

Dự thảo cũng nêu rõ về xây dựng dự toán chi đầu tư phát triển. Theo đó, dự toán chi đầu tư phát triển nguồn NSNN (bao gồm cả nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức, nguồn thu xổ số kiến thiết, nguồn thu tiền sử dụng đất…) được xây dựng theo quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công…; đồng thời phải phù hợp với phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2021-2025; nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán NSNN năm 2022.

Ưu tiên bố trí dự toán năm 2022 để thanh toán nợ xây dựng cơ bản theo quy định tại Khoản 4, Điều 101 Luật Đầu tư công, thu hồi vốn ứng trước NSNN; các dự án đã hoàn thành nhưng chưa bố trí đủ vốn; các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2022; vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; bố trí vốn đầu tư nguồn NSNN thực hiện các dự án, công trình phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức đối tác công tư (PPP); cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách. Mức bố trí vốn cho từng nhiệm vụ phải phù hợp với tiến độ thực hiện và giải ngân trong năm 2022.

PV