Thủ tướng: Phát triển Chính phủ điện tử là một điểm sáng nổi bật trong nhiệm kỳ

11/03/2021 08:35 AM


Chiều 10/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử đã chủ trì cuộc họp sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/03/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận phiên họp Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử. Ảnh: VGP

Giúp tiết kiệm chi phí xã hội ước tính trên 9.900 tỷ đồng/năm

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, một trong những dấu ấn đặc biệt trong xây dựng Chính phủ điện tử là khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia. Từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương (ngày 9/12/2019) với 8 dịch vụ công ban đầu, đến ngày 8/3/2021 đã có hơn 2.800 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên tổng số gần 6.800 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền, với hơn 116 triệu lượt truy cập, hơn 468.000 tài khoản đăng ký; hơn 42,5 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 940.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến và hơn 67.000 giao dịch thanh toán điện tử (tổng số tiền hơn 26,7 tỷ đồng) trên Cổng; tiếp nhận, hỗ trợ trên 53.000 cuộc gọi, hơn 10.000 phản ánh, kiến nghị.
Những con số này cho thấy sự quan tâm rất lớn cũng như kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng một cổng tập trung để thực hiện các giao dịch trực tuyến với Chính phủ. Chi phí tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịchvụ công quốc gia là hơn 8.100 tỷ đồng/năm.

Việc xây dựng, vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia và xử lý văn bản trên môi trường mạng cũng giúp tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng mỗi năm từ tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính, chi phí thời gian... Tính đến nay, đã có hơn 4,5 triệu văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trong năm 2020 gấp 2,5 lần so với năm 2019.
Một điểm nhấn nữa là Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được khai trương, là hạ tầng số thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số phù hợp theo lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Đến nay, hệ thống đã kết nối với Hệ thống báo cáo của 14 bộ, cơ quan và 37 địa phương.

Tỷ lệ bộ, ngành, địa phương đã có Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP). Ảnh: Quang Hiếu

"Các hệ thống thông tin do Văn phòng Chính phủ chủ trì triển khai nêu trên được đưa vào vận hành giúp tiết kiệm chi phí xã hội ước tính trên 9.900 tỷ đồng/năm (theo cách tính của OECD) và nhận được phản hồi tích cực của xã hội" - Báo cáo nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2020, những nền tảng quan trọng nhất cho phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam đã được hình thành và bước đầu phát huy hiệu quả. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã kết nối đến 100% các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 98% quận, huyện, thị xã.
Một số cơ sở dữ liệu tạo nền tảng Chính phủ điện tử đã được xây dựng, gồm cơ sở dữ liệu về Bảo hiểm quản lý thông tin của 24 triệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế, bao gồm thông tin của trên 90 triệu người dân có thẻ bảo hiểm y tế. Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp chứa thông tin đăng ký doanh nghiệp theo thời gian thực của hơn 1 triệu doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc; tỉ lệ số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đạt 100%.

Cơ sở dữ liệu tài chính chứa thông tin quản lý thuế của khoảng 65 triệu cá nhân và trên 700.000 doanh nghiệp. Cơ sở dữ liệu giáo dục chứa thông tin của trên 53.000 trường học; 1,5 triệu giáo viên; 23 triệu hồ sơ học sinh. Cơ sở dữ liệu danh mục dùng chung của Bộ Y tế gồm 10.000 đầu thuốc, 41.000 cơ sở kinh doanh dược…

Ngày 25/2/2021, cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư được khai trương. Tính đến tháng 12/2020, gần 40 nền tảng “Make in Viet Nam” do cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam xây dựng đã được giới thiệu, ra mắt.

Tỷ lệ dịch vụ công mức độ 4 vượt mục tiêu đặt ra

Cũng trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và vận hành các ứng dụng cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đến hết năm 2020, tất cả các bộ, ngành, địa phương đã có Cổng dịch vụ công để cung cấp dịch vụ công trực tuyến, điều này giúp người dân dễ tiếp cận dịch vụ công, tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính.

Trên 55% dịch vụ công của các cơ quan nhà nước đã được cung cấp trực tuyến mức độ cao (mức độ 3, mức độ 4), cho phép người dân nộp hồ sơ thủ tục hành chính và thanh toán qua mạng. Trong năm 2020, nhờ cách làm mới, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng mạnh mẽ. Cụ thể như năm 2016, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trung bình cả nước là 1,42% thì đến năm 2020, tỷ lệ này là 30,86% (vượt mục tiêu 30% năm 2020).

Hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã triển khai Hệ thống thông tin một cửa điện tử để tin học hóa quá trình tiếp nhận và quản lý quá trình xử lý hồ sơ thủ tục hành chính, điều này giúp các cơ quan nhà nước nâng cao năng suất lao động và công khai, minh bạch các hoạt động của mình.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, ngày 25/2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã dự lễ khai trương Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân là hai Hệ thống được mong đợi trong quá trình phát triển Chính phủ điện tử.

Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công mức độ 4 từ năm 2016-2020. Ảnh: Quang Hiếu, VGP

Trong quá trình triển khai hai Hệ thống, Bộ Công an đã quyết tâm với phương châm: "Đồng bộ-Hiện đại-Bảo mật cao-Tránh lãng phí". Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, cơ quan nên phần việc của 2 dự án nêu trên được gộp lại, không đầu tư tràn lan, lãng phí rút ngắn thời gian đầu tư, tận dụng tối đa cơ sở vật chất, nguồn lực... tiết kiệm khoảng 1.300 tỷ đồng. Kết quả này nói lên sự cố gắng rất cao của ngành công an và các cơ quan, đơn vị phối hợp đã phát huy được trí tuệ, sáng tạo để thực hiện dự án.

Sang giai đoạn 2 của dự án nêu trên, Bộ Công an đặt ra mốc ngày 1/7/2021 cơ bản cấp xong căn cước công dân có gắn chíp để nhân dân giao dịch và bỏ bớt các thủ tục giấy tờ.

Nhiều kinh nghiệm trong triển khai Chính phủ điện tử

Về kinh nghiệm xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT & TT) Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử nêu 5 kinh nghiệm trong triển khai Chính phủ điện tử trong thời gian qua.

Theo đó, điều đầu tiên là cần cơ quan điều phối thống nhất, cơ quan điều hành chung để tổng hợp, giám sát, thực thi, đánh giá, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn... Thứ hai là cách làm hài hòa giữa tập trung và phân tán. Thứ ba là luôn dùng công nghệ mới nhất, trong đó công nghệ số đang thay thế CNTT cho phép dùng các nền tảng số để triển khai đồng loạt, Chính phủ điện tử vì thế cũng được thúc đẩy nhanh hơn.

Thứ tư là đặt mục tiêu cao để tìm cách làm đột phá bởi Việt Nam là nước đi sau, vì vậy phải đi nhanh và đi trước thì mới có cơ hội thay đổi thứ hạng; chỉ khi có mục tiêu cao thì công nghệ mới thường tạo ra sự đột phá trong phát triển.

Thứ năm là cần ngân sách ổn định cho xây dựng Chính phủ điện tử. Ở Việt Nam, địa phương, bộ, ngành có thể dùng 1% ngân sách hằng năm để phát triển Chính phủ điện tử, đây là mức trung bình của thế giới.

Về định hướng phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn tới, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết trong quý I/2021 hoặc đầu quý II/2021, Chính phủ sẽ phê duyệt Chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.

"Điều quan trọng nhất của Chính phủ số là cung cấp dịch vụ số cho người dân, toàn bộ bộ máy công quyền chuyển sang hoạt động trên môi trường số. Sử dụng dữ liệu, công nghệ số để thiết kế lại vận hành của Chính phủ nhằm giúp cho việc ra quyết định và quản lý xã hội hiệu quả hơn, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Quan điểm cơ bản phát triển Chính phủ số là: Toàn bộ hoạt động của Chính phủ an toàn trên môi trường số; có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng, đưa ra quyết định nhanh hơn, kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó là định hướng mở để người dân, doanh nghiệp và tổ chức khác nhau tham gia vào vận động của cơ quan nhà nước, tương tác cơ quan nhà nước để tăng cường tính minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ. Cơ quan nhà nước là dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở để phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Ngoài ra, nền tảng là giải pháp đột phá, phát triển các nền tảng theo hướng cung cấp dịch vụ đồng bộ, thông suốt, có thể sử dụng mọi nơi. Thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số vừa phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, coi Chính phủ số là thị trường phát triển công nghệ.  

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, các chỉ tiêu Chính phủ điện tử sẽ cơ bản hoàn thành năm 2021 với trọng tâm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 100% còn Chính phủ số sẽ được hình thành vào năm 2025. Theo đó, các dịch vụ của Chính phủ được cung cấp tự động 24/24 theo nhu cầu, các dịch vụ công mới được cung cấp kịp thời và trên cơ sở dữ liệu mở.

Chiến lược Chính phủ số đặt ra 5 mục tiêu: Cung cấp dịch vụ công chất lượng cao cho người dân; huy động sự tham gia rộng rãi của người dân và doanh nghiệp; sự vận hành tối ưu của cơ quan nhà nước dựa trên công nghệ số; giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế-xã hội như y tế, giáo dục, giao thông...

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, chuyển đổi từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số là chuyển đổi có tính căn bản, từ dịch vụ công trực tuyến thành dịch vụ số; khái niệm hệ thống CNTT được thay bằng nền tảng số; từ tiếp cận theo hướng dịch vụ trở thành tiếp cận theo hướng dữ liệu; từ sự tham gia của cơ quan nhà nước thành sự tham gia của nhà nước và người dân, doanh nghiệp; từ cải cách thủ tục hành chính thành thay đổi mô hình quản trị...

Chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số cũng sẽ đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện môi trường pháp lý, phát triển hạ tầng số quốc gia, phát triển nền tảng số quốc gia, phát triển dữ liệu quốc gia, phát triển các ứng dụng quốc gia và bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia. 

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tiếp tục phát triển các hoạt động trực tuyến, ứng dụng công nghệ số trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển chính phủ điện tử năm 2020 của Liên Hợp Quốc, xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam đứng thứ 86/193 quốc gia, tăng 2 bậc so với năm 2018. Qua đó, cho thấy chúng ta có rất nhiều cố gắng trong xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn giữ nguyên vị trí thứ 6. Năm nước có vị trí cao hơn Việt Nam là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Philippines. Đặc biệt, sự thăng hạng của một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan từ 73 lên 57, Indonesia từ 107 lên 88, Campuchia từ 145 lên 124, Myanmar từ 157 lên 146.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc chỉ số Chính phủ điện tử của các nước trong khu vực tăng mạnh đồng nghĩa với môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo của các nước này tiếp tục tăng, là đối tượng cạnh tranh với nước ta trên các lĩnh vực… Thủ tướng nhấn mạnh, đây là thách thức lớn đối với chúng ta, cần thấy rõ vấn đề này để có phấn đấu cao hơn.
Thủ tướng nêu rõ, với việc ban hành Nghị quyết 17, lần đầu tiên chúng ta có kế hoạch tổng thể về triển khai Chính phủ điện tử ở Việt Nam. Nghị quyết 17 đã chú trọng vào việc xây dựng thể chế và yêu cầu nền tảng dùng chung. Đây là hai vấn đề quan trọng mà chúng ta chưa làm được trong nhiều năm.

Điểm lại một số kết quả nổi bật, Thủ tướng cho biết, cùng với những thành tựu quan trọng, toàn diện về kinh tế - xã hội, những nỗ lực mạnh mẽ trong chỉ đạo thực hiện và những kết quả quan trọng đạt được trong xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử là một điểm sáng nổi bật trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua, nhất là năm 2020.

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ ra một số mặt tồn tại, hạn chế như môi trường pháp lý cho Chính phủ điện tử chưa hoàn thiện (một số Nghị định quan trọng vẫn chưa được ban hành, đặc biệt là về bảo vệ dữ liệu cá nhân; định danh, xác thực điện tử... Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vẫn thấp. Các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành triển khai chưa đáp ứng được tiến độ, kế hoạch đã đề ra...

Về định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, công tác xây dựng thể chế, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, triển khai hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để giảm giấy tờ trong xử lý thủ tục hành chính.

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, bảo đảm đến tháng 7/2021 hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai theo quy định.

Thủ tướng trân trọng cảm ơn và đánh giá cao lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ủy ban, các chuyên gia, doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực, tâm huyết trong xây dựng, triển khai Chính phủ điện tử, chuyển đổi số trong thời gian qua. Ảnh: VGP

Về các nền tảng Chính phủ điện tử, các bộ, ngành, địa phương sử dụng, khai thác hiệu quả các dịch vụ cung cấp trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, chủ động chia sẻ cung cấp dữ liệu của mình cho các cơ quan nhà nước khác… Thủ tướng nhấn mạnh, 100% cơ quan, tổ chức nhà nước hoàn thành xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin và đề xuất phương án bảo đảm an toàn thông tin

Các bộ, ngành, địa phương hoàn thành xây dựng, triển khai ngay các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số cho giai đoạn mới; quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp duy trì, tiếp tục phát triển các hoạt động trực tuyến, ứng dụng công nghệ số trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội như đã được hình thành trong thời gian dịch COVID-19.

PV (T/h)